Tinh Hoa

“Thành, trụ, hoại, diệt” trong nghệ thuật

Văn minh nhân loại có “thành, trụ, hoại diệt”, nghệ thuật của nhân loại cũng vậy, đã có vô số lần phát triển và suy bại. Từ đó cho thấy mối liên hệ tương quan chặt chẽ giữa văn minh và nghệ thuật. Vậy nghệ thuật hiện đại ngày nay cho thấy điều gì của nền văn minh nhân loại lần này?

Kiệt tác bất hủ “Trường học Athens” của Raphael. (Ảnh: Internet)

Trong vũ trụ, có một quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”: Bất kỳ sự vật nào cũng đều có một quá trình, từ hình thành cho đến phát triển thành thục, ổn định ở một trạng thái, tiến đến suy bại, cuối cùng bị hủy diệt. Cùng lúc với sự hủy diệt thì cũng đang thai nghén sự sinh thành cái mới của lần sau. Lớn đến toàn bộ thiên thể, tinh hệ, nhỏ đến tế bào của nhục thể, từ sinh mệnh cho đến vật chất, bao gồm cả sự thăng trầm của mỗi một đế quốc, thay triều đổi đại, thịnh suy của nền văn minh trong lịch sử nhân loại, đều là tuần hoàn lặp lại ở trong quy luật này.

Trải qua các nền văn minh khác nhau, nghệ thuật của nhân loại cũng đã trải qua vô số lần phát triển và suy bại. Nó cùng với bước chân của văn minh nhân loại mà đi về phía trước, từ không chín chắn trong kỹ thuật cho đến thành thục, từ thô sơ cứng cáp phát triển đến tinh tế hoàn mỹ; nhưng rồi nó cũng lụi tàn thuận theo sự suy bại của nền văn minh.

Văn minh cổ xưa

Ai cũng không biết được rằng, nền nghệ thuật của nhân loại là bắt đầu từ lúc nào. Nhưng vào thời kỳ xa xưa mà chúng ta cho rằng dân trí chưa được mở mang, đã phát hiện rất nhiều di tích văn vật có giá trị kỹ thuật, có giá trị thưởng ngoạn rất sâu sắc. Chúng muôn hình muôn vẻ, phẩm chất không giống nhau, có cái giống như là những công cụ nguyên thủy được chế tác thô sơ, cũng có những di tích cổ có sự tinh tế mỹ cảm cao độ; càng có những văn vật với hình dạng quái dị, thậm chí gần giống với phong cách của phái trừu tượng hiện đại. Và những văn vật này tất nhiên không có mối quan hệ logic về mặt niên đại. Trên thực tế, rất nhiều di tích cổ đại có thể đã vén mở lời giải cho chúng ta. Đặc biệt là những nền văn minh cực thịnh một thời, nhưng lại đột nhiên biến mất chỉ trong một đêm.

Bức bích họa được người Minoan thực hiện (Trái); Di tích còn lại của những bức tranh tường tinh tế (Phải)

Ở nền văn minh Hy Lạp cổ, người Minoan trên đảo Crete đã xây dựng cường quốc phồn vinh hưng thịnh trên biển. Vương triều Minoan cuối cùng đạt đến đỉnh điểm của sự phồn thịnh, nhiều quốc gia trên biển Aegean đều hướng đến cống nạp và quy phục trước nó. Tuy nhiên, bá quyền này trong lúc núi lửa Santorini bùng phát vào năm 1500 TCN đã bị hủy diệt hoàn toàn. Trong những đống đổ nát của cung điện hoa lệ còn để lại những bức bích họa và đồ vật tinh xảo đẹp đẽ, đồng thời cũng để lại những bằng chứng về việc lạm sát vô cớ, hiến tế người sống…

Người Mycenaea tiếp sau đó đã có được lượng lớn hoàng kim báu vật, hàng loạt quân đội và vũ khí; rất nhiều hoa văn trên đồ vật đều là lấy chiến tranh làm đề tài.

