Tinh Hoa

Trung Quốc và tham vọng thiết lập Hải Nam soán ngôi Hồng Kông: “Đó là chuyện đùa”

Chính quyền Trung Quốc mới đây đã vạch ra kế hoạch biến hòn đảo Hải Nam thành cảng thương mại tự do. Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố rằng Hải Nam sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất Đại lục.

Chủ Tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng Hải Nam sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất Đại lục. (Ảnh qua Twitter)

Theo South China Morning Post cho biết kế hoạch Bắc Kinh vạch ra vào ngày 1/6, chính quyền sẽ giảm thuế thu nhập cho một số cá nhân và công ty nhất định xuống 15%, nới lỏng yêu cầu thị thực cho du khách và doanh nhân. Tỉnh đảo này cũng sẽ được hưởng các quyền tự do về thương mại, đầu tư, dòng vốn và sự di chuyển của người dân trước năm 2035.

Mỗi công dân Trung Quốc sẽ có thể chi lên tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương 329 triệu đồng)/ năm tại các cửa hàng miễn thuế trên hòn đảo. Mức cho phép này tăng lên so với con số 30.000 nhân dân tệ hiện tại.

Ngoài ra, một số hàng hóa nhập khẩu sẽ được miễn thuế, gồm thiết bị sản xuất, các phương tiện, tàu, máy bay, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng. Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một “dòng thuế nhập khẩu thứ hai” dành cho các sản phẩm vận chuyển từ Hải Nam vào đất liền.

Tháng 4/2018, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố Hải Nam sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất đất nước. Chính quyền Hải Nam cũng đã gửi các nhóm đại diện tới đặc khu hành chính Hồng Kông, Singapore và Dubai để học hỏi các kinh nghiệm về “thương mại tự do”.

Vào ngày 2/6, đài CGTN cũng đưa tin về kế hoạch trên với dòng tít: “Hải Nam sẽ trở thành khu vực tự do nhất về thương mại và đầu tư ở Trung Quốc”.

Hải Nam được ví như Hawaii của Trung Quốc, có diện tích là 35.000 km2 này với 9,5 triệu dân.

Hải Nam sẽ trở thành Hồng Kông thứ hai?

Phạm vi các chính sách đề xuất cho Hải Nam rộng hơn nhiều so với những biện pháp Bắc Kinh đang áp dụng đối với các khu vực thương mại tự do khác như Thâm Quyến hay Thượng Hải.

Tuy nhiên, bản kế hoạch thiếu đi các chính sách nới lỏng tài khoản vốn và kiểm soát luồng thông tin, vốn là những yếu tố trụ cột của một trung tâm thương mại tự do thực sự.

Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London, nhận định kế hoạch của ông Tập cho Hải Nam có thể bị cản trở bởi bầu không khí quốc tế hiện nay cũng như tình trạng thiếu các quy định pháp luật trên đảo. Ông cho rằng tỉnh đảo “không thể biến thành Hồng Kông thứ hai”“Hải Nam không có đủ những yếu tố đã tạo nên Hồng Kông”.

“Không thể biến thành Hồng Kông thứ hai vì Hải Nam không có đủ những yếu tố đã tạo nên Hồng Kông“. (Ảnh qua South China Morning Post)

Đặc trưng tối quan trọng là dòng vốn tự do và trao đổi tiền tệ. Với đặc quyền trước đây của Hồng Kông, đồng đô la Mỹ có thể được chuyển đổi thành đô la Hồng Kông, trong khi Nhân dân tệ thì không thể.

Ông Đường Tĩnh Viễn, một chuyên gia phân tích vấn đề Trung Quốc nhận định, yếu tố thứ hai là tính minh bạch và luồng thông tin tự do. Hồng Kông có quyền tự do ngôn luận, không cần kiểm duyệt nội dung. Họ cũng bảo vệ riêng tư dữ liệu. Trong khi ở Trung Quốc đại lục, tường lửa đồ sộ chặn Google và Gmail, vốn là công cụ nhiều doanh nghiệp cần tới.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói: “Thông tin đang thay đổi nhanh chóng trong môi trường tài chính phát triển cao. Khác biệt vài giây có thể phát sinh lời lỗ đáng kể”.

Theo chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông hoạt động tuân theo luật riêng, tương tự như Anh. Đây là đặc điểm chung của những trung tâm tài chính toàn cầu hiện nay. Nhưng chính quyền ở Hải Nam là theo cùng hệ thống luật do Đại lục thi hành.

“Không bàn tới hệ thống luật Đại lục có độ tin cậy về tính minh bạch và công bằng không. Chỉ riêng cấu trúc pháp lý thì đã không phù hợp với hệ thống Anh – Mỹ”, ông Đường nói thêm.

“Nên, trong tình huống như vậy, nói muốn biến Hải Nam thành ‘cảng thương mại tự do’ để thay thế Hồng Kông. Tôi nghĩ đó là chuyện đùa”, nhận định của ông Đường Tĩnh Viễn về tham vọng biến Hải Nam thành Hồng Kông của Trung Quốc.

Năm 1988, Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo Trung Quốc quyết định nâng Hải Nam thành một tỉnh độc lập và biến hòn đảo thành “đặc khu kinh tế” lớn nhất Trung Quốc. Quyết định được đưa ra với hy vọng Hải Nam có thể lặp lại một số thành công của Thâm Quyến, từ một làng chài nhỏ trở thành một trung tâm công nghệ cao phát triển.

Tuy nhiên, thay vì phát triển, Hải Nam nhanh chóng biến thành thiên đường cho tội phạm buôn lậu và đầu cơ bất động sản vào đầu những năm 1990. Đây là một trong những thất bại kinh tế lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ đợt cải cách kinh tế cuối những năm 1970.

Theo báo SCMP, kế hoạch trên được tiết lộ trong bối cảnh nguy cơ Mỹ và Trung Quốc tách khỏi nhau đang tăng lên, khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang căng thẳng ở nhiều mặt trận từ thương mại cho tới quân sự.

Lương Phong (t/h)