Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia cho biết, vào ngày 27/5 tới, Thẩm phán Heather Holmes sẽ đưa ra phán quyết về việc, liệu hành vi của bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei, Trung Quốc – theo cáo buộc của Mỹ có vi phạm luật pháp tại Canada hay không.
Phán quyết mang tính “mấu chốt” này có thể sẽ dẫn đến việc thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, hoặc khởi đầu cho một tiến trình tranh tụng mới. Lúc đó, phía bà Mạnh sẽ tranh luận về việc bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 có trái pháp luật hay không.
Đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh biện hộ rằng, tòa không cần thụ lý vụ này vì Canada đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran từ nhiều năm trước.
Phía Canada đã sử dụng lý lẽ, bà Mạnh bị bắt giữ với cáo buộc “lừa gạt ngân hàng” – một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ, chứ không phải bị bắt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran, Iran.
Công tố viên Robert Frater nhấn mạnh cáo buộc lừa dối là lý do mấu chốt của việc bắt giữ bà Mạnh. Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran.
Đáp lại các cáo buộc trên, luật sư phía bà Mạnh cho rằng vai trò của thẩm phán là phải xác định liệu có chứng cứ về việc gian lận hay không, đây vốn là một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ.
Việc bà Mạnh Vãn Châu bị Ottawa bắt giữ đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc vào tình trạng căng thẳng.
Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc liền tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc, “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nông sản Trung Quốc của Canada.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/5, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định bộ máy tư pháp độc lập của Canada, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân nói trên.
Những bình luận trên được Thủ tướng Trudeau đưa ra, sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Canada – Tùng Bồi Vũ tiếp tục lên tiếng kêu gọi Ottawa trả tự do cho CFO của Huawei. Trả lời phỏng vấn Global News, ông Tùng nhận định vụ việc liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu là “vấn đề lớn nhất” trong mối quan hệ song phương, và bác bỏ cáo buộc cho rằng hai công dân Kovrig và Spavor đang bị Trung Quốc bắt làm con tin.
Mối quan hệ đang trong giai đoạn sóng gió giữa Canada và Trung Quốc không chỉ bị chi phối do liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu, mà còn bởi quyết định của Ottawa có cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G ở “xứ sở lá phong” hay không.
Trong khi đó, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc phản đối sử dụng thiết bị của Huawei, đồng thời kêu gọi các đồng minh của mình cũng làm như vậy. Phía Mỹ cho rằng, các thiết bị của công ty này có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp.
Việt Anh (T/h)