Vậy mà quốc gia hùng mạnh hiếu chiến này cũng đột nhiên kết thúc vào cuối thế kỷ 12 TCN, tất cả hoàng cung và thị trấn đều bị phá hủy. Từ đây Hy Lạp thượng cổ đã tiến nhập vào “thời đại đen tối” kéo dài suốt mấy trăm năm. Nhân khẩu suy giảm, văn vật thiếu thốn, các loại kỹ thuật cũng bị thất truyền.

Mặt nạ vàng người Mycenaean. (Ảnh: Internet)

Tinh thần mỹ học Hy Lạp là khởi nguồn của nghệ thuật cổ điển

Văn hóa Hy Lạp mà chúng ta quen thuộc, chính là phát triển lần nữa từ trong đống đổ nát của nền văn minh kỳ trước. Ban đầu từ những đường vẽ hình học đơn điệu trên đồ gốm, phát triển đến hình vẽ màu với những đường cong lưu loát, tạo hình sinh động đẹp đẽ; trên phương diện kiến trúc đã xuất hiện điện thờ rộng lớn trang nghiêm; điêu khắc cũng là từ cứng nhắc thô sơ của thời kỳ đầu dần dần thành thục đến hoàn mỹ giống y như thật.

Thần điện Apollo tọa lạc ở Delphi, trên tường đã tỏ rõ 4 chuẩn tắc lớn: “tinh mỹ hài hòa”, “tuân thủ chuẩn mực”, “không ngạo mạn”, “không vượt quá giới hạn”. Ý thức thẩm mỹ của người Hy Lạp chính là được xây dựng trên cơ sở của sự hài hòa cân đối, lý tính điều độ này.

Tượng Apollo trên Đền Olympian Zeus. (Ảnh: Internet)

Trong thần thoại Hy Lạp, Thần Apollo là nắm giữ ánh sáng, chân lý, âm nhạc và nghệ thuật. Ông và các nữ thần Muse sống trên núi Parnassus, đại biểu cho thánh điệnvà điển hình cao nhất của nghệ thuật. Những phẩm chất thập toàn thập mỹ như: cân đối, hài hòa, cao nhã, trang trọng, bình hòa; quy tắc trong nghệ thuật Hy Lạp đều ở hết cả trong đó, cũng là “tinh thần cổ điển” mà nghệ thuật Tây phương đời sau tôn kính. Trái ngược với điều này, thần rượu Dionysus – vị Thần hỗn loạn đại biểu cho hoảng hốt, tình cảm mãnh liệt, phóng túng, không quy phạm, phá hoại mọi quy tắc. Loại tính chất này cũng khởi tác dụng nhất định trong nghệ thuật.

“Thời kỳ cổ điển” của điêu khắc Hy Lạp bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 5 TCN, là thời kỳ mà nghệ thuật Hy Lạp tiến nhập vào thời kỳ hoàn mỹ thành thục, tri thức cũng như văn hóa phát triển đến đỉnh cao, được gọi là “thời đại hoàng kim của Hy Lạp”. Lúc này tác phẩm thể hiện ra tỷ lệ lý tưởng, kết cấu chuẩn xác, cảm giác cân đối hoàn mỹ của thân thể người; hơn nữa ngoài cảm giác đẹp đẽ bên ngoài, những pho tượng này càng để lộ ra một loại tinh thần nội tại bình tĩnh, siêu nhiên, cao quý, thâm thúy và sâu sắc.

Tuy nhiên, dựa theo ghi chép trong tư liệu lịch sử và phát hiện của các nhà khảo cổ, cùng lúc với Hy Lạp cổ có được nền văn minh phát đạt, cuộc sống của mọi người cũng dần dần trở nên xa xỉ bại hoại, đạo đức không còn. Từ trong những văn vật nghệ thuật này có thể thấy được lốm đốm của những đề tài dơ bẩn không chút giấu giếm gì.

