Hàng ngàn công an Quảng Đông bí mật tiến vào Hồng Kông đàn áp người biểu tình
Từ khi chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, người dân xứ cảng lại tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối. Theo tin tức nội bộ ĐCSTQ, hàng ngàn công an từ Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ đã bí mật đến Hồng Kông để tiếp viện, Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông và Sở trưởng Sở Công an cũng đã đến Hồng Kông để chỉ đạo cuộc đàn áp.
Trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, ĐCSTQ đã đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, nhằm phá hủy chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, tạo ra một làn sóng phản đối mới ở Hồng Kông.
Cùng với đó, các thủ đoạn đàn áp của ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông không ngừng leo thang, một số lượng lớn người Hồng Kông xuống đường phản đối đã bị bắt giữ một cách bạo lực. Chỉ riêng ngày 24 đã có ít nhất 180 người bị cảnh sát bắt giam.
Vào tối ngày 25/5, tại Trung tâm tài chính quốc tế trung ương (IFC), người dân Hồng Kông đã phát động một hoạt động phản đối “Luật An ninh Quốc gia”, hoạt động bắt đầu hâm nóng bằng cách vây quanh tổng bộ chính phủ vào ngày 27/5. Đêm đó, người dân lần đầu tiên kêu gọi, thỉnh cầu quân đội Mỹ đổ bộ vào Hồng Kông để bảo vệ người dân Hồng Kông.
Đồng thời các lời kêu gọi như “Đả đảo Đảng Cộng sản”, “Tiêu diệt Đảng Cộng sản”, “Trời diệt ĐCSTQ”, nối liền từng đợt không ngừng vang lên tại đại sảnh của IFC.
Sóng gió “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” còn chưa ngừng lại, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã khôi phục “Dự luật Quốc ca” vào ngày 26/5, lên kế hoạch cứng rắn thực hiện “Luật quốc ca” của ĐCSTQ tại Hồng Kông. Kế hoạch nói trên do ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông phối hợp thực hiện đã gây ra sự phẫn nộ lớn hơn đối với người dân Hồng Kông, họ đã phát động một loạt các cuộc biểu tình phản đối.
Sáng sớm ngày 27/5, 3.000 cảnh sát chống bạo động đã thiết lập tấm chắn, lưới sắt và xe vòi rồng trong khu vực Hội đồng Lập pháp, cảnh sát chống bạo động đứng gác chờ lệnh trong tấm chắn. Hơn 3 giờ chiều, ít nhất 260 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Vào ngày 27, một người trong cuộc của ĐCSTQ đã tiết lộ với Epoch Times Hồng Kông, Phó sở trưởng Sở công an tỉnh Quảng Đông – Lý Xuân Sinh đã đến Hồng Kông vào ngày 25/5, đích thân trấn thủ, làm tổng chỉ huy tiền tuyến. Hơn nữa, các hệ thống an ninh quốc gia và hệ thống công an của ĐCSTQ từ lâu đã phái mấy ngàn người lẻn vào Hồng Kông để phòng thủ.
Một phân tích cho rằng, ĐCSTQ đẩy mạnh “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và phái lãnh đạo an ninh quốc gia Đại lục, huy động mấy ngàn quốc an, công an vào Hồng Kông, mục đích hòng chiếm lấy Hồng Kông trong khi các nước trên thế giới đang bận rộn phòng chống dịch bệnh.
Một cựu quan chức ĐCSTQ quen thuộc với cấp cao Bắc Kinh nói với Epoch Times rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho vấn đề này trong hơn nửa năm, kế hoạch sớm nhất là bắt đầu vào tháng 2, cũng chính là sau khi ký hiệp định thương mại giai đoạn đầu với Hoa Kỳ vào tháng 1, nhưng nó đã bị bất ngờ gián đoạn bởi đại dịch virus Vũ Hán.
Ông tiết lộ, nguyên nhân chính quyền ĐCSTQ muốn giành lấy Hồng Kông, vì họ tin rằng môi trường quốc tế đang ngày càng xấu đi, đặc biệt là quan hệ Mỹ-Trung không thể khôi phục trong thời gian ngắn, chỉ có thể dốc sức giữ vững mối quan hệ với các nước phương Tây khác. Hồng Kông ngày càng có khả năng trở thành bàn đạp để phương Tây can thiệp vào Trung Quốc Đại lục, cho nên ĐCSTQ cho rằng nhất định phải đẩy nhanh “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, nếu không hậu quả sẽ khó lường.
Cựu quan chức ĐCSTQ cũng tiết lộ, cảnh sát vũ trang và nhiều thiết bị hậu cần khác đã được vận chuyển đến quân doanh Hồng Kông. Công việc này được điều phối trực tiếp bởi Ban lãnh đạo công tác Hồng Kông và Ma Cao, bên dưới có sự phối hợp của Văn phòng Hồng Kông và Ma Cao, Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, Bộ Tuyên truyền Trung ương, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia. Ngoài ra, Bắc Kinh đã chuẩn bị nhiều phương án, nếu cần thì có thể huy động sự hỗ trợ của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Quảng Đông.
Nhà bình luận Lương Kinh đăng tải bài viết nói: “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là một trò cũ của Tập Cận Bình để chuyển sự chú ý, thủ đoạn để thoát ra khỏi tình trạng túng quẫn khi toàn cầu đang bắt bồi thường”.
Lương Kinh phân tích, kể từ năm ngoái, Tập Cận Bình đã mất quá nhiều vốn chính trị cho vấn đề thương mại Mỹ-Trung và về các vấn đề Đài Loan, Biển Đông. Nhưng cái giá chính trị mà ông phải trả cho các vấn đề Hồng Kông là rất lớn, là điều khiến ông cảm thấy không ngờ và phiền muộn nhất. Nói cách khác, phong trào phản đối dự luật dẫn độ là nguồn gốc của tất cả các loại xui xẻo cho Tập Cận Bình trong năm qua.
Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Tập Cận Bình phải đối mặt với một vòng thách thức chính trị mới. Có thể hình dung rằng một khi lệnh kiểm soát dịch bệnh của Hồng Kông được dỡ bỏ, điều đau đầu trước tiên của Tập sẽ là việc tái khởi động của các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông, bao gồm các cuộc diễu hành lớn chống ĐCSTQ.
Lương Kinh nói: “Đối mặt với các hoạt động phản đối của người dân Hồng Kông và sự truy cứu trách nhiệm của toàn cầu vì ĐCSTQ giấu dịch, sao Tập có thể không nổi nóng chứ! Hơn nữa, nếu cuộc bầu cử Hội động Lập pháp vào mùa thu năm nay lại thất bại thảm hại, uy quyền của Tập sẽ gặp cản trở. Chắc vì những triển vọng không thể chịu đựng như thế này mà Tập Cận Bình đã đưa ra quyết định chính trị hủy hoại quyền tự trị của Hồng Kông tại thời điểm này”.
Gia Hưng (Theo NTDTV)