Trên toàn cầu, mỗi năm có hơn 800.000 người kết liễu cuộc đời bằng cách tự tử (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thông báo hôm thứ Hai (ngày 9/9). Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 40 giây, sẽ có một người trên thế giới này tự sát.
Có thể nói số người tự tử còn nhiều hơn cả số nạn nhân chết vì sốt rét hay ung thư vú hoặc chiến tranh. Tự tử còn là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trong số những người từ 15 đến 29 tuổi. Và thực tế con số có lẽ còn cao hơn nhiều vì tự tử là một vấn đề nhạy cảm và bất hợp pháp ở một số quốc gia, nên có thể kết quả sẽ không được báo cáo đầy đủ.
Giám đốc WHO về Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý Shekhar Saxena nói tự tử là hậu quả cuối cùng cho những người cảm thấy bị cô lập, trầm cảm và vô vọng.
“Những người trước khi đi đến quyết định cuối cùng là tự vẫn, gần như trong mọi trường hợp, đều đã đi tìm sự giúp đỡ của một ai đó. Có thể là một người bạn, một người thân, cũng có thể là một hệ thống chăm sóc xã hội hay một cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các yêu cầu xin được giúp đỡ này đã không được đáp lại một cách tích cực.”
Bên canh đó, cũng theo báo cáo này thì tại các quốc gia giàu có, số vụ tự tử của nữ giới gần gấp 3 lần nam giới, trong khi tại các quốc gia có thu nhập thấp, tỷ lệ này gần ngang nhau.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử phần lớn từ những chấn thương tâm lý do môi trường xã hội, gia đình hoặc cá nhân người đó đem lại, dẫn đến các bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng, hay chứng rối loạn lưỡng cực (lúc thì vui đến phát cuồng, lúc thì buồn đến mức suy sụp tinh thần) hoặc sang chấn tâm lý mạnh…
Đặc biệt trong một xã hội quá coi trọng vật chất, người ta dễ trở nên ngưỡng mộ và coi trọng những người tài giỏi, xinh đẹp, giàu có… và nhiều người ước mơ có cơ hội xếp mình trong thế giới hào nhoáng ấy, đã phải nỗ lực rất nhiều cho bản thân không thua kém ai. Từ đó áp lực về thành tích đạt được trong cuộc sống ngày càng gia tăng. Vì ai cũng lấy nó làm tiêu chuẩn chung cho cuộc sống tương lai của họ.
Trong khi ngày nay, nếu muốn bản thân có thành tựu, ai cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc, lượng công việc quá tải, cường độ công việc quá lớn, nguy cơ cắt giảm biên chế, vòng xoáy cạnh tranh thăng tiến, tất cả khiến con người rơi vào trạng thái khủng hoảng cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Thậm chí, tại Nhật Bản đã có tới hơn 3.000 người tự tử mỗi năm vì áp lực nghề nghiệp – nhiều gấp 4 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Trên thực tế, vấn đề này đang ngày càng trở nên tồi tệ. Theo một cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, có đến 77% nhân viên cảm thấy ngột ngạt khi đến văn phòng. Họ không còn tìm thấy niềm đam mê và hứng thú với công việc, thay vào đó là sự căng thẳng triền miên.
Đến cả trẻ em cũng có áp lực của riêng mình, bởi phụ huynh nào cũng muốn con học giỏi để nở mày mở mặt, có người đặt hết ước mơ và kỳ vọng của bản thân lên vai một đứa trẻ, để rồi cuối cùng vì muốn hài lòng cha mẹ, nhiều em đã phải gồng mình quá sức để đóng vai một người con ngoan trò giỏi, học trường chuyên danh tiếng và nếu những danh hiệu ấy chỉ vì một vài vết lỗi nhỏ sẽ phải chịu những lời trách mắng và thất vọng của cha mẹ.