Trong thời gian diễn ra chiến tranh Peloponnesian, trong thành Athens đột nhiên bùng phát dịch bệnh, gây nên cái chết của hơn một nửa cư dân và 1/4 binh sĩ, ngay đến cả người lãnh đạo Perikles cũng không thoát khỏi kiếp nạn này. Từ đó về sau, xã hội Athens sụp đổ, trộm cướp, mưu sát hoành hành; văn minh Athens càng khó phục hồi hơn nữa.

Hy Lạp sau khi bị Macedonia chinh phục, đã tiến vào thời kỳ Hy Lạp hóa (323 – 146 TCN), lúc này đề tài điêu khắc tượng dần dần hướng đến hiện thực hóa, sinh hoạt hóa, cũng đã bắt đầu miêu tả đối với thất tình lục dục của nhân vật, tác phẩm ngày càng có nhân tính. Trong khoảng thời gian Alexander Đại đế đông chinh tây phạt, cũng truyền bá nghệ thuật của Hy Lạp đến các vùng, càng tạo thành sự ảnh hưởng rộng rãi và sâu xa hơn đối với thế giới.

Nghệ thuật ghi dấu sự thịnh suy của đế quốc La Mã

Năm 146, người La Mã đã quy nạp Hy Lạp vào bản đồ, hơn nữa đã kế thừa nghệ thuật Hy Lạp; không chỉ mô phỏng các tác phẩm Hy Lạp, mà cũng xem trọng nghệ thuật gia Hy Lạp. Người La Mã đã có được những thành tựu huy hoàng về mặt kiến trúc, họ một mặt đã thay đổi kết cấu trong kiến trúc Hy Lạp (ví như hình thức cột trụ), mặt khác đã phát triển ra những kiến trúc kết cấu hình vòm đặc sắc. Vào thời hưng thịnh của đế quốc, kiến trúc phần nhiều dùng để tuyên dương quốc uy, ca ngợi công trạng; thế là Khải Huyền môn, kỷ công trụ (cột trụ ghi nhớ công trạng), quảng trường và thần điện tráng lệ đều đã lần lượt xuất hiện; những nơi giải trí vui chơi công cộng như nhà hát, đấu trường và bãi tắm cũng dần dần trở nên rộng lớn và xa hoa lộng lẫy.

Kỹ nghệ tạc tượng giống như thật của người La Mã (Ảnh trái); Một bức tượng Hy Lạp theo phong cách cổ điển của Roma (Ảnh phải)

Người La Mã vốn đã được trang bị truyền thống tả thực giống y như thực về phương diện tạc tượng, về sau cũng đã hấp thu nét độc đáo lý tưởng hóa của nghệ thuật Hy Lạp, cho ra đời rất nhiều kiệt tác chân thực và xúc động lòng người. Còn về hội họa dùng trong kiến trúc, cũng đã tự nhiên vận dụng phương pháp thấu thị và chuẩn tắc sáng tối, một số bích họa thậm chí có bầu không khí chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa lãng mạn.

Sau khi đế quốc La Mã gây dựng cường quyền, nếp sống ngạo mạn dâm dật cũng càng ngày càng thịnh hành. Từ những di vật trong thành cổ Pompeii bị núi lửa chôn vùi có thể thấy chứng cứ đắm chìm trong tửu sắc của người thời đó, những bức tranh tục tĩu khó coi trong kỹ viện có thể thấy ở khắp nơi. Trên đấu trường thường hay diễn ra những cảnh chiến đấu và chém giết đẫm máu, thậm chí bắt những tín đồ Cơ Đốc giáo tay không tấc sắt đi vào trong đấu trường mặc cho mãnh thú xé xác ăn thịt. Loại tội ác này lại được người dân đế chế La Mã coi như bình thường, thậm chí còn xem là một trong những thú vui tiêu khiển.

Từ năm 165 – 266, đế quốc La Mã cường thịnh trong trăm năm đã phát sinh 5 trường ôn dịch lớn, người chết vô số, kinh tế hoang tàn.

