Phiên họp “Lưỡng hội” của ĐCSTQ đang diễn ra, ngoại giới cho rằng lại có thêm một vòng đấu tranh quyền lực mới xuất hiện. Tờ Apple Daily của Hồng Kông đã thống kê được, một số doanh nghiệp tư nhân có cấu kết với phe Giang Trạch Dân đã bị suy bại, một số thì tránh đi để tránh bị ảnh hưởng. Họ đều cho rằng vụ án của Tôn Lực Quân sẽ kích hoạt một xu hướng tương tự.
Theo phân tích trong một bài báo trên Apple Daily, trước thềm cử hành phiên họp toàn thể, giới quan chức của ĐCSTQ có những thay đổi bất ngờ, trong đó nhân sự nòng cốt của phe Giang Trạch Dân, Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân đã “ngã ngựa”, cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe Giang và Tập chưa bao giờ ngừng lại.
Theo điều tra, có nhiều công ty niêm yết ở Hồng Kông bị chỉ điểm là có quan hệ mật thiết với phe Giang. Trong những năm gần đây họ đã trở nên khiêm tốn hơn, một số người vội vã “dọn sạch” tài sản nội địa, chuyển ra nước ngoài để tránh họa.
Ngày 19/4, Tôn Lực Quân – Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ đã bị điều tra. Mặc dù Tôn Lực Quân chỉ là một quan chức Thứ trưởng, nhưng sự thất thế của ông đã khiến cho giới quan chức chấn động.
Không ít phân tích cho rằng, Tôn Lực Quân từng nắm giữ Cục An ninh Quốc gia, đồng thời kiêm Phó Chủ nhiệm Phòng 610, từng là Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông, Macao và Đài Loan, có thực quyền rất lớn, là thành viên quan trọng của phe Giang “phản Tập”. Có tin đồn rằng Tôn có liên quan đến cuộc “đảo chính phản Tập”, cấp trên cũ của ông là Mạnh Kiến Trụ – Nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật, cũng bị đồn là không ổn.
Theo truyền thông Hồng Kông, Hàn Chính – Phó Thủ tướng của Hội đồng Nhà nước, cũng thuộc phe Giang, bị nghi ngờ là đã mất quyền lực vì phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, cho thấy quyền lực của phe Giang Trạch Dân hiện tại ở Trung ương đã dần bị gạt ra.
Trên thực tế, trước đó cũng đã có trường hợp tương tự ở phe Giang, Vương Chí Dân – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Chính phủ ĐCSTQ tại Hồng Kông và Trương Hiểu Minh – Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông và Ma Cao, đều bị cách chức vào đầu năm nay.
Theo truyền thông Hồng Kông, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhiều công ty niêm yết thuộc phe Giang đều đã bị “thanh lý”, trong đó lĩnh vực bất động sản đứng mũi chịu sào, bao gồm Greenland Group có trụ sở tại Thượng Hải và Thâm Quyến, Agile Property, Kaisa Group, C C Land, Fantasia Holdings và Glorious Property Holdings…
Công ty bất động sản nội địa Fantasia Holdings mà truyền thông Hồng Kông đề cập đến cũng được niêm yết tại Hồng Kông, người nắm quyền là Tăng Bảo Bảo, cháu gái của Tăng Khánh Hồng – Cựu Thường ủy Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Công ty chủ yếu phát triển các dự án bất động sản ở Thâm Quyến và Thành Đô.
Bài báo đặc biệt nêu ví dụ, Greenland Group Thượng Hải là một công ty con của Greenland Hong Kong được niêm yết tại Hồng Kông, khi Hàn Chính là Thị trưởng của Thượng Hải, Greenland là thí điểm cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước Thượng Hải, được cho là công trình thành tựu chính trị của Hàn Chính.
Chủ tịch Greenland là Trương Ngọc Lương, chưa bao giờ né tránh mối quan hệ với Hàn Chính, tự xưng là “quý nhân” Greenland của Hàn Chính. Dưới sự bao che của Hàn Chính, Greenland một thời gần như độc chiếm toàn bộ thị trường Thượng Hải.
Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập ngược vào năm 2015, Greenland đã liên tục bị tuôn ra các vụ bê bối nợ nần. Năm 2019 nó thậm chí còn lún sâu vào “giông tố nợ nần”, trong năm, doanh số chỉ tăng 0,1%, là mức kém nhất trong số 6 công ty bất động sản lớn trên toàn quốc, tổng nợ lên tới hơn 100 triệu NDT.
Ngoài ra, Chủ tịch của hai tập đoàn Agile Property và Kaisa Group, gần gũi với phe Giang, đã lần lượt bị điều tra vào mấy năm trước. Trong đó, vào tháng 10/2014, Trần Trác Lâm – Chủ tịch của Agile Property đã bị Viện kiểm sát thành phố Côn Minh “cấm rời khỏi nơi cư trú”, bất ngờ được thả ra vào 2 tháng sau đó.
