Đằng sau sự nổi tiếng của vụ chìm tàu Titanic là những câu chuyện thật đẹp, không dừng lại ở tình yêu, còn là tình người, sự hy sinh và trách nhiệm. Đó sẽ là bài học khắc cốt ghi tâm nếu chịu để cho trái tim mình lắng nghe.
“Anh yêu hai mẹ con!” chính là câu nói mà John Jacob Astor IV đã hướng về chiếc thuyền cứu hộ nhỏ bé đang rời đi mà hô lớn. John Jacob Astor là người giàu nhất thế giới thời bấy giờ, sau khi đưa người vợ Madeleine mang thai 5 tháng của mình lên tàu cứu hộ số 4, ông ta dắt theo chú chó của mình đứng ở boong tàu, châm một điếu xì gà, lẳng lặng chờ đợi thời khắc cuối cùng của đời mình đang tiến đến.
Đây là câu chuyện xảy ra vào khuya 14/4/1912 trên “con tàu không chìm” Titanic…
Ngày 10/4/1912, con tàu Titanic bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên của nó, khởi hành từ Southampton – một thành phố cảng ở phía Nam nước Anh, dự định băng qua Đại Tây Dương đến thành phố New York của Mỹ.
Thế nhưng, vào lúc 11 giờ 40 phút tối ngày 14/4/1912, tàu Titanic đụng phải tảng băng trôi. Hai tiếng đồng hồ sau, cũng tức là 2 giờ 20 phút sáng ngày 15/4, tàu Titanic chìm, có tổng cộng 705 người được cứu sống, 1502 người chết, được xem là vụ tai nạn đường biển lớn nhất thế kỷ 20.
Một trăm năm sau, người ta vẫn còn nhớ đến câu chuyện chân thực từng xảy ra trong cái đêm lạnh lẽo và khủng khiếp đó, và cảm động trước những câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp.
Charles Lightoller, 38 tuổi, là thuyền phó của tàu Titanic, ông ta là người cuối cùng được kéo lên thuyền cứu hộ giữa lòng đại dương lạnh lẽo và cũng là người giữ chức vụ cao nhất trên tàu còn sống sót. Ông đã viết 17 trang hồi ký, miêu tả từng chi tiết về vụ tai nạn chìm thuyền năm ấy.
Trong hồi ký của ông viết rằng: Đứng trước tai nạn chìm tàu, thuyền trưởng ra lệnh đưa phụ nữ và trẻ em lên thuyền cứu hộ trước, rất nhiều hành khách đều tỏ ra rất bình tĩnh, nhưng lại có một số người không chịu tách khỏi gia đình người thân của mình. “Quả thực không có mấy người phụ nữ hoặc trẻ em đồng ý một mình lên thuyền cứu hộ!” Sau khi nghe đại phó và Charles khuyên nhủ, chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên với sức chứa là 65 người lại xuống nước chỉ với 28 người trên thuyền.
“Anh yêu hai mẹ con”
Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV) là người giàu nhất thế giới thời bấy giờ, tài sản của ông ta lúc ấy đủ để đóng được mười chiếc tàu lớn như tàu Titanic. Vợ của ông đã được đưa lên tàu cứu hộ số 4, còn ông lại chọn ở lại.
Bởi vì Thượng tá John Jacob Astor có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trái phiếu của New York, thế nên đại phó Murdoch đã dùng cách thức quân đội để ra chỉ thị cho ông ta trở thành “nhân vật quan trọng” phải lên thuyền cứu hộ, liền bị John Jacob Astor tức giận từ chối: “Tôi thích cách thức ban đầu hơn (tức tuân thủ nguyên tắc xa xưa là bảo vệ kẻ yếu)”, sau đó nhường vị trí của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng ba.
John Jacob Astor đã để lại cho người vợ và đứa con sắp sửa chào đời của mình câu nói: “Anh yêu hai mẹ con!” Vài ngày sau, vào rạng sáng tại phía Bắc Đại Tây Dương, thuyền viên McKay Bennett đã phát hiện ra Thượng tá John Jacob Astor, đầu của ông đã bị ống khói của tàu đập nát, trong túi vẫn còn 2440 đô-la Mỹ.
“Tôi sẽ cùng ông đi đến bất kỳ nơi nào ông muốn đến”
Ida Straus là người giàu có thứ hai thế giới, cũng chính là người sáng lập ra công ty bách hóa Macy’s. Ngày nay, công ty Macy’s vẫn tọa lạc tại Đại lộ số 6 Manhattan thành phố New York và là công ty bách hóa lớn nhất thế giới.
