“Thơ 5 chữ” Thái Bá Tân và mong muốn xã hội Việt Nam nhìn lại chính mình
Thái Bá Tân là một nhà giáo với nhiều năm trong nghề, người xứ Nghệ An, ông hay viết “ngũ ngôn thơ”, gieo vần dễ hiểu, ý tứ hay, xuyên suốt thế thời, qua bao năm rồi vẫn miệt mài thơ 05 chữ giản dị, nội dung nhân văn, đầy tấm lòng chân thật…
Thái Bá Tân đã xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác. Hơn 20 năm tổ chức các lớp học thêm tiếng Anh cho sinh viên, với gần 300 người một lớp, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên miền Bắc đã trưởng thành và thành công từ lớp học tiếng Anh này. Ông không chỉ dạy kiến thức, Thái Bá Tân còn luận về đạo, làm người, thế sự hưng suy.
Dưới đây là một tác phẩm mới được nhiều bạn đọc chia sẻ qua mạng xã hội Facebook, bài phát biểu hàng giờ đồng hồ của thượng tướng Lưu Á Châu – Trung Quốc được ông thơ hóa – lay động lòng người, với mong muốn cảnh tỉnh xã hội Việt Nam chớ để trợt dài theo con đường Trung Quốc hiện nay
…
1
Cải tà Ác thành Thiện
Là lịch sử Phương Tây.
Lịch sử của Trung Quốc
Lại làm ngược điều này.
Phương Tây gì cũng cấm,
Trừ Bản Năng con người.
Trung Quốc cho phép hết,
Trừ Bản Năng con người.
Người Trung Quốc mặc áo
Che cái dốt của mình.
Người Phương Tây cởi áo
Đón các luồng văn minh.
2
Như Hegel, ông nói
Xưa nay ở Trung Hoa
Vắng các nhà tư tưởng.
Chỉ có mưu lược gia.
Xã hội của Trung Quốc
Trọng Binh Pháp (mưu mô),
Thay cho các tư tưởng
Về Dân Chủ, Tự Do.
Ông lên án Nho Giáo
Vốn đề cao quan trường.
Chỉ làm hại xã hội
Bằng Luân Lý Đạo Thường.
3
Tiếp đến ông nói chuyện
Ở Trung Quốc ngày nay
Có ba đặc điểm lớn,
Nhất quán và thường ngày.
Một – là thói ngụy biện,
Vô tình hoặc cố tình,
Luôn nghĩ mình là đúng.
Thiên hạ là cái đinh.
Hai – là hèn với giặc,
Nhưng tàn ác với dân.
Chính quyền Mỹ, ngược lại,
Tôn trọng và sợ dân.
Văn hóa của Trung Quốc
Hướng nội, chỉ biết mình.
Nên không dám chấp nhận
Các xu hướng văn minh.
Cũng chính văn hóa ấy
Làm Trung Quốc đê hèn
Với kẻ thù xâm lược,
Nhưng ác với dân đen.
Ông nêu một thí dụ
Rằng xưa, thời chiến tranh,
Chỉ một trăm lính Nhật
Giải năm vạn tù binh,
Quân của Quốc Dân Đảng,
Tới tận Yến Tử Cơ
Để hành quyết, ấy vậy,
Mà kết quả bất ngờ –
Không một ai trong họ
Những năm vạn con người
Tìm cách trốn, chống lại
Vẻn vẹn một trăm người.
Ba – và quan trọng nhất:
Chính văn hóa Trung Hoa
Làm tâm hồn dân họ
Thành thấp hèn, xấu xa.
Một cặp vợ chồng nọ,
Không hiểu sao cãi nhau.
Bà vợ quá phẫn chí,
Lên gác, định nhảy lầu.
Láng giềng đứng phía dưới
Háo hức kêu: Nhảy đi!
Khi người ấy không nhảy,
Thì đám đông tức thì
Liền tỏ ra thất vọng.
