Ở nông thôn, hầu như cứ cách vài hộ lại thấy có người nuôi chó mèo, đối với người dân mà nói thì việc nuôi, giết thịt chó từ lâu đã hết sức phổ biến. Tuy nhiên, trong thời cổ đại thì chuyện này lại hoàn toàn khác, có dân tộc còn cấm không được ăn thịt chó.
Tộc người Mãn không ăn thịt chó
Có rất nhiều phiên bản về chuyện người tộc Mãn không ăn thịt chó, trong đó được người ta biết đến nhiều nhất là câu chuyện về chú chó vàng cứu chủ. Theo truyền thuyết thì Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích vào một năm bị rơi vào vòng vây truy đuổi của quân địch, trong lúc nguy nan đã chạy đến bên bờ sông.
>>> Mối tình nồng thắm giữa hoàng tử Ba Tư và công chúa Hàn Quốc có thể viết lại lịch sử
Lúc ẩn nấp trong đám lau sậy, vì ông đã quá mệt mỏi, nên quên mất rằng mình đang ở trong tình thế nguy hiểm mà lại ngủ thiếp đi. Những binh lính truy tìm Nỗ Nhĩ Cáp Xích khắp nơi mà vẫn không tìm thấy bóng dáng của ông đâu, nên chúng quyết định đã đốt cháy cả một vùng đồng cỏ.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích đang ngủ say nên không biết được rằng khắp nơi lửa đang cháy hừng hực, mà ông vẫn tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, chú chó vàng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích hiểu được rằng chủ nhân của mình đang gặp nguy hiểm, nên nó lập tức nhảy xuống nước, đợi toàn thân ướt sũng, thì chạy về bên cạnh Nỗ Nhĩ Cáp Xích lăn qua lăn lại, làm ướt đám lau sậy quanh chỗ chủ nhân đang nằm.
Việc làm này của chú chó vàng là để ngăn không cho lửa cháy lan đến thân người của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Chú chó vàng liên tục chạy qua chạy lại như thế nhiều lần, kết quả nó đã chết vì kiệt sức. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích hiểu ra sự thật thì vô cùng cảm động. Để báo đáp chú chó trung thành này, ông thề rằng tộc người Mãn sẽ không bao giờ ăn thịt chó.
Đây là truyền thuyết chính về lý do tại sao người Mãn không ăn thịt chó. Tuy nhiên, dù người Mãn không ăn thịt, nhưng họ vẫn nuôi chó. Ngoài ra, triều đình nhà Thanh quản lý chuyện nuôi chó rất nghiêm ngặt, những chú chó cao quý chỉ có giới quý tộc mới được phép nuôi.
Cố Cung ở Bắc Kinh có một bức tranh mang tên “Mỹ nhân Mãn tộc bế chó”, đã cho chúng ta thấy đặc điểm này của triều đại nhà Thanh. Người phụ nữ trong tranh nhỏ nhắn xinh xắn, nở nụ cười e thẹn, cô không chỉ mặc một bộ áo tím váy xanh lộng lẫy, mà trên tay còn đang bế một chú chó quý. Bức tranh này là bộ sưu tập cũ của triều đình nhà Thanh, vì vậy nhân vật chính trong bức tranh có lẽ là một công chúa hay một vị phi tần nào đó.
>>> Thông điệp của người Hopi cổ thay đổi cách nghĩ của chúng ta về nước
Thời xưa, thú cưng của cung đình được nuôi dưỡng trong khuôn viên cung điện, nên cuộc sống rất cao cấp, và chỉ di chuyển ra vào trong phạm vi cung điện, chứ không giống như con người ngày nay thường hay dẫn thú cưng đi dạo khắp nơi.
Chó trong cung đình có rất nhiều loại, chẳng hạn như chó Mastiff, chó Ba Tư, chó lông xù… Phần lớn các chú chó trong cung được các vị quan địa phương hoặc là thủ lĩnh của các bộ lạc xung quanh cống nạp lên cho triều đình.