Đến khi trở thành thanh thiếu niên thì áp lực này cũng vẫn đeo bám. Cổng trường đại học đồng nghĩa với “tấm vé vàng”. Ngay từ bé, trẻ em đã vùi đầu vào “cuộc chiến sinh tử” mang tên học hành, nỗ lực bằng mọi cách để chỉ hôm nay cầm được tấm vé này trên tay.
Ngay cả sau khi tốt nghiệp, người trẻ vẫn lao đầu tìm cách cải thiện cơ hội thành công trên thị trường việc làm. Tuy nhiên, số lượng cử nhân ngày nay lại vượt quá nhu cầu của thị trường lao động.
Nhiều gánh nặng đè nén khiến nhiều thanh thiếu niên mang nặng cảm giác bế tắc, tuyệt vọng về tương lai. Như một tất yếu, những người trẻ phải oằn mình đối diện với chứng trầm cảm, rối loạn lo âu vì căng thẳng kéo dài.
Không tìm được lối thoát, không nhận được sự thấu hiểu và quan tâm cần thiết, không ít người đã tìm đến các hành vi tự ngược đãi bản thân, thậm chí là tự sát…
Chúng ta đang tự tạo ra một vỏ bọc giả
Những áp lực từ chủ nghĩa theo đuổi tiền tài vật chất của xã hội hiện đại là nguyên nhân giết đi tâm hồn của biết bao nhiêu người. Họ không còn sống thật với chính bản thân mình nữa, mà đang tạo một lớp vỏ bọc “giả” trên thân, bằng giả, hạnh phúc giả, tính cách cũng giả… chỉ để tự bảo vệ lấy những gì bản thân không muốn mất. Và nếu bản thân họ không thể có đầy đủ những thứ đó, họ sẽ đặt kỳ vọng lên những người xung quanh như cha mẹ kỳ vọng con cái học thật giỏi, vợ kỳ vọng chồng thành công, fan hâm mộ kỳ vọng vào hình ảnh của các ngôi sao thần tượng…
Không ai dám sống thật, nó tạo ra thứ áp lực vô hình rất khó nhận ra, họ chỉ oằn mình làm theo một cách vô thức. Nếu một người không có thành tích trong xã hội thì không chỉ xã hội coi thường họ mà cả cha mẹ gia đình cũng không ngừng thất vọng về họ, không phải gia đình không có tình yêu thương mà đến từ nỗi sợ người thân của mình thiệt thòi và bị xã hội coi thường.
Hay tâm lý hùa theo đám đông, bất cứ thứ gì trái với tiêu chuẩn của xã hội thì sẽ bị vùi dập cho đến tận cùng, không có sự vị tha, hay cảm thông dành cho nhau. Mấy ai nhận ra rằng, tình yêu thương và cảm hóa sẽ tốt hơn nhiều so với vùi dập.
Điển hình nhất là tại Hàn Quốc, rất nhiều ngôi sao đình đám tự sát vì không chịu nổi áp lực từ công việc, hình ảnh, dư luận… họ phải gồng mình biến bản thân thành người của công chúng, sống dưới một lớp tính cách giả để trở thành mẫu hình mà công chúng mong muốn, nhưng thực tế đó không phải là cảm xúc thật của họ.
Gần đây nhất là sự ra đi của nữ ca sĩ Sulli đã khiến cư dân mạng bàng hoàng khi cô quyết định tự tử tại nhà riêng, kết thúc cuộc đời ở tuổi 25.
Nghiêm trọng hơn, tự tử còn mang tính lây lan, thường được biết đến dưới cái tên hiệu ứng Werther, chỉ hành vi bắt chước tự tử của người khác. Hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu thuộc về người nổi tiếng trong làng giải trí.
Nhà khoa học thuộc Phân bộ Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Dược chất của WHO, bà Alexandra Fleischmann cho rằng có một sự liên hệ giữa cách thức tường thuật các vụ tự vẫn nơi các cơ quan truyền thông và các hành động thực hiện sau đó. Bà nói:
“Vì thế, sự kiện này làm nổi bật và nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong các vụ tự vẫn. Không nên thi vị hoá hay thổi phồng các vụ tự vẫn trên các phương tiện truyền thông bởi vì tiếp theo có thể là những vụ bắt chước.”