Có người còn chửi thề
Vì hụt mất cơ hội
Được nhìn thấy máu me.
4
Một nền văn hóa khác –
Ở nước nọ, châu Âu,
Gần bảy mươi năm trước
Có chuyện tình buồn đau
Về một cô gái trẻ
Yêu một anh thợ lò.
Họ muốn thành chồng vợ,
Nhưng Số Phận không cho.
Mấy ngày trước lễ cưới,
Vị hôn thê của cô
Không may gặp tai nạn,
Vùi sâu trong hầm lò.
Bất chấp mọi sự thật,
Cô không tin điều này,
Vẫn quyết tâm chờ đợi…
Không ngờ, mới gần đây
Khi vệ sinh các mỏ,
Người ta, rất ngạc nhiên,
Tìm thấy một xác chết
Như còn sống, mới nguyên.
Đó là chàng thợ mỏ
Của cô gái năm nào.
Ngâm trong nước khoáng chất,
Da dẻ vẫn hồng hào.
Người yêu anh lúc ấy
Ở tuổi hơn tám mươi,
Mái tóc đã bạc trắng,
Móm mém cả nụ cười.
Nhưng bà đã quyết định
Làm lễ cưới với anh,
Với một người đã chết,
Dẫu cơ thể nguyên lành.
Đám cưới ấy đặc biệt
Làm tất cả láng giềng
Bật khóc vì cảm động.
Một tình yêu thiêng liêng.
Văn hóa mà nhân bản
Sẽ nuôi dưỡng tình người.
So với dân Trung Quốc
Thì một vực, một trời.
5
Vụ Mười Một tháng Chín
Nhiều người ở Thủ Đô
Đã không thương thì chớ,
Còn vỗ tay reo hò
Khi hàng nghìn người Mỹ
Chết vì Bin Laden.
Văn hóa mà khép kín
Đẻ ra người thấp hèn.
Cũng vào ngày hôm ấy,
Một phái đoàn nước ông
Đang ở thăm nước Mỹ,
Nhảy múa giữa đám đông,
Khen khủng bố chơi đẹp…
Người Mỹ cáu, và rồi
Đuổi ngay họ về nước
Và cấm cửa suốt đời.
Sáng hôm sau, dậy sớm,
Ông vội bật truyền hình
Để nghe lời bình luận
Của truyền thông nước mình.
Thế mà đài, thật tiếc,
Chỉ nhắc nhở nông thôn
Củng cố tổ chức đảng
Để đảng mãi trường tồn.
Trước đó, ông kể tiếp,
Công nương Diana
Chết, đài báo Trung Quốc
Không nói gì về bà.
Thay vào đấy, liên tục
Đưa tin ở Bắc Kinh
Các trường đã khai giảng,
Trang trọng, đúng lịch trình.
Thế thì chẳng khác mấy
Đưa tin dân thủ đô
Hôm nay đã ăn sáng
Hoặc đã uống sữa bò.
Tức là đài và báo
Không quan tâm tẹo nào
Cái người dân muốn biết.
Toàn đưa tin tầm phào.
6
Khoảng mười năm về trước
Một nhóm người Trung Hoa
Vượt biên sang Anh Quốc.
Đi xe tải, đường xa,
Xe bịt kín, tất cả
Chết ngạt ở Dover,
Trừ hai người may mắn.
Sau đó, thật không ngờ,
Lãnh sự quán Trung Quốc
Không đến nhận dân mình.
Dự lễ mai táng họ
Chỉ toàn thấy người Anh.
Được hỏi thì họ đáp:
Đã là người với nhau,
Ai chết cũng thương xót.
Cả người Anh, người Tàu.
Làm sao người Trung Quốc
Có “văn hóa”, “văn minh”,
Khi chính họ hờ hững
Với đồng bào của mình?
Khi văn hóa hướng nội,
Và lãnh đạo thấp hèn,
Thì người dân không thể
Không trở thành thấp hèn.
Quy luật, đâu cũng vậy:
Quan hư thì dân hư.