Thế kỷ thứ 5, man tộc đã xâm chiếm La Mã, đế quốc huy hoàng này đã kết thúc trong ôn dịch và chiến loạn. Dù cho đế quốc Đông La Mã vẫn may mắn còn tồn tại, nhưng trong thời gian từ năm 541- 591, cũng đã phát sinh mấy lần ôn dịch, thậm chí số người chết lên đến 1/4. Văn minh châu Âu lại lần nữa tiến nhập vào thời kỳ đen tối: văn vật phần lớn bị phá hoại, nghệ thuật tàn lụi, kỹ nghệ thất truyền. Đây là minh chứng của quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của vũ trụ tái hiện lần nữa.

“Thành, trụ, hoại, diệt” trong nghệ thuật cận đại

Thời kỳ trung cổ Âu châu tuy bị man tộc thống trị, nhưng các dân tộc này lại tiếp nhận Cơ Đốc giáo, vậy nên những nhà nghệ thuật thời trung cổ phần nhiều đều là những người dâng hiến vô danh để tôn vinh Thần. Tuy nhiên, bởi nền văn minh lần trước bị phá hoại, nghệ thuật thời trung cổ trên cơ bản thuộc về giai đoạn mò mẫm từ trong hoại diệt của nền văn minh lần trước, cho nên mãi cho đến thời kỳ nghệ thuật phục hưng mới đi đến thành thục.

Trong thời gian đó đã trải qua mỹ thuật thời kỳ đầu của Cơ Đốc giáo, sùng bái mỹ thuật cung điện, phong cách mỹ thuật Roman và phong cách nghệ thuật Gothic, từ kiểu dáng mặt phẳng mang tính trang trí, dần dần từng bước hướng đến tả thực tự nhiên; từ mô thức nghiêm trang kính cẩn, kìm hãm cảm xúc của các biểu tượng trong tôn giáo dần dần phát triển biểu hiện ôn hòa của nhân tính hóa, báo trước sự bắt đầu của văn hóa phục hưng. Một đoạn quá trình phát triển này, chính là giai đoạn “thành” của nghệ thuật nhân loại hưng khởi trở lại lần nữa.

“Thành” – Thời Trung Cổ đến thời kỳ hưng thịnh của Văn hóa Phục Hưng

Châu Âu từ thế kỷ 14-16, về phương diện văn hóa, nghệ thuật đã xuất hiện bước phát triển mạnh mẽ và mau chóng chưa từng có, đã tạo nên một thời kỳ sáng tác và hoạt động trii thức vĩ đại, được gọi là “Văn hóa Phục Hưng”. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chưa đến 200 năm, mỹ thuật của nhân loại đã từ không thành thục đạt đến đỉnh cao. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa và nghệ thuật các loại trong thời Văn hóa Phục Hưng đều đã có được những thành tựu khả quan; đặc biệt trên lĩnh vực hội họa, kỹ pháp (kỹ xảo và phương pháp) của nhân loại lần đầu tiên đã đạt đến cảnh giới tả thực giống y như thật chưa từng có trước đây.

Bởi mọi người lần nữa đã phát hiện vẻ đẹp của nghệ thuật Hy Lạp, La Mã cổ đại trong cổ vật, đã đề xướng học tập nguyên tắc mỹ thuật cổ điển. Lấy việc đạt đến kỹ pháp biểu hiện của lý tính, hài hòa, chuẩn xác, sống động. Thêm vào đó chủ nghĩa nhân văn đề xướng lấy tinh thần con người làm trung tâm. Các nhà nghệ thuật đã từ trong quan sát tự nhiên học cách thể hiện tính chân thực như thế nào, hơn nữa lấy loại phương thức tả thực này để miêu tả Thần và câu chuyện tôn giáo, từ đó kéo gần khoảng cách giữa Thần và con người.

Vì vậy về mặt nội hàm trong sáng tác của nghệ thuật văn hóa Phục Hưng, tín ngưỡng đối với Thần đã gìn giữ giá trị chính diện của cái thiện và cái đẹp trong sáng tác mĩ thuật; đã xây dựng lại tinh thần cổ điển và hình thức hoàn mỹ của kiểu thức Apollo cho nền văn minh của nhân loại cận đại; cũng đã dựng nên kiểu mẫu và tiêu chuẩn vĩnh hằng trong đánh giá nghệ thuật cho hậu thế.

