Công nương Meghan Markle là người đã phá vỡ các quy tắc lâu đời của điện Buckingham khi có thân thế đa chủng tộc. Nhưng khi lần giở lại lịch sử nước Anh, chúng ta sẽ phải đặc biệt chú ý đến hoàng hậu Sophia ở thế kỷ 18.
Ngày 19/5/2018 được xem là một ngày lịch sử của hoàng gia Anh khi hoàng tử Harry đã chính thức kết hôn với một cô gái thường dân, 36 tuổi và đã qua một đời chồng – Meghan Markle.
Và mặt dù Markle đã chính thức trở thành công nương Anh, báo chí vẫn không thôi xoay quanh vấn đề chủng tộc của Markle. Đó là bởi vì Markle đã viết trong tạp chí ELLE tháng 7/2015 rằng cô là con lai, cha là người da trắng và mẹ da đen.
Ý nghĩa lịch sử của việc Markle bước chân vào Hoàng gia Anh đã rõ ràng, đặc biệt khi phóng viên DeNeen L. Brown của tờ Washington Post đã chỉ ra: Markle có phải là người phụ nữ lai da đen đầu tiên kết hôn với người trong hoàng gia Anh?
Như Brown giải thích, câu trả lời khá là phức tạp. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học người châu Phi Mario De Valdes y Cocom, học giả này nói với Brown rằng bà không chỉ nghiên cứu trường hợp của Markle mà còn có hoàng hậu cuối thế kỷ 18 Sophia Charlotte của xứ Mecklenburg-Strelitz. Đây là hoàng hậu lai đen và trắng đầu tiên của nước Anh.
Vậy hoàng hậu Charlotte chính xác là ai? Dưới đây là 5 điều cần biết về hoàng hậu này:
1- Bà có thể đã được chọn làm vợ của vua George III
Hoàng hậu Charlotte (1744-1818) là con gái út trong gia đình có 8 anh chị em của Công tước Charles Louis Frederick và Nữ công tước Elizabeth Albertine. Khi 17 tuổi, bà từ Đức đến Anh để kết hôn với vua George III. Phóng viên Brown của tờ Washington Post cho rằng, có nhiều khả năng là mẹ của vua George III đã chọn Chalotte cho ông.
2- Bà hoàng với 15 đứa con
Sau khi hoàng hậu Charlotte kết hôn với George III năm 1761, bà đã sinh cho ông 15 người con. Quá trình mang thai liên tục đã khiến bà mòn mỏi.
Theo một đoạn trong quyển sách của Janice Hadlow – Gia đình kỳ lạ: Cuộc sống riêng tư của George III, Nữ hoàng Charlotte và thành viên gia đình Hanover, năm 1780 bà đã viết về việc mang thai đứa con thứ 14, hoàng tử Alfred như sau: “Tôi không nghĩ rằng tù nhân mong muốn được tự do hơn so với việc tôi muốn thoát khỏi gánh nặng của mình và kết thúc chuỗi hoạt động này. Tôi sẽ rất vui nếu biết đây là lần cuối cùng”.
Tiếc rằng hoàng tử Alfred chỉ sống được 2 năm. Sau khi được tiêm ngừa vi rút bệnh đậu mùa thì hoàng tử ngã bệnh và mất năm 1782. Ngay sau đó, hoàng tử Octavius, lớn hơn hoàng tử Alfred 19 tháng, cũng qua đời vì bệnh đậu mùa năm 1783.
Patrick Sawer đã thuật lại cho tờ Telegraph hồi đầu năm nay, rằng hoàng hậu hết sức đau buồn và khó vượt qua được trước cái chết của các con mình. Bức thư hoàng hậu Charlotte viết cho người vú em của hoàng tử xấu số Alfred đã được công bố ra công chúng và là một phần của dự án lưu trữ trực tuyến hoàng gia đang được triển khai.
Trong bức thư này, gửi đến Phu nhân Charlotte Finch, Nữ hoàng Charlotte đã viết: “Hãy nhận lấy bình đựng di cốt này để thể hiện rằng ta đã hiểu hết về sự chăm sóc hết sức trìu mến của bà đối với thiên thần bé nhỏ yêu dấu Alfred của ta, và hãy mang bên mình món tóc được gửi kèm này, không chỉ để nhớ đến như một kỷ vật yêu dấu, mà còn là dấu hiệu quý trọng từ hoàng hậu Charlotte yêu mến của bà”.
3- Vị hoàng hậu luôn ủng hộ các nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng
Theo tác phẩm Những cuộc đời của các hoàng hậu và đức vua Anh của H. Eugene