Con người sẽ sử dụng loại ngôn ngữ nào để giao tiếp vào năm 2115?
Thế giới tồn tại khoảng 7000 ngôn ngữ, trong đó tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh là những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Câu hỏi đặt ra ở đây là: 100 năm sau, ngôn ngữ nào sẽ thống trị thế giới ?
Thông qua nghiên cứu chuyên sâu của một nhà ngôn ngữ học, triết học và âm nhạc tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ, chúng ta sẽ phần nào hiểu được viễn cảnh của ngôn ngữ trên thế giới vào năm 2015.
Một truyền thuyết trong Kinh Thánh kể rằng, sau trận Đại hồng thủy, con người tập trung sống với nhau tại thành phố Babylon. Họ nói cùng một thứ ngôn ngữ và đã tập trung nhau để xây dựng một tòa tháp to lớn tới mức “đỉnh của nó có thể chạm thiên đường”. Tuy nhiên, Đức Jehovah đã ngăn chặn ý định này bằng cách làm lộn xộn tiếng nói của con người, khiến cho người này không thể nghe được tiếng nói của người kia và ý định xây dựng tháp cũng theo đó mà tan vỡ. Từ đó, con người tản ra khắp nơi và mỗi vùng nói một thứ tiếng khác nhau.
Có vẻ như con người vẫn muốn ‘chạm thiên đường’ khi một giáo sĩ là Johann Martin Schleyerđến từ Baravia, Đức đã sáng tạo nên một ngôn ngữ mới mang tên Volapük vào năm 1880. Theo đó, Volapük là một sự pha trộn giữa tiếng Anh, Pháp và Đức với hy vọng có thể được sử dụng bởi tất cả mọi người trên thế giới.
Tuy nhiên, Volapük lại khó phát âm và cấu trúc ngữ pháp lại rắc rối như tiếng Latin. Chính vì vậy, chỉ sau vài năm Volapük đã nhanh chóng rơi vào quên lãng và nhường sự chú ý cho một loại ngôn ngữ mới mang tên Esperanto, xuất hiện vào năm 1887. Loại ngôn ngữ này khắc phục hầu hết nhược điểm của Volapük và người học chỉ mất khoảng 1 buổi để nắm được các quy tắc sử dụng. Vào thời điểm Esperanto bắt đầu được giới thiệu, tiếng Anh đã nhanh chóng phát triển và trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế.
Dù tiếng Anh có được sử dụng phổ biến trong khoảng thời gian hiện nay, nhưng phần lớn đều sử dụng nó như một ngôn ngữ để giao tiếp ra bên ngoài, còn tiếng địa phương vẫn được sử dụng song song trong một quỹ đạo riêng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là 1 thế kỷ nữa, tức là vào những năm 2115, ngôn ngữ mà con người sử dụng trên hành tinh sẽ ra sao? Có 2 giả thuyết được nêu ra nhằm diễn tả cảnh quan ngôn ngữ sau 100 năm nữa. Thứ nhất, chỉ còn lại một số ít ngôn ngữ. Thứ hai, ngôn ngữ sẽ biến đổi theo hướng đơn giản hơn so với hiện nay, đặc biệt là cách nói sẽ hoàn toàn khác so với cách chúng ta viết chúng.
Liệu tiếng Trung có trở thành ngôn ngữ quốc tế?
Một số người cho rằng tiếng Trung Quốc mới thật sự trở thành ngôn ngữ của thế giới vì lượng dân số khổng lồ và nền kinh tế vô cùng phát triển. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ dàng khi tiếng Anh đã xây dựng được nền tảng vô cùng vững chắc, và trở thành chuẩn mực trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong khi đó, tiếng Trung là rất khó học nếu không được tiếp xúc từ nhỏ và nếu muốn thật sự làm chủ hệ thống chữ viết tượng hình này cũng không phải là điều đơn giản. Cộng với nền tảng tiếng Anh đã xây dựng được, tiếng Trung khó lòng tiếp cận gần gũi đến mức có thể đảm nhận vai trò ngôn ngữ quốc tế.
Một số bộ phim, tiểu thuyết giả tưởng thường dựng lên một hành tinh mà toàn thể cư dân trên đó đều nói chung một ngôn ngữ. Do đó, một số người lo ngại, tiếng Anh rồi sẽ dần dập tắt những ngôn ngữ khác, trở thành một “ngôn ngữ của Trái Đất” và loài người sẽ mất đi hàng nghìn ngôn ngữ gắn liền với lịch sử, nền văn hóa của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, lo sợ này vẫn còn quá sớm. Trên thực tế, thay đổi ngôn ngữ của toàn bộ một quốc gia không phải là điều dễ dàng, khi nó đã được mỗi cư dân sử dụng hoàn toàn tự nhiên ngay từ khi mới lọt lòng.
Những ngôn ngữ phức tạp sẽ dần bị quên lãng nếu không được truyền lại cho thế hệ sau
Một số người tiên đoán, đến năm 2115, số ngôn ngữ trên thế giới sẽ còn lại 600 thay vì 6000 như hiện nay (khoảng 1000 trong số đó được cho là đang dần mất đi). Một số ngôn ngữ của nhóm dân ít người sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, ví dụ như phần lớn ngôn ngữ của thổ dân châu Mỹ hoặc Úc đã bị đồng hóa bằng tiếng Anh.