Mọi người thường xếp thành tựu của ba nhà nghệ thuật vĩ đại: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raffaello với thời kỳ hưng thịnh của Văn nghệ Phục Hưng. Rất nhiều tác phẩm của họ đến ngày hôm nay vẫn được cho là những tác phẩm kinh điển. Thiên thượng ban cho những nhà nghệ thuật này tài hoa, đồng thời cũng đã ủy thác chọ họ sứ mệnh lịch sử dẫn dắt nghệ thuật của nhân loại đi đến thành thục, để cho mọi người biết được cái gì là đẹp, cái gì là nghệ thuật chân chính, và hoàn thành tác phẩm như thế nào.

Kỹ nghệ tả thực khiến bức tranh giống như thật. (Ảnh: Internet)

Da Vinci cho rằng chỉ có “chân thật” mới là ý chỉ của Thượng Đế. Vì để miêu tả nhân vật một cách chân thật, Da Vinci đã đem xem hội họa là một môn khoa học, không chỉ đi sâu nghiên cứu tỷ lệ số học và giải phẫu nhân thể cơ thể người, còn thường xuyên quan sát ngôn ngữ của thần sắc, động tác và tứ chi con người. Ông cho rằng điều quan trọng nhất của nghệ thuật, là cần phải lột tả ra được “chiều hướng linh hồn” của nhân vật; cũng chính là tâm lý, tình cảm, khí chất và mục đích nội tại của nhân vật. Da Vinci giỏi vận dụng kỹ xảo sơn dầu, đặc biệt là kỹ thuật Sfumato, thần tình của nhân vật được miêu tả ra tinh tế đến mức không thể nắm bắt được.

Leonardo da Vinci ghi chép về nghiên cứu giải phẫu người. (Ảnh: Internet)
Thời kỳ Văn hoá phục hưng, hoạ sĩ lấy phương pháp thấu thị để biểu hiện không gian. (Ảnh: Internet)

Michelangelo thì lấy vẻ đẹp cứng cáp mạnh mẽ, khoáng đạt của thân thể người chấn động người xem. Ông cho rằng hình tượng của con người là hình tượng chí cao vô thượng mà Thượng Đế ban cho, lại là gông xiềng ở thế gian của linh hồn. Vì vậy ông lấy thân thể người là đề tài duy nhất, sáng tác ra những tác phẩm đồ sộ có một không hai với khí thế hùng hồn. Michelangelo tuy ít có tác phẩm tranh sơn dầu, nhưng tác phẩm về thân thể người của ông rõ ràng lại khỏe khoắn, sắc thái thiên biến vạn hóa có thể nói là đạt tới đỉnh cao, có ảnh hưởng to lớn sâu sắc đối với tranh vẽ nhân vật của người đời sau.

Bức bích họa “Sáng Thế Kỷ” và “Phán Xét Cuối Cùng” trong Nhà nguyện Sistina, từ sáng tạo khai sáng trời đất và nhân loại, nguồn gốc của tội lỗi và sự sa ngã, báo trước của lời tiên tri, mãi cho đến chư Thần giáng hạ và phán xét cuối cùng, đã triển hiện áng thơ vĩ đại của vũ trụ và lịch sử nhân loại. Trong kết cấu khí thế hào hùng, mọi người đã nhìn thấy được sự trang nghiêm của Thần, thiên lý thiện ác hữu báo, cảm nhận được sự chấn động và dẫn dắt sâu sắc.

