Trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức, những học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông đã bày tỏ quan ngại về tính an toàn cá nhân, và các quyền cơ bản của họ sau khi chính quyền Trung Quốc thi hành luật an ninh quốc gia lên đặc khu.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện với các bài tập thiền định cùng các giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ tháng 7/1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động một cuộc đàn áp toàn quốc, Pháp Luân Công đã bị nghiêm cấm, và bị đàn áp tàn ác tại Trung Quốc Đại Lục. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trung tâm tẩy não và các trại lao động.
Tuy vậy, bộ môn tu luyện này vẫn được hàng triệu người trên 100 quốc gia và khu vực ưa chuộng, trong đó bao gồm Hồng Kông.
Dù được trao trả về tay Trung Quốc vào năm 1997, nhưng Hồng Kông vẫn đảm bảo được các quyền tự do vốn không có ở Trung Quốc đại lục – bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng.
Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông được thông qua bởi cơ quan lập pháp Trung Quốc, sẽ thực hiện xử phạt các hành vi được cho là có liên quan đến việc đảo chính, ly khai, can thiệp từ nước ngoài, và một số vấn đề khác. Các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ lo ngại rằng, điều này sẽ cho phép chính quyền Bắc Kinh có thể đàn áp tất cả những cá nhân bất đồng chính kiến với họ.
Cũng như nhiều nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị kết án với các cáo buộc như, có hành vi lật đổ quyền lực nhà nước – một cáo buộc điển hình mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để khiến giới phê bình không thể lên tiếng.
Trong hội nghị bàn tròn tổ chức ngày 9/6, bà Ingrid Wu – người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Công tại Hồng Kông đã bày tỏ quan ngại rằng, cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc có thể sẽ lan rộng sang Hồng Kông, một khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực. Hội nghị đã diễn ra ngay trước khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên quyền tự do tôn giáo.
Bà Wu chia sẻ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi e ngại rằng những học viên Pháp Luân Công [tại Hồng Kông], sẽ bị đối xử giống như những học viên tại Trung Quốc Đại Lục, không còn tự do tín ngưỡng tại Hồng Kông nữa, cũng như có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào”. Bà cho biết thêm, cuộc đàn áp có thể sẽ được tiến hành mở rộng sang các nhóm tôn giáo khác tại Hồng Kông.
Bà Wu nhấn mạnh rằng kể từ khi bắt đầu thực hiện đàn áp, chính quyền Bắc Kinh đã luôn “gián tiếp hoặc trực tiếp” can thiệp vào các hoạt động của những học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông.
Một số trường hợp như, các lá đơn đăng ký tổ chức sự kiện tại những địa điểm chính phủ thường xuyên bị từ chối, các học viên Pháp Luân Công cũng liên tục bị những tổ chức chân tay của Bắc Kinh quấy rối kể từ năm 2013, khi họ tổ chức các sự kiện công khai để nói lên sự thật về hành vi đàn áp của chính quyền Trung Quốc.
Gần đây nhất, vào tháng 9 năm ngoái, một học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông tên Liao Qiulan, đã bị những người được cho là có liên quan đến chính quyền Trung Quốc tấn công, khi cô rời khỏi một đồn cảnh sát địa phương để lên kế hoạch cho một cuộc diễu hành Pháp Luân Công sắp diễn ra.
Tại hội nghị bàn tròn, bà Wu cho biết những tín đồ tại Hồng Kông lo sợ những quyền tự do về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện biểu tình của họ sau này sẽ bị cấm cản khi luật an ninh quốc gia được thực thi, vì “những hành vi này sẽ bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là động thái lật đổ chính quyền nhà nước”.
Bà bày tỏ lo lắng rằng, các học viên địa phương có thể phải đối mặt với những hình thức tra tấn và hành vi cưỡng chế thu hoạch nội tạng, giống như những gì đã và đang xảy ra với học viên tại Trung Quốc.
Từ những năm 2000, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm, mà nạn nhân phần lớn là các học viên Pháp Luân Công, để cung cấp cho ngành công nghiệp cấy ghép của quốc gia.
Trong báo cáo vào tháng 3/2020, Tòa án Trung Quốc có trụ sở tại London đã kết luận rằng hành vi kể trên của chính quyền Bắc Kinh vẫn đang diễn ra, bất chấp tuyên bố từ chính quyền Trung Quốc vào năm 2015 rằng, họ sẽ ngừng thu gom nội tạng của các tù nhân bị hành quyết, và chỉ dựa thực hiện hình thức hiến tặng tự nguyện.
Bà Wu đã thúc giục đại sứ lưu động Hoa Kỳ vì quyền tự do tôn giáo quốc tế – Sam Brownback thực hiện một tuyên bố, “chỉ ra những mối nguy đến quyền tự do tôn giáo ở Hồng Kông”, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ bảo đảm các quyền về tôn giáo và đức tin cho người dân Hồng Kông.
Đáp trả động thái của chính quyền Trung Quốc đối với Hồng Kông, cuối tháng 5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc nếu có hành vi làm xói mòn quyền tự trị của đặc khu, cũng như sẽ thu hồi những đặc quyền thương mại của Mỹ dành cho đặc khu.
Chính quyền Bắc Kinh hiện vẫn chưa chính thức phản hồi lại tuyên bố của ông Trump, nhưng đã khẳng định sẽ thi hành luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Bà Wu cho biết, bất chấp những rủi ro sắp xảy ra, những học viên tại Hồng Kông vẫn sẽ tiếp tục nói lên sự thật với mọi người về sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc, và cho họ thấy “hệ tư tưởng của chính quyền Trung Quốc là một mối nguy đối với nhân loại”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cho người dân thấy những tội ác đã bị che giấu, khái niệm Pháp Luân Công là gì, và tại sao chính quyền Trung Quốc lại quyết định đàn áp những học viên này. Chỉ khi đứng lên kháng cự thì chủ nghĩa chuyên chế mới bị vạch trần, và bị mọi người loại bỏ”, bà cho biết.
Việt Anh(theo Epoch Times)