Chẳng hạn, chú chó được vua Càn Long yêu thích và đặt cho cái tên là Thập Tuấn khuyển, chú chó này đến từ Tây Tạng, thuộc giống Chuẩn Cát Nhĩ, Khắc Nhĩ Thấm. Khi những chú chó này được cống nạp cho hoàng đế, hoàng hậu và các phi tần, chúng đã trở thành bảo bối trong lòng của các vị phi tử này.
Những chú chó đã trở thành nơi gửi gắm tinh thần của những người phụ nữ trong cung, chúng giúp họ lấp đầy sự trống rỗng trong nội tâm, tiêu tan bớt đi sự cô đơn trong lòng. Bởi vậy, làm sao mà những người phụ nữ trong cung không xem chúng là báu vật được chứ?!
Chú chó cưng của Từ Hy
Từ Hy Thái Hậu có một sở thích lớn, đó là chơi chó. Người ta nói rằng, họa sĩ người Mỹ tên là Catherine lúc vẽ chân dung cho Từ Hy Thái Hậu trong cung nhà Thanh, đã phát hiện bên trong cung có một căn gác dành riêng cho chó. Căn gác này không chỉ có cấu trúc tinh xảo, đẹp đẽ mà trần nhà còn được lát bằng đá trắng, vô cùng hoa lệ.
Vì những con chó của Từ Hy được sống trong điều kiện tốt như vậy, nên những lúc chúng ăn ngủ đi nằm đương nhiên cũng không thể qua loa được. Chó của Từ Hy có cả chăn nằm và chiếc chăn đó còn được làm bằng vải satin xa xỉ nữa. Ngoài ra, những chú chó không chỉ được các thái giám chăm sóc phục vụ đặc biệt, mà mỗi ngày thái giám còn mang chó của Từ Hy vào cung đi dạo và tắm rửa. Sở dĩ phải tắm rửa cho chó mỗi ngày là để ngăn ngừa bệnh cho chúng.
Từ Hy rất yêu chó, vì vậy tất cả những chú chó đều được bà đích thân đặt tên. Người ta nói rằng khi những chú chó nghe tiếng gọi của Từ Hy, chúng sẽ ngay lập tức lao về phía trước, mà không chút chần chừ. Trong số những chú chó này, Từ Hy yêu thương nhất hai con, một con thuộc giống chó săn, còn con kia là giống chó Bắc Kinh. Chú chó săn kia hiểu lời của Từ Hy nói, nó biết nằm đơ ra đất giả vờ chết, chỉ khi nghe tiếng Từ Hy gọi dậy, thì nó mới tỉnh dậy, còn nếu là người khác gọi thì nó sẽ không thèm đếm xỉa gì đến. Khi Từ Hy cảm thấy cô đơn nhàm chán, thì sẽ bảo thái giám mang vài chú chó đến để giải khuây.
Thực ra, những giống chó hiếm không chỉ có thể trở thành vật cưng của các hoàng tử vương công quý tộc, mà những con chó bình thường được nuôi ở những gia đình bình thường cũng sớm đã trở thành những người bạn trung thành, bởi chúng hiểu chuyện và lại còn dịu dàng ấm áp khiến người ta phải quý mến. Cùng với khả năng đáp ứng được tình yêu của con người, những chú chó bất kể có thuộc giống nào đi nữa, chúng đều có thể nghiễm nhiên trở thành vật cưng của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, Lưu Trưởng Khanh từng nói rằng “Cổng tre nghe thấy chó sủa”, chó thì nên làm một chú chó trông nhà trung thành. Thực ra, cách chúng ta đối xử với chó nên có khác biệt với cách chúng ta đối xử với con người thì mới tốt. Dù gì đi nữa, thì địa vị của chó và người thực sự khác nhau, làm sao có thể đối xử và chăm sóc một chú chó như một con người được chứ?!
Tuệ Tâm, theo Secret China