Cảnh trong “Phán xét cuối cùng” của Michelangelo: Thiên thần sẽ đưa ác nhân đánh xuống địa ngục. (Ảnh: Internet)

“The Virgin and Child” (Trinh nữ và những đứa trẻ) của Raffaello sáng tác lấy phong cách điềm tĩnh ưu mỹ, khung cảnh trong bức tranh để lộ ra ánh hào quang thánh khiết. Thuận theo sự trưởng thành trong nghệ thuật, Raffaello đã tiếp thu trí huệ và kinh nghiệm của các bậc họa sĩ tiền bối. Ngoài việc kế thừa kết cấu và phác họa của họa sĩ Florence, cũng đã nắm giữ khuynh hướng cảm xúc tinh tế tỉ mỉ của tranh sơn dầu Bắc Âu; học được cách bố trí tiết tấu và trật tự trong hình tượng một lớp nhân vật từ Da Vinci, lại học được kết cấu thân thể người và khí thế hùng hồn từ Michelangelo; có thể nói là người hội tụ hội hết thảy ưu điểm trong hội họa Văn nghệ Phục Hưng. Bức tranh của ông có nền tảng mỹ học cổ điển hài hòa trang trọng; lại có thể kết hợp tinh thần thời đại, sáng tác ra những bức tranh sinh động phong phú nhân tính và sức hấp dẫn của hí kịch.

Đương nhiên, những người có cống hiến to lớn trong thời kỳ hưng thịnh của văn nghệ Phục Hưng còn bao gồm các nhà nghệ thuật phương Bắc cẩn thận chặt chẽ tinh tế và họa sĩ Venezia với màu sắc biến hóa phong phú, đều là những người có công khiến cho hình thức nghệ thuật của văn nghệ Phục Hưng càng trở nên phong phú và hoàn chỉnh.

“Trụ” – Thời hưng thịnh của Văn nghệ Phục Hưng đến thế kỷ 19

Nghệ thuật trong thời kỳ hưng thịnh của Văn nghệ Phục hưng một khi đạt đến đỉnh điểm, trở thành kinh điển; gần như cũng đã định hình nghệ thuật cho đời sau. Giang sơn đã có người tài xuất hiện, tiêu chuẩn nghệ thuật của hơn hai trăm năm từ đó về sau, có thể nói đều đã duy trì đến ở cao độ nhất định sau khi thành thục.

Chỉ là nếu như lấy lý tính, hình thức hoàn mỹ, chuẩn xác của tiinh thần cổ điển và chất lượng sáng tác chặt chẽ cẩn thận làm tiêu chuẩn, thì vì thời đại khác nhau, khu vực khác nhau sẽ vì tập tục xã hội và bối cảnh khác nhau mà có sự khác biệt. Ví như sự lộng lẫy khoa trương, cảm xúc mãnh liệt trong tôn giáo và bút pháp phóng khoáng được theo đuổi trong thời kỳ Baroque, nói nó là tinh thần cổ điển Apollo, chi bằng là bảo tới tiếp cận cảm xúc mãnh liệt của kiểu Thần rượu Dionysus. Cũng bởi khổ tranh lớn hơn, khiến cho bút pháp hội họa trở nên giản lược, chi tiết thứ yếu của tranh vẽ có thể bị đơn giản hóa. Còn phong cách Rococo thì đã phản ánh hưởng lạc đồi phế của giới quý tộc.

Chủ nghĩa cổ điển mới xuất hiện cuối thế kỷ 18 thì đề xướng mỹ học kiểu Apollo lần nữa. Dưới bầu không khí của chủ nghĩa lý tính và sự ưa chuộng đối với khảo cổ Popeii, đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm lấy Hy Lạp, La Mã cổ làm đề tài, biểu hiện sự trang trọng, hướng đến cái đẹp cân đối.

Tuy nhiên, bởi vì cục diện thế giới hỗn loạn do các cuộc cách mạng lớn tạo thành, và sự cổ súy đối với tự do và cá nhân, khiến cho chủ nghĩa lãng mạn rất mau chóng đã khởi lên và thay thế: Kết cấu rối loạn không yên, màu sắc đậm đặc và bút pháp thô kệch, tàn sát bi tình, khung cảnh tai họa … khẩu vị của quần chúng lần nữa lại hướng về cảm xúc mãnh liệt, phóng đãng kiểu Thần rượu. Trên thực tế, nhìn từ chi tiết bức vẽ của hội họa, sự khác biệt giữa cổ điển và lãng mạn không chỉ ở chỗ biểu hiện phong cách bề mặt, mà đối với trình độ kỹ năng cơ bản cũng có sự khác biệt.