“Minh Báo” đưa tin, Agile Property bất ngờ bị doanh nhân Hồng Kông Trần Hạo Duy viết bài công kích trên trang web, lên án đại cổ đông thực sự của công ty này là Chu Vĩnh Khang – Cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương đã bị “ngã ngựa”. Nhưng Agile Property sau đó đã lên tiếng phủ nhận. Theo báo cáo công khai, Chu Vĩnh Khang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai, đã từng nhiều lần đến tham quan Agile Property và hỗ trợ Agile Property ở khu vực Trung Sơn.
Quách Anh Thành – Chủ tịch của Kaisa Group cũng bị chỉ ra là đang ở Hồng Kông trốn điều tra. Tập đoàn của ông đã từng bị khóa trong bốn dự án ở quận Long Cương, Thâm Quyến, công ty bị đồn là đã được Sunac mua lại. Sau khi nối lại giao dịch vào tháng 3/2017, sự phát triển của Tập đoàn đã tụt dốc hơn nhiều so với trước đây.
Trương Chí Dung, cũng bị chỉ là có mối quan hệ thân thiết với phe Giang, khoảng 10 năm trước, từng là cổ đông lớn của hai công ty niêm yết là Công ty công nghiệp nặng Dung Thịnh, một doanh nghiệp đóng tàu (sau này đổi thành Năng lượng Hoa Vinh) và Công ty Bất động sản Glorious Property Holdings.
Trương Chí Dung đột ngột từ chức chủ tịch của Glorious Property Holdings vào 8 năm trước, đến đầu năm 2015, Trương được cho là đã thành lập một công ty liên doanh bất động sản cùng với Vương Linh, một cộng sự thương nghiệp thân thiết với Lệnh Hoàn Thành – em trai của Lệnh Kế Hoạch, một quan chức lớn của phe Giang, vì thế ông ta đã trốn sang Mỹ, khiến nhiều dự án của Glorious bị niêm phong. Công nghiệp nặng Dung Thịnh phải bán đi một lượng lớn tài sản để sống qua ngày.
Theo truyền thông Hồng Kông, Trương Tùng Kiều – Chủ tịch C C Land đã bắt đầu “dọn sạch” tài sản nội địa từ đầu năm 2013, bán các doanh nghiệp bất động sản ở Trùng Khánh, Thành Đô, Tây An, Quý Dương cho Sunac và Evergrande Group. Năm 2017, ông đã bắt đầu xuất kích quy mô lớn ở Anh, Úc và Hồng Kông, thu mua nhiều bất động sản.
Trương Tùng Kiều có quan hệ mật thiết với Tiêu Kiến Hoa, người đứng đầu “Minh Thiên Hệ”. Tiêu Kiến Hoa đã bị Trung Quốc bí mật đưa về nội địa từ Hồng Kông để điều tra vào năm 2017. “New York Times” của Hoa Kỳ đưa tin, Tiêu Kiến Hoa là người trung gian hỗ trợ các chức sắc cao cấp để kiếm lợi nhuận khổng lồ. Tiêu Kiến Hoa đang làm việc cho nhiều gia tộc quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Financial Times cho biết, Luneng Group bị thu mua với giá thấp thực ra là do Tăng Vĩ Thông – con trai của Tăng Khánh Hồng thông qua một loạt các công ty vỏ bọc, trong đó người nắm giữ nhiều công ty vỏ bọc là Tiêu Kiến Hoa. Do đó, Tiêu được chỉ là “quản gia tiền tài” của quan chức cao cấp thuộc phe Giang.
Apple Daily đã trích dẫn nhận định của các nhà phân tích chỉ ra, cách làm phổ biến nhất giữa các quan chức và doanh nhân Trung Quốc là các doanh nghiệp nhà nước sẽ tháo dỡ một số tài sản cho các doanh nghiệp tư nhân, sau đó các doanh nghiệp tư nhân sẽ chuyển tiền ra ngoài. Nếu người giúp đỡ các doanh nghiệp “xảy ra chuyện”, đương nhiên họ phải tránh đi. Ngược lại, đây cũng là thủ đoạn thường được chính quyền sử dụng để tấn công đối thủ của họ.
Phân tích cũng chỉ ra, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, đến nay đã dùng đến 10 năm để chống tham nhũng, kéo xuống những “con hổ lớn” như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch. Sau mỗi lần hành động đều có một doanh nghiệp tư nhân bị “thanh toán”, lần “ngã ngựa” này của Tôn Lực Quân cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, sau Tôn Lực Quân, lần lượt sẽ có những con hổ khác sẽ phải rớt đài.
Gia Hưng (Theo Secretchina)