Thuyền viên thuyền cứu hộ số 8 nói với ông Ida Straus lúc này đã 67 tuổi rằng: “Tôi cam đoan không một ai phản đối một người như ngài đây xuống thuyền đâu”. Ida Straus lại kiên quyết đáp rằng: “Tôi sẽ không xuống thuyền cứu hộ trước bất kỳ người đàn ông nào khác”.
Vợ của ông, bà Rosalie 63 tuổi cũng từ chối lên thuyền cứu hộ số 8, bà ấy nói: “Bao nhiêu năm nay, ông đi đâu thì tôi theo đó, tôi sẽ theo ông đi đến bất cứ nơi nào ông muốn đến”. Người phụ nữ vĩ đại ấy đã nhường vị trí của mình cho cô hầu gái của bà, sau đó khoác chiếc áo choàng bằng lông của mình lên người cô gái: “Ta không còn dùng đến nó nữa!”
Sau đó ông Ida Straus nắm lấy tay bà Rosalie, đôi vợ chồng già chậm rãi đi về phía boong tàu và ngồi trên chiếc ghế mây ở đó, chờ đợi khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.
Tại quận Brown của thành phố New York có một đài tưởng niệm dành cho đôi vợ chồng Ida Straus, bên trên còn có khắc dòng chữ: “Biển có lớn cách mấy cũng không nhấn chìm được tình yêu”. (Many waters cannot quench love, neither can the floods drown it). Hơn 6000 người đã tham gia bữa tiệc tưởng nhớ về Ida Straus được tổ chức tại Carnegie Hall ở Manhattan.
“Con trai, ta đã không tạo ra được một con tàu không chìm cho con”
Lần cuối cùng kiến trúc sư Thomas Andrews – người thiết kế con tàu Titanic được nhìn thấy chính là khi ông ngồi một mình trong phòng hút thuốc ở khoang hạng nhất. Không lâu sau đó, ông đã chôn thân cùng với kiệt tác cả đời của chính mình. Cho đến tận ngày nay vẫn không tìm thấy thi thể của ông.
“Nếu đây là một giấc mơ thì tốt biết mấy! Con chưa từng nghĩ rằng có nhiều mạng người đến vậy phải mất đi bởi chính con thuyền Titanic – tác phẩm mà con tự hào nhất này gây ra. Con hy vọng mọi thứ nhanh chóng kết thúc, có lẽ một phút nữa thôi, nước biển sẽ tràn vào đập nát vách thuyền, nhấn chìm con và Titanic xuống biển sâu.
Con thà rằng giây phút đó đến sớm một chút, để con được chết như một chiến sĩ, chỉ có như thế mới xoa dịu được sự áy náy trong lòng con. Xin lỗi, những hành khách của tôi; xin lỗi, Helen vợ của anh, điều khiến anh hối tiếc nhất chính là, không thể cùng em đi hết đường đời”. Đây chính là những lời được viết trong bức thư mà Thomas Andrews để lại cho cha mình.
Ông đau đớn nói với thuyền viên: “Con trai, ta đã không chế tạo được một con thuyền không chìm cho con”.
Ngày 19/4/1912, cha của Thomas Andrews nhận được một bức điện báo. Ông rưng rưng nước mắt, hãnh diện đọc to bức điện báo cho cả nhà cùng nghe: “Toàn bộ thuyền viên trên tàu Titanic đều khen ngợi Thomas luôn lo lắng cho an toàn của người khác, đến khi chết vẫn là một anh hùng”. Mary Sloan – một nhân viên phục vụ trên tàu may mắn sống sót đã nói bà nhớ rằng Thomas Andrews đã thuyết phục bà lên thuyền cứu hộ, còn mình thì anh dũng nghênh đón vận mệnh, quả thật không thể tìm ra một người thay thế được Thomas Andrews.
“Ta phải giống như một người đàn ông chân chính”
Ông Benjamin Guggenheim – một người nổi tiếng trong giới ngân hàng, mặc bộ lễ phục đẹp đẽ nhất: “Ta phải chết trong vinh quang, như một chiến sĩ”.
Mảnh giấy mà ông để lại cho vợ mình viết: “Trên con tàu này không thể có bất kỳ một người phụ nữ nào vì bị anh giành mất chỗ trên thuyền cứu nạn mà còn ở lại trên boong. Anh sẽ không chết trong nhục nhã, anh sẽ là một người đàn ông chân chính”.
Những đứa trẻ mồ côi của Titanic
Một thương nhân người Pháp tên là Navratil đã đưa hai đứa con của mình là Michelle và Edmond lên thuyền cứu hộ, giao cho một người phụ nữ trên thuyền thay mình chăm sóc chúng, còn bản thân thì không chịu lên thuyền.
