Hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trong tháng 6 khi 2 quốc gia châu Âu đồng loạt lên tiếng phản đối tội ác này, theo The Epoch Times.
Ngày 23/6, ủy ban nhân quyền của Quốc hội Áo đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án tội ác buôn bán nội tạng phi pháp được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về vấn đề này, đơn giản là nó không thể chấp nhận được”, Gudrun Kugler, một thành viên trong Quốc hội Áo và là tác giả nghị quyết cho biết.
“Các báo cáo về nạn buôn bán nội tạng phi pháp hết lần này đến lần khác xuất hiện ở Trung Quốc trái với tất cả tiêu chuẩn đạo đức và nhân quyền”, một tuyên bố từ văn phòng cô Kugler cho hay.
Các nhóm tín ngưỡng và dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người tu luyện Pháp Luân Công và Kitô hữu là nạn nhân chủ yếu của hoạt động này, cô Kugler nói thêm.
Nghị quyết kêu gọi chính phủ Áo bảo vệ nạn nhân của tội ác buôn bán nội tạng bằng cách hợp tác với các cơ quan quốc tế như Đại Hội đồng Y tế Thế giới, Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và Ủy hội Châu Âu. Đồng thời cung cấp hỗ trợ cho những trường hợp này bất cứ khi nào có thể.
Quốc hội Áo thông qua nghị quyết trên nhằm đáp lại một kiến nghị của người dân nước này hồi tháng 10/2019, trong đó viết: “Người Áo chúng tôi không muốn nhận nội tạng từ Trung Quốc, vì nó mà những người vô tội đã bị giết hại”.
Ngày 12/6, Bỉ cũng đã thông qua một nghị quyết lên án hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Trước đó vào tháng 4/2019, quốc gia này đã thông qua dự luật cấm công dân du lịch ghép tạng. Người vi phạm có thể đối mặt án tù lên tới 20 năm và mức phạt 1,2 triệu EURO.
Tháng 6/2019, một tòa án độc lập tại London cũng đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho tội ác thu hoạch tạng đang diễn ra “trên quy mô lớn” ở Trung Quốc trong nhiều năm. Kết luận được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài cả năm, trong đó xem xét lời khai từ hơn 50 nhân chứng.
Phán quyết cuối cùng của tòa hồi tháng 3/2020 tuyên bố không có bằng chứng cho thấy tội ác đó đã chấm dứt. Tòa gọi đây là sự vi phạm lớn nhất có thể đối với quyền con người.
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã hoan nghênh động thái của Quốc hội Áo. Nghị quyết được đưa ra đúng thời điểm quan trọng khi gần đây Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông. Trung tâm lo ngại các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông có thể sớm trở thành nạn nhân của tội ác thu hoạch tạng có hệ thống này.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)