Bức tranh “Oath of the Horatii” của Jacques-Louis David. Trong một cuộc tranh chấp giữa Rome và Alba Longa, các nam chiến binh đã lựa chọn chết vì đất nước của mình – nội dung của bức tranh vẽ vào thế kỉ 18. (Ảnh: Internet)

Ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn tiếp tục kéo dài tới chủ nghĩa tả thực. Tả thực” ở đây không phải là chỉ kỹ năng phương pháp, mà là khắc họa như thực đối với hiện tượng xã hội và con người, sự việc, sự vật. Ví dụ như họa sĩ người Pháp Gustave Courbet đã từng nói: “Tôi chỉ vẽ sự vật mà con mắt nhìn thấy được”. Nhưng dưới sự ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề xã hội và sự xuống dốc của đạo đức đương thời, khiến cho các nhà họa sĩ phần nhiều lấy bệnh thái và mặt tối của nhân tính làm đề tài; không còn nhấn mạnh khát vọng hướng đến cái đẹp nữa.

Chủ nghĩa tả thực biểu hiện những mặt tối của bản chất con người, không hề cường điệu lý tưởng. (Ảnh: Internet)

Chủ nghĩa lãnh mạn và chủ nghĩa hiện thực, cũng đã lót đường cho sự xuất hiện của phái ấn tượng sau này.

“Hoại” – Phái ấn tượng đến chủ nghĩa hiện đại

Những năm 70 của thế kỷ 19, phái ấn tượng đã nhảy lên vũ đài của lịch sử nghệ thuật, cũng đã tuyên bố chủ nghĩa hiện thực bắt đầu. Rất nhiều người cho rằng phái ấn tượng là mang đến quan niệm và kỹ pháp tiến bộ cho hội họa. Phái ấn tượng tuy đã mượn dùng lý luận và danh từ của khoa học, nhưng trên thực tế khi sáng tác hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan để phân giải ánh sáng màu sắc, chứ không phải là “khoa học” và “lý tính”. Hơn nữa những họa sĩ của trường phái ấn tượng khi sử dụng màu sắc cũng đã hy sinh kết cấu, vẻ bề ngoài và khuynh hướng cảm xúc của vật thể, mà tiến nhập vào một loại trải nghiệm hoảng hốt, mơ hồ, hoang tưởng của thị giác, thực chất cũng là thuộc về thể nghiệm phi lý tính kiểu Thần rượu.

Từ đó về sau các nhà nghệ thuật càng lúc càng nhấn mạnh cảm nhận chủ quan, gắng sức theo đuổi phong cách cá nhân, thoát khỏi truyền thống. Thế là, khái niệm trong kết cấu không gian, sáng tối, khuynh hướng cảm xúc, kết cấu thân thể người được xây dựng bởi các danh họa của thời Văn nghệ Phục Hưng đã dần dần biến mất, thậm chí bị vứt bỏ hoàn toàn. Thêm vào đó, các nhà nghệ thuật cho rằng nghệ thuật cần phải “độc lập tự tại”, coi tính miêu tả hoặc biểu hiện giá trị đạo đức là sự trói buộc đối với nghệ thuật. Kết quả, hội họa chỉ chú trọng vẻ bề ngoài và thiếu hụt nội hàm. Thật ra, điều mà phái ấn tượng cho đến nghệ thuật hiện đại sau này vứt bỏ chính là trí huệ kinh nghiệm của người trước đã tích lũy hàng mấy trăm năm, vốn là nghệ thuật chính thống có nội hàm cao thượng, vẻ đẹp lý tưởng và công phu tả thực đáng được tự hào nhất của Tây phương.

tác phẩm của William-Adolphe Bouguereau, bậc thầy kiên trì với trường phái cổ điển.
Tác phẩm của Pierre-Auguste Renoir thuộc trường phái ấn tượng.