Quan tốt thì dân tốt.
Không có luật bù trừ.
7
Trên xe buýt công cộng
Có một thằng lưu manh
Đánh một người nào đấy.
Nhưng hành khách xung quanh
Không một ai can thiệp,
Sợ rước vạ vào mình.
Đâu ra loại người ấy,
Vô tâm và vô tình?
Liệu có thể trông cậy
Vào những con người này
Để xây dựng xã hội
Như xã hội Phương Tây?
8
Ti-vi luôn quảng cáo
Các thiết bị an ninh,
Các loại khóa chống trộm,
Thô sơ và thông minh.
Nhà người dân Trung Quốc
Luôn kín cổng cao tường.
Đâu cũng bịt rào sắt,
Nhiều khi đến dị thường.
Đó chính là bi kịch
Của dân tộc chúng ta.
Luôn sống trong sợ hãi.
Nhà không còn là nhà.
Giả sử có cướp giết
Ở ngay nhà sát bên,
Cũng không ai động đậy.
Vì hờ hững, vì hèn.
Nó – kết quả tất yếu
Của người không tin người.
Của văn hóa khép kín
Tồn tại đã bao đời.
9
Ni-ki-ta Khu-sốp,
Tổng bí thư Liên Xô,
Lần nọ, trong hội nghị,
Đã lên tiếng rất to
Lên án sự tàn bạo
Của nguyên soái Stalin.
Bất chợt có ai đấy
Viết mảnh giấy, chuyền lên.
Mảnh giấy viết: “Rất tốt.
Nhưng sao ông trước đây,
Thời Stalin còn sống
Không lên án điều này?”
Liếc qua, Khru-sốp
Liền đọc to, và rồi
Hỏi: Ai đã viết nó?
Mời lên đây gặp tôi.
Cả phòng họp im lặng.
Cuối cùng không người nào
Đứng dậy nhận mình viết.
Khru-sốp cười: Không sao.
Giờ không có khủng bố,
Thế mà không có ai
Dám nhận mình đã viết.
Vậy thì thời độc tài
Và thanh trừng nội bộ,
Ai to gan, tự tin,
Dám công khai chỉ trích
Lãnh tụ Stalin?
10
Quân đội của nước Mỹ
Thiện chiến nhất hành tinh.
Mỹ dẫn đầu thế giới
Về khoa học, phát minh.
Nhưng cái đáng sợ nhất
Của nước Mỹ xưa nay,
Thực ra, theo tôi nghĩ,
Không phải những điều này.
Hàng triệu người bất mãn
Với chính tổ quốc mình
Đã di cư sang Mỹ,
Giúp nước Mỹ định hình.
Được tự do, dân chủ,
Những người nhập cư này
Cùng chung sức biến Mỹ
Thành siêu cường ngày nay.
Cái đáng sợ ở Mỹ
Là họ trọng nhân tài.
Có cơ chế sử dụng,
Không bỏ sót một ai.
Thể chế nhà nước họ
Chỉ cho phép người nào
Thực tài và thực đức
Được giữ chức vụ cao.
Ở Trung Quốc – lãnh đạo
Thường vô đức, vô tài.
Người tử tế, tài giỏi
Luôn bị gạt ra ngoài.
Đó là bi kịch lớn
Của dân tộc chúng ta.
Chẳng trách ta tụt hậu,
Mà mỗi ngày một xa.
Người Mỹ không ham muốn
Lãnh thổ của nước nào.
Cái họ muốn thực sự
Là xây dựng, nâng cao
Ảnh hưởng của nước họ
Về tự do, nhân quyền.
Để làm được điều ấy,
Họ sẵn sàng chi tiền.
Sức mạnh đáng sợ nhất
Của nước Mỹ, thực ra,
Là xã hội của họ
Nhân bản và hài hòa.
Là giá trị đạo đức
Và sức mạnh tinh thần.
Là Tự Do, Dân Chủ
Và Tôn Trọng Người Dân.