Giả thiết này có vẻ thuyết phục khi tình trạng đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng. Người di cư tới thành phố phải học cách sử dụng loại ngôn ngữ đang thịnh hành ở đó để hòa nhập và tránh bị nhận định là lạc hậu. Từ đó, ngôn ngữ riêng cũng dần không được sử dụng để giao tiếp với thế hệ con cái, vì thực tế là nhiều cộng đồng người đang ngày càng ít chú trọng đến việc truyền dạy ngôn ngữ gốc cho trẻ em một cách đầy đủ.
Làn sóng tối ưu hóa các ngôn ngữ gốc
Thay vì duy trì một ngôn ngữ khó, lạc hậu và có thể đứng trên bờ vực bị tiêu diệt, các cộng đồng dân cư thường cải biên chúng theo hướng đơn giản hóa từ vựng và ngữ pháp.
Điển hình là nước Anh khi bị người Viking thống trị vào thế kỷ thứ 8 đã dần dần thay đổi ngôn ngữ gốc của mình để hòa nhập vào xã hội. Vào thời đó, giáo dục chỉ giới hạn cho tầng lớp quý tộc. Để ‘sống sót’, các bậc phụ huynh đã dần ‘phá vỡ’ tiếng Anh cổ khi dạy con cái với ước muốn chúng sẽ bước chân được vào tầng lớp thượng lưu. Kết quả là những đứa trẻ này sẽ lớn lên cùng với phiên bản tiếng Anh mới. Tiếng Anh cổ, có tới 3 giống, 5 cách và hệ thống ngữ pháp vô cùng phức tạp, tương đương với tiếng Đức hiện nay. Nhưng sau một thời gian, nó đã tiến hóa thành tiếng Anh hiện đại và là một trong vài ngôn ngữ châu Âu không còn ghép giống vào trong các vật thể vô tri. Tương tự như vậy, tiếng Trung, Ba Tư, Indonesia và nhiều ngôn ngữ khác đã bước vào một chu trình tương tự nhằm đơn giản hóa ngôn ngữ gốc.
Sự thay đổi này càng mạnh mẽ hơn sau khi một lượng lớn người da đen (bị coi là nô lệ) được đưa đến Châu Âu. Khi đó, người da đen trưởng thành cần phải nhanh chóng học ngoại ngữ mới một cách nhanh chóng, và đơn giản hơn cả người Viking. Họ chỉ cần vài trăm từ vựng và một số cấu trúc ngữ pháp đơn giản. Và từ những nguyên tắc cơ bản ban đầu, một thứ ngôn ngữ mới ra đời giúp họ tồn tại lâu dài ở châu Âu là Creole, một dạng tiếng bồi.
Tiếp theo, làn sóng di cư đã một lần nữa thúc đẩy sự hiện đại hóa lần thứ 3 của ngôn ngữ. Những đứa trẻ nhập cư tại các thành phố trên khắp thế giới bắt đầu nói những ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng địa phương gốc với phiên bản của tiếng địa phương do cha mẹ chúng nói. Nói cách khác, những thế hệ con cái một lần nữa sẽ biến đổi ngôn ngữ bản địa thành ngôn ngữ của chúng. Bằng cách này, Kiezdeutsch, một tiếng địa phương tại Đức lại chuyển thành “Kebob Norsk” khi đến Na Uy. Một thí dụ khác, người Singapore đã có “Singlish – Tiếng Anh của người Sing”… Thế giới chứng kiến sự ra đời các phiên bản được “cải biên nhẹ” của những ngôn ngữ cũ.
Cách cải biên này không phải là sự suy thoái của ngôn ngữ. Phần lớn các ngôn ngữ mới “tối ưu hóa” đều đảm bảo đầy đủ những quy tắc của ngôn ngữ gốc và người Anh khi nghe loại tiếng Anh mới này sẽ nhận ra nó bị sửa đổi nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng. Tuy nhiên, sự sửa đổi đó theo hướng bớt cồng kềnh hơn, không chứa quá nhiều động từ bất quy tắc, 8 thanh âm và dĩ nhiên là không có phân chia giống của đồ vật.
Và đây có thể sẽ là xu hướng biến đổi của ngôn ngữ thế giới trong tương lai. Vấn đề đặt ra ở đây là toàn bộ các ngôn ngữ bị biến đổi vẫn cần phải được ghi nhận, lưu giữ lại một cách đầy đủ bằng các công cụ hiện đại. Đừng để đến năm 2115, con người sẽ tiếc nuối về một thế giới từng có 6000 ngôn ngữ nhưng chỉ còn 600. Tương lai có thể không phải là 1 thứ tiếng Anh cứng nhắc cho toàn thế giới, nhưng là một thứ tiếng Anh mềm đến từ nhiều vùng đất chan hòa, giao thoa với nhau. Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là dự đoán.
Theo Tinhte