Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều động thái vô vùng hung hăng và có các hành vi khiêu khích trắng trợn trên biển Đông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã “nhầm” khi cho rằng các bên liên quan sẽ phản ứng yếu ớt trong bối cảnh bận ứng phó với đại dịch Vũ Hán có khởi nguồn từ Trung Quốc.
Hành vi ngang ngược
Trung Quốc đã cho thấy tham vọng bành trướng quyền lực và sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông, bất chấp đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần bác bỏ. Giới chuyên gia nhận định kể cả khi không có đại dịch COVID-19, Bắc Kinh vẫn sẽ bắt nạt ngư dân nước khác và quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực.
Về thực địa, Trung Quốc đã để tàu hải cảnh của nước này đâm chìm tàu cá Việt Nam; chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines; đưa đội tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế một số nước và thực hiện các hành động ngờ vực; đặt các trạm nghiên cứu khoa học…
Cụ thể ngày 17/4, tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông, sau khi xuất hiện ở cách bờ biển Việt Nam 158 km, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/4, tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam của 8 ngư dân đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hôm 17/2, khinh hạm Trung Quốc chĩa pháo về phía một tàu chiến Philippines tại vùng biển trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Về yêu sách và thể chế, chính quyền Bắc Kinh thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa“, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và “quận Nam Sa”, tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam; đồng thời gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo Việt Nam “chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc”.
Trung Quốc ban hành bản cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, đá và thực thể trong lòng biển; đưa công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để trình bày yêu sách Tứ Sa – chứa đựng nội hàm là yêu sách đường lưỡi bò mở rộng với tham vọng độc chiếm khoảng trên 90% vùng biển Đông…
Giới quan sát đồng thuận với nhau rằng: Tất cả hành động trên về bản chất không có gì mới, đều nằm trong kế hoạch tính trước của Bắc Kinh. Song song đó, cách hành xử này phi pháp một cách trắng trợn, cho thấy Trung Quốc là một cường quốc ngang ngược và vô trách nhiệm, đặc biệt đặt trong bối cảnh thế giới đang bận rộn chống dịch COVID-19, vốn xuất phát và bùng nổ từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang tận dụng triệt để đại dịch Vũ Hán với niềm tin điều họ đang làm sẽ không vấp phải sự phản đối nào hoặc phản đối yếu ớt từ các bên ở Biển Đông. Từ đó Trung Quốc sẽ củng cố các yêu sách của mình”, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress về các động thái gần đây của Trung Quốc.
Ông Collin cho rằng Bắc Kinh đã đánh giá thấp phản ứng của các nước. Ý đồ “đục nước béo cò” lợi dùng đại dịch hoành hành cùng với lối thói hành xử phi pháp và vô lý ở biển Đông có thể sẽ trở thành “giọt nước tràn ly”, và sẽ khiến Bắc Kinh “mất nhiều hơn được”.
Gặp phản ứng mạnh từ các nước
Hôm 24/4, tàu khu trục USS Barry mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ – đã băng ngang qua eo biển hẹp nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục để tiến về phía nam (hướng đi vào Biển Đông), đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này.
Đây có thể xem là một thông điệp mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc rằng kể cả khi bị đại dịch hoành hành, sức mạnh quân sự và sự hiện diện của Washington tại khu vực sẽ không thay đổi.
Theo một nhà quan sát các vấn đề biển Đông, trong khi Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của nước khác trên khu vực này, Mỹ cũng đang cho Trung Quốc biết cảm giác tương tự. Tại phía nam Biển Đông, 3 tàu chiến của Mỹ và 1 tàu khu trục Úc đã tham gia một cuộc tập trận chung tại khu vực không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia.
Không rõ cuộc tập trận này có được lên kế hoạch từ trước hay không, nhưng động thái của Mỹ cùng đồng minh là câu trả lời cho việc Trung Quốc lợi dụng dịch Vũ Hán, dùng tàu sân bay để “diễu võ giương oai” trên Biển Đông.
Cùng ngày 24/4, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời từ quân đội Philippines xác nhận một khinh hạm Trung Quốc chĩa pháo về phía một tàu chiến Philippines tại vùng biển trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 17/2 và cho rằng hành động đó thể hiện “ý đồ thù địch” của tàu chiến Trung Quốc.
Quân đội Philippines xác nhận vụ việc một ngày sau khi Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho hay Manila đã gửi 2 công hàm phản đối Trung Quốc về vụ “chĩa pháo ngắm bằng radar vào tàu hải quân Philippines” và về “việc tuyên bố một phần lãnh thổ Philippines thuộc tỉnh Hải Nam”.
Trước đó ngày 23/4, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ các lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông và mọi tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Ông Hishammuddin đưa ra tuyên bố này sau khi có tin tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/4 tiếp tục lên án Trung Quốc lợi dụng đại dịch Vũ Hán để thực hiện hành vi khiêu khích và bắt nạt láng giềng ở Biển Đông, Reuters cho biết. “Chúng ta đã thấy Trung Quốc đang chèn ép láng giềng ở Biển Đông, thậm chí đi xa đến mức đâm chìm một tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng này.”
Ông Pompeo nhận định việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam và gần đây điều đội tàu bao gồm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến Biển Đông nhằm dọa dẫm các nước láng giềng đang thăm dò tài nguyên. “Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước hành vi này”, ông Pompeo nói.
Thiện Thành (t/h)