Tinh Hoa

Thằng gù Nhà thờ Đức Bà và tâm nguyện thầm lặng của Victor Hugo

Thằng gù Nhà thờ Đức Bà là một tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào người Pháp Victor Hugo. Cuốn tiểu thuyết được xem như một bản “nhân hùng ca” của văn học nhân loại. Thế nhưng, bạn sẽ phải bất ngờ vì mục đích chủ yếu của ông khi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này.

Bộ phim Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà được lấy ý tưởng từ tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo. (Ảnh: Internet)

Victor Hugo đã nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ và nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố.

Victor Hugo bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà vào năm 1829, với mục đích chủ yếu để những người cùng thời với ông ý thức hơn về giá trị của kiến trúc Gothic, đã bị bỏ quên và phá hủy để thay thế bằng những tòa nhà hiện đại, hoặc bị thay thế một số bộ phận với phong cách mới làm mất đi vẻ đẹp ban đầu.

Chẳng hạn như, những tấm kính màu thời trung cổ của Nhà thờ Đức Bà Paris được thay thế bằng kính trắng để ánh sáng chiếu vào nhiều hơn.

Điều này giải thích cho những phần mô tả về nhà thờ trong cuốn sách lại vượt xa yêu cầu của câu chuyện.

Vài năm trước đó, Hugo cũng xuất bản một bài báo đặc biệt mang tên Guerre aux Démolisseurs (tạm dịch: Cuộc chiến với những kẻ phá hoại) nhằm bảo tồn kiến trúc thời trung cổ ở Paris.

Hugo đã thỏa thuận với nhà xuất bản Gosselin, cuốn sách sẽ được hoàn thành trong năm 1829, nhưng ông liên tục trì hoãn do nhu cầu của các dự án khác.

Vào mùa hè năm 1830, Gosselin yêu cầu Hugo hoàn thành cuốn sách vào tháng 2/1831. Thế nên bắt đầu từ tháng 9/1830, Hugo đã làm việc không ngừng nghỉ cho dự án. 6 tháng sau, cuốn sách được hoàn thành.

Cửa trái mặt Tây của nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: Internet)

Thằng gù Nhà thờ Đức Bà là công trình tiểu thuyết đầu tiên bao trùm toàn bộ cuộc sống, từ nhà vua của nước Pháp cho đến những con chuột cống ở Paris.

Victor Hugo đã diễn tả câu chuyện như một kịch trường vĩ đại về lịch sử của cả một dân tộc, hiện thân qua bối cảnh nhà thờ như một nhân chứng và nhân vật chính thầm lặng của lịch sử thời đó.

Đây cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên nói đến những người nghèo hèn, hành khất, những người bị coi như thành phần bất hảo được xem như nhân vật chủ chốt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Cấu trúc mặt sau của nhà thờ. (Ảnh: Internet)

Sự phổ biến rộng rãi của cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1831 ở Pháp đã thúc đẩy phong trào tu bổ những kiến trúc mang tính lịch sử và cổ vũ mạnh mẽ cho việc phục hưng kiến trúc Gothic.

Cuối cùng, nó đã dẫn đến cuộc trùng tu lớn tại Nhà thờ Đức Bà bắt đầu vào năm 1844, được dẫn dắt bởi kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc. Phần lớn diện mạo của nhà thờ hiện nay là kết quả của công cuộc phục hưng này.

Theo Vintage News