Vào ngày đóng cửa thứ 61 Vũ Hán, nhà văn Vũ Hán – Phương Phương, đã viết trong nhật ký của mình rằng, “truy cứu trách nhiệm là việc phải làm, nếu một việc hệ trọng như vậy mà không truy cứu trách nhiệm, tôi không biết phía chính quyền sẽ đối mặt với thế giới như thế nào”. Cô còn nói, có rất nhiều nghi vấn về dịch bệnh, nhưng đáng tiếc là không một ai hồi đáp.
Phương Phương đã viết trong nhật ký của mình vào ngày 23/3 rằng: “Mấy ngày này, thanh âm về việc truy cứu trách nhiệm đã yếu hẳn đi, bản thân tôi cũng gần như đã bỏ qua vấn đề này. Dường như các cuộc điều tra chuyên sâu của các nhà báo đã trở nên rất hiếm hoi và hầu như không có”.
“Vào buổi tối, thấy một bài viết có tựa đề ‘41 báo cáo về tình hình dịch bệnh biến mất’. Câu cuối cùng trong bài viết nói: ‘Gỡ bỏ những trở ngại chất chứa sâu trong lòng, chấp nhận nỗi đau trong bóng tối của xã hội, giới truyền thông đã dùng lực lượng hữu hạn để mở ra sự thật và đưa ra ánh sáng. Mặc dù một số báo cáo đã biến mất trong phút chốc trong ngày hôm nay, nhưng các bản thảo của lịch sử nhất định phải trở về vị trí mà nó thuộc về’. Tôi có lẽ là đã tỉnh ngộ ra một chút, tôi thử phỏng đoán: Những cuộc tấn công bất ngờ đối với tôi và những bài viết bị xóa phải chăng là giống nhau?”.
“Nhưng với việc truy cứu trách nhiệm, tôi vẫn muốn tin rằng từ trên xuống dưới sẽ có sự nhận thức chung: Đây là việc cần phải làm. Nếu một vấn đề hệ trọng như vậy mà không chịu trách nhiệm, tôi không biết chính quyền sẽ đối mặt với thế giới như thế nào. Nhưng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình”.
“Về lý mà xét, những người có liên quan kia, trong số đó cũng nên có vài người chủ động từ chức, như thời điểm dịch SARS cũng có. Nhưng cho đến bây giờ, Hồ Bắc lại không có một người, thật là phục bọn họ”.
Phương Phương chỉ ra rằng, điều thú vị là, trước đây đùn đẩy trách nhiệm là một quan chức đẩy cho chuyên gia, và chuyên gia đẩy cho quan chức. Bây giờ thì tốt rồi, tất cả đều có thể đổ tội cho Hoa Kỳ.
Phương Phương nói rằng: “Vài ngày trước, tôi đã đọc một số bài viết của nhà kinh tế học Watson, điều này rất thú vị. Trong bài báo đề cập rằng có một nhân vật ‘cổ họng sâu’ ở Vũ Hán. Nếu không có vị ‘cổ họng sâu’ này thì có lẽ dịch bệnh sẽ còn được tiết lộ trễ hơn nữa. Nói một cách chính xác, vị “cổ họng sâu’ này mới là người thổi còi thực sự”.
“Tôi đã nói với bạn tôi vài ngày trước rằng tôi thực sự muốn biết vị ‘cổ họng sâu’ này là ai. Bạn bè nói họ cũng rất muốn biết. Người này có thể đưa vào để viết thành một cuốn tiểu thuyết”.
Phương Phương cũng đề cập đến trong nhật ký của mình: Trong một số bài viết trên WeChat mà bạn bè gửi cho tôi, tôi đã thấy một bài viết của Giáo sư Đỗ Tuấn Phi từ Đại học Nam Kinh. Giáo sư Đỗ Tuấn Phi là tiến sĩ xã hội học, và các bài báo của ông thường đưa ra những vấn đề quan trọng. Trong bài viết này, ông đã đặt ra 7 vấn đề:
1. Sau khi bệnh viện tuyến đầu phát hiện dịch bệnh, thực sự không thể sử dụng hệ thống báo cáo trực tiếp trên mạng sao?
2. Sau khi nhóm chuyên gia đến Vũ Hán, có thực sự không thể nắm bắt được tình hình thực tế của dịch bệnh truyền từ người sang người?
3. Sau khi thông tin về dịch bệnh bị rò rỉ, các bộ phận liên quan thực sự cần ưu tiên giải quyết những người tiết lộ tin tức?
4. Ai ai cũng không chịu gánh trách nhiệm, thật sự chỉ có Chung Nam Sơn mới có tư cách báo cáo tình hình với công chúng sao?
5. Dịch bệnh ở Vũ Hán gia tăng, các nhà quản lý thực sự không thể dự đoán trước việc thiếu thốn thiết bị y tế?
6. Khi dịch bệnh và sự hoảng loạn lan rộng cùng một lúc, có thực sự chỉ đóng cửa thành phố mới là sự lựa chọn tốt nhất?
7. Sau khi đóng cửa thành phố, các bệnh nhân được chẩn đoán thật sự không thể chuyển sang các tỉnh khác nơi có nguồn lực y tế dồi dào hơn?
Phương Phương nói: “Trên thực tế, giáo sư Đỗ nên có nhiều câu hỏi hơn. Sau câu hỏi thứ bảy, ông đã để lại một hàng dấu chấm lửng. Nói cách khác, ông ấy vẫn chưa hỏi hết. Trên thực tế, người ở Vũ Hán chúng tôi vẫn có thể đặt nhiều câu hỏi hơn. Nhưng đáng tiếc, đều không có ai trả lời”.
Minh Huy (Theo Secretchina)