Nếu như đem hai bức tranh ở cùng thời đại mà so sánh một cách công bằng, một là tác phẩm của William-Adolphe Bouguereau, bậc thầy kiên trì với trường phái cổ điển; một bức là tác phẩm của Pierre-Auguste Renoir thuộc trường phái ấn tượng. Hiển nhiên trên phương thức xử lý về kết cấu cơ thể người, vẻ bề ngoài, khuynh hướng cảm xúc, màu sắc của hai người có một sự khác biệt một trời một vực, phẩm vị cũng khác nhau rất lớn. Dù cho sở thích cá nhân có thể khác nhau, nhưng lấy kỹ thuật mà nói, thì cái nào càng chuẩn xác, kết cấu chặt chẽ hơn, độ khó cao hơn, tiếp cận với cái đẹp hơn đây? Liệu cái mới có thật sự là tiến bộ hơn hay không?

“Diệt”?

Nghệ thuật chính là một tấm gương phản chiếu của thời đại, phản ánh chân thật giá trị quan và thẩm mỹ quan của con người đương thời. Vậy nên vào thời đạo đức xuống dốc, thị phi bất phân, những thứ xấu ác được tuyên dương, những thứ tốt đẹp bị khinh miệt, thì cũng không có gì là lạ cả.

Nghệ thuật trong quá khứ coi trọng “Chân, Thiện, Mỹ”, thăng hoa nhân tâm. Hiện đại cho rằng sáng tác chính là cần phải theo đuổi những cái mới mẻ khác lạ, lấy những cái gọi là “phản truyền thống”, “tiền vệ” làm sự tiến bộ của nghệ thuật. Dưới quan niệm “cái gì cũng đều có thể là nghệ thuật”, thì nghệ thuật không những đã trở nên rẻ tiền, mà cũng đã mất đi tiêu chuẩn. Vậy nên mới đầy rẫy hững thứ, nào là phản nghệ thuật, phi nghệ thuật, theo đuổi hoang đường, không có quy luật khách quan, trống không … lấy hỏng làm tốt, lất xấu làm đẹp, những thứ sắc tình, bạo lực, máu me, yêu ma quỷ quái … không chút kiêng kỵ gì, đều lấy danh của nghệ thuật chuyển vào trong điện đường; làm cho ô nhiễm nhân tâm, làm đảo lộn giá trị quan của thế giới.

Sự bại hoại của nghệ thuật hiện đại. (Ảnh: Internet)

Những hiện tướng bại hoại này, từ sớm đã vượt quá cả kích thích tình cảm mãnh liệt của Dionysus, bày biện ra những thứ phá hoại mang tính hủy diệt.

Nhân loại phát triển cho đến hôm nay, nguy cơ sinh tồn bao phủ bốn bề; môi trường tự nhiên bị phá hoại nghiêm trọng, đạo đức xã hội không còn, những hiện tượng hỗn loạn liên tục phát sinh. Dưới bối cảnh như vậy, nghệ thuật hiện đại mất đi tiêu chuẩn tuyệt đối không phải là mỹ cảnh phát triển gì; mà là ở vào giai đoạn lịch sử tương ứng với “hoại”, thậm chí là “diệt”.

Tuy nhiên, quy luật của lịch sử là tuần hoàn lặp lại, trong “hoại”, “diệt” sẽ có đào thải, cũng sẽ thai nghén sự sinh thành của cái mới. Sinh mệnh đều là hướng về bản tính quang minh mỹ hảo, nếu như con người có thể tìm về giá trị quan của sự thiện lương, chính diện, nghệ thuật vẫn sẽ có sự hồi thăng, tiến nhập vào phục hưng lần sau.

Bức tranh “Sau lễ diễu hành” của Triển lãm nghệ thuật Chân -Thiện – Nhẫn. (Ảnh: Internet)

Hiện nay, “Triễn lãm mỹ thuật quốc tế Chân Thiện Nhẫn” được triển lãm ở khắp nơi trên thế giới, chính là đang dẫn dắt sự phục hưng lần này.

Tiểu Thiện, dịch từ zhengjian.org