Hàng loạt gia đình mafia Italy có tên trong “Hồ sơ Panama”
Tờ L’Espresso công bố 100 cái tên đầu tiên trong danh sách gần 1.000 cá nhân và tập đoàn Italy đã thuê công ty luật “Mossack Fonseca” có trụ sở ở Panama che giấu các khoản thu nhập nhằm trốn thuế.
Không chỉ có những nhân vật có tiếng trong giới công nghiệp và biểu diễn của Italy có tên trong “Hồ sơ Panama”, mà còn cả các gia đình mafia (băng đảng tội phạm) cũng là chủ sở hữu của hàng loạt công ty được mở tại các “thiên đường thuế” để rửa tiền bẩn.
Đó là khẳng định của tuần báo thời sự chính trị nổi tiếng của Italy “L’Espresso” trong số báo mới ra, công bố 100 cái tên đầu tiên trong danh sách gần 1.000 cá nhân và tập đoàn Italy đã thuê công ty luật “Mossack Fonseca” có trụ sở ở Panama lập công ty ở nước ngoài để che giấu các khoản thu nhập nhằm trốn thuế.
L’Espresso, tờ báo độc quyền giữ nội dung danh sách này, cho biết theo “Hồ sơ Panama”, nhân vật đáng chú ý dính dáng đến mafia bị phanh phui là Angelo Zitto, một nhà tài chính ở Bari, miền Nam Italy. Zitto không chỉ đứng đầu một công ty tài chính có trụ sở ở Luxemburg mà còn là nhà quản lí của một công ty rất đáng ngờ đang hoạt động ở Seychelles.
Zitto, từng bị bắt vào năm 1999 và sau đó bị ngồi tù 16 tháng, được cho là “Bộ trưởng tài chính” của Graviano, một gia đình mafia cộm cán ở Palermo, đảo Sicily. Cho đến nay, cơ quan chống mafia Italy chưa biết được gia đình Graviano đã chuyển bao nhiêu tiền bẩn có được từ các hoạt động tội ác của chúng ra nước ngoài qua Zitto, nhưng theo L’Espresso, con số có thể lên tới hàng chục triệu USD.
Một cái tên đáng chú ý khác trong “Hồ sơ Panama” là các con của Vito Roberto Palazzolo, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của thế giới mafia Sicily trong những năm 1980, khi chúng đang trong thời kì đỉnh cao của việc buôn lậu ma túy.
Trong vai trò của một nhà đầu tư, Palazzolo là người chịu trách nhiệm tẩu tán hàng chục triệu USD tiền bẩn của các gia đình mafia bằng cách rửa tiền ở các công ty có trụ sở ở nước ngoài. Bị bắt vào năm 1984 và sau đó trốn tù vào năm 1986, Palazzolo đã trốn sang Nam Phi.
Theo các tài liệu được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”, hai con của Palazzolo đã thay cha điều hành khối tài sản khổng lồ của mafia và của chính gia đình Palazzolo trong hàng chục công ty có trụ sở ở các “thiên đường trốn thuế” tại vùng Caribe.
Ngoài những cái tên này, L’Espresso còn công bố một số tên tuổi khác là các nhà tài chính hoặc công nghiệp, nhưng đều hoặc bị nghi ngờ có dính líu đến mafia, hoặc đã bị đi tù do các quan hệ mật thiết với thế giới tội phạm.
Điều tra của L’Espresso cho thấy, ngoài hai anh em nhà Palazzolo đang sống ở Nam Phi, những người còn lại có liên quan đến mafia trong danh sách ban đầu đều đã được trả tự do sau thời gian ngồi tù. Nhưng ngay đó, họ lại bí mật tiếp tục các hoạt động tài chính cho các trùm mafia.
Các cuộc điều tra của Cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italy vào các tài sản của chúng ở nước ngoài cho đến nay chưa thu được những kết quả khả quan, do thiếu thông tin. Do đó, nhiều khối tài sản của mafia chưa bị thu giữ và các con cháu của các trùm mafia hiện đang ngồi tù vẫn sống ung dung trong giàu sang.
Đây không phải là lần đầu tiên các hoạt động rửa tiền bằng việc đầu tư vào các công ty ở nước ngoài của các trùm mafia bị phanh phui.
Các tài liệu rò rỉ trong các vụ bê bối lớn về tài chính trước đây như LuxLeaks vào năm 2014 cũng cho thấy thông qua một người trung gian, ngay cả các trùm mafia đã bị bắt như Toto Riina hay Bernardo Provenzano cũng sở hữu các tài khoản hoặc công ty tài chính ở các nước như Luxemburg, Lichteinstein hay các đảo quốc ở Caribe hoặc Ấn Độ Dương.
Nhờ các vụ tiết lộ như vậy mà vào năm 2013, cảnh sát Italy đã bắt được Massimo Ciancimino, con trai của cựu Thị trưởng Palermo, người từng ngồi tù vì “bảo kê” cho mafia. Ciancimino bị buộc tội là “nhà quản lí” tài chính cho mafia Palermo.
Theo bnews.vn