Hai đứa trẻ ấy, sau này được gọi là “Cô nhi Titanic”. Sau khi được cứu sống, báo chí trên khắp thế giới đều lần lượt đăng hình của chúng, mãi cho đến khi mẹ của chúng nhìn thấy những tấm hình ấy nhận ra chúng, thì bọn trẻ cũng đã vĩnh viễn mất đi cha của mình.
“Lên thuyền đi, bọn trẻ không thể không có mẹ”
Trong một buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne Thụy Sĩ, bà Smith nhớ về một người mẹ vô danh: “Lúc ấy tôi đã ôm hai đứa con của mình lên tàu cứu hộ rồi, nhưng do thuyền đã vượt quá trọng lượng nên tôi không thể lên nữa, có một người phụ nữ đã ngồi trên thuyền rồi bỗng nhiên đứng dậy, đẩy tôi lên thuyền cứu hộ, hét lên với tôi rằng: ‘Lên thuyền đi, bọn trẻ không thể không có mẹ!’. Người phụ nữ vĩ đại ấy không để lại họ tên. Sau này người ta lập một tấm bia vô danh để tưởng nhớ bà”.
Cả đời không tái giá
Cô dâu mới Lidpatris cùng chồng đi tuần trăng mật tại Mỹ, cô khăng khăng ôm chặt chồng không chịu một mình rời khỏi tàu, chồng cô đành tìm cách đánh cô ngất xỉu, khi Lidpatris tỉnh lại thì cô đã ở trên một con thuyền cứu hộ. Sau này, cả đời cô không tái giá, chỉ mãi nhớ về người chồng đã chết của mình.
“Bây giờ mọi người phải dựa vào chính mình rồi”
2 giờ 5 phút ngày 15/4, chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng chở 44 người rời khỏi tàu Titanic, để lại hơn 1500 người chờ ‘thần chết’ đến. Lúc này, thuyền trưởng của tàu Titanic, ông Edward John Smith ra hiệu cho hai nhân viên điện báo là Bled và Philip rằng họ có thể rời khỏi vị trí. “Bây giờ mọi người phải dựa vào chính mình rồi”. Vị thuyền trưởng râu tóc bạc phơ ấy sau khi nói xong thì đi thẳng đến phía cầu tàu.
Sau khi tất cả các thuyền cứu hộ đều đã đi, trên tàu Titanic chỉ còn lại một mảnh yên tĩnh đến kỳ lạ, dường như mọi người đã không còn sợ hãi, hơn trăm người đứng lặng lẽ ở boong tàu, sau đó, tàu Titanic càng ngày càng nghiêng.
“Tất cả đèn đóm trên tàu đều tắt, lúc này thân tàu và mặt biển đã gần hợp thành một góc vuông, sau đó tôi bắt đầu nghe thấy tiếng động ầm ầm đáng sợ phát ra từ thân tàu, giống như tiếng sấm chớp từ đằng xa vậy.
Những chiếc nồi hơi rời khỏi vị trí của nó, bắt đầu rơi xuống, đập vỡ thân tàu. Hai giờ đêm, thân tàu và mặt biển đã hoàn toàn trở thành một góc vuông, đuôi tàu nhếch lên cao, cảnh tượng đáng sợ ấy kéo dài khoảng hai phút, sau đó nó bắt đầu từ từ và không ngừng nhanh dần chìm sâu vào đáy biển”.
Lightoller viết rằng: “Chỉ cần tôi còn sống, tôi mãi mãi cũng không quên được đêm hôm đó, chính là khi đuôi thuyền bắt đầu chìm xuống biển, tôi nghe thấy vào thời khắc cuối cùng ấy, thời khắc sinh tử cuối cùng, mọi người cùng nhau hô to: “I love you! I love you!”
Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, chỉ trừ phó chỉ huy thuyền cứu hộ là Lightoller may mắn sống sót, còn lại tất cả đều hy sinh bản thân ngay tại vị trí của mình. 2 giờ sáng, nhân viên điện báo John Philip nhận được lệnh rời khỏi vị trí từ thuyền trưởng, nhưng anh ta vẫn ngồi trong phòng phát tín hiệu, duy trì tư thế không ngừng phát ra tín hiệu “SOS” cho đến những giây phút cuối cùng.
Trách nhiệm quan trọng hơn tất cả
Năm 1992, tại hội nghị tưởng nhớ tàu Titanic, công ty White Star Line đã phát biểu với giới truyền thông rằng: “Không có bất cứ một luật trên biển nào quy định đàn ông phải hy sinh, họ làm như vậy có thể nói là sự chăm sóc của phái mạnh dành cho phái yếu, đây là lựa chọn của cá nhân họ”.
Tác giả Daniel Butler của quyển sách “Unsinkable: The Full Story of RMS Titanic” đã cảm thán rằng: “Đây là vì từ khi sinh ra họ đã được dạy: trách nhiệm quan trọng hơn tất cả!”
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)