Vụ Mười Một tháng Chín.
Sau cú choáng ban đầu,
Nước Mỹ đã đứng dậy,
Dù vết thương rất đau.
Không có cảnh hoảng loạn
Ở khu vực hiện trường.
Không cướp bóc, hôi của,
Vốn là chuyện bình thường.
Người sơ tán đi xuống.
Lính cứu hỏa đi lên.
Mọi người có ý thức
Nhường đường cho ưu tiên.
Mấy ngày sau, một loạt
Các cửa hàng Đạo Hồi
Bị người Mỹ đập phá.
Không khó hiểu, nhưng rồi,
Cũng chính những người Mỹ
Lập “dân phòng”, đêm ngày
Túc trực để bảo vệ
Chính những cửa hàng này.
Một dân tộc, đạo đức
Và văn hóa không cao,
Không thể làm điều ấy,
Dẫu trong hoàn cảnh nào.
Đạo đức, văn hóa ấy
Là kết quả đương nhiên
Của tinh thần dân chủ,
Tự do và nhân quyền.
Nó đã thấm vào máu
Của người dân nước này.
Hơn thế, thành chuẩn mực
Trong giao tiếp thường ngày.
Văn hóa ta, Trung Quốc,
Là báo thù, thù dai.
Nó trở thành truyền thống,
Âm ỉ và lâu dài.
Tôi sống ở thành phố
Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Nơi xưa tướng Đặng Ngãi,
Chiếm được thành, chuyên quyền,
Để trả thù, ra lệnh
Đem chém hết cả nhà
Của Vân Trường Quan Vũ.
Đấy, văn hóa của ta!
Dân tộc Mỹ, tôi nghĩ,
Cũng hợp lý, hợp tình
Được dẫn đầu thế giới
Về vũ khí thông minh,
Về sức mạnh quân sự,
Kể cả “sức mạnh mềm”.
Ai xứng đáng hơn họ?
Cá vị thử nghĩ xem.
Giả sử sức mạnh ấy
Nằm trong tay chúng ta.
Quả thực tôi không biết
Chuyện gì sẽ xẩy ra.
12
Ta có thể học hỏi
Ở Mỹ nhiều điều hay.
Để tránh chuyện vô bổ
Và hội họp suốt ngày.
Vụ Mười Một tháng Chín,
Người Mỹ, thật lạ kỳ,
Không lập “Ban chỉ đạo”,
Không cả “Bộ chỉ huy”…
Họ là người thực tế,
Chỉ làm cái cần làm.
Cũng không đạo đức giả,
Nói Tây mà nghĩ Nam.
Còn ta, có nhiều vị
Chửi Mỹ thì rất ghê.
Mà gửi con sang Mỹ.
Học xong, bảo đừng về.
13
Thêm một thí dụ cuối.
Thủ tướng Đức, Schroder,
Suýt nữa bị thất cử,
Lý do thật bất ngờ.
Là vì ông, sơ ý,
Nhuộm tóc trắng thành đen,
Để trông mình còn trẻ,
Đẹp trai và có duyên.
Chuyện đơn giản chỉ thế.
Ta xem là bình thường.
Thế mà cử tri Đức
Lại cho không bình thường.
Vì nói gì thì nói,
Tóc trắng nhuộm thành đen
Cũng là sự giả dối,
Là điều người cầm quyền
Tuyệt đối phải kiêng kỵ.
Tôi nghĩ cả điều này
Cũng là sự khác biệt
Giữa ta và Phương Tây.
14
LỜI NÓI THÊM CỦA NGƯỜI CHUYỂN THỂ
Được, ông tướng này được,
Dám trở thành “cừu đen”.
Dám cho phép ông nói,
Cũng được cả chính quyền.
Ta, tạm thời chưa được
Thì nên học người ta.
Học cái hay, cái tốt
Để chấn hưng nước nhà.
…
Bruce Phan – theo Thái Bá Tân