Ngày 25/6/2009, cả thế giới đã bị sốc trước cái chết đột ngột của ông vua nhạc Pop Michael Jackson. Sự ra đi bất ngờ của thần tượng âm nhạc đã khiến nhiều fan trên thế giới bàng hoàng, tuyệt vọng, đã có 12 người tự tử để ra đi theo thần tượng.
Ngày 18/12/2017, cái tin ca sĩ Jonghyun tự tử vì căn bệnh trầm cảm đã lan truyền khắp châu Á và trên thế giới. Anh là giọng ca chính của SHINee, một trong những nhóm nhạc pop đình đám nhất Hàn Quốc. Người hâm mộ trên toàn thế giới đã bày tỏ sự đau buồn về cái chết của anh.
Người ta ghi nhận đã có hàng loạt các thông điệp tiêu cực được chia sẻ trên mạng trong cộng đồng fan ở các nước. Chỉ một ngày sau cái chết của Jonghyun, đã có các fan tại Hàn Quốc, Chile, Mỹ và Indonesia tự tử theo Jonghyun. Chỉ riêng cộng đồng Shawol (tên fanclub của SHINee) đã có 8 người tự tử theo thần tượng.
Vậy làm sao chúng ta có thể thay đổi?
Đa phần các trường hợp tự tử đều do vấn đề tâm lý tiêu cực, tuyệt vọng của nạn nhân trong môi trường sống hiện đại. Vậy nên, để giải quyết vấn đề này cần đi từ gốc, chính là thay đổi lối tư duy, nhân sinh quan của mỗi người.
Thực hành lối sống vừa đủ: Cuộc đời có quá nhiều thứ khiến ta truy cầu; khi cố gắng tranh đấu cả đời mà không được, người ta dễ tuyệt vọng và chán nản. Vậy nên, rèn luyện tư duy vừa đủ giúp người ta không ham muốn quá nhiều mà lại biết cách hưởng thụ cuộc sống hiện tại.
Thực hành thiền định: Từ xa xưa, thiền định đã giúp con người có được sự cân bằng tâm lý và nhận thức đúng đắn, đủ tỉnh táo và nhanh nhạy để giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Thiền định còn là một liệu pháp thư giãn rất hiệu quả, giúp giải tỏa căng thẳng, không để những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong thân tâm gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Hành thiện tích đức và sống chân thành: Khi chúng ta chân thành và luôn đối xử tốt với người khác, cuộc đời sẽ trở nên an yên và đầy ý nghĩa. Cũng nhờ vậy, đau khổ tuyệt vọng tự khắc sẽ rời xa.
Và đặc biệt hãy nghe tiếng “lương tâm” của mình, nó chính là ngọn đuốc soi cho cuộc đời của bạn, đại diện cho những nguyên tắc sống đúng đắn. Lương tâm là thứ bạn nên chọn để làm “trọng tâm cuộc đời” bởi vì không ai làm những điều đúng với lương tâm mà lại phải hối hận hay dằn vặt. Lương tâm hay những nguyên tắc sống đúng đắn không bao giờ thay đổi, không bao giờ phản bội bạn, và luôn ở đó để bạn nương vào mỗi khi chông chênh không biết bám víu vào đâu.
Những nguyên tắc như luôn giữ chữ tín, không bao giờ dối trá hay phản bội, kính trên nhường dưới, sống thiện lương… chính là chiếc la bàn để bạn không bao giờ lạc lối và luôn đi đúng đường. Chính bạn và chỉ bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho bản thân. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.
Chúc Di (t/h)
Xem thêm:
Mối nguy hại tiềm ẩn của căn bệnh trầm cảm
Tiến sĩ tâm lý vượt qua bệnh tật và tìm thấy hy vọng nhờ môn tu luyện cổ xưa
Nghiên cứu khoa học cho thấy: Tín ngưỡng tâm linh có thể giúp con người chống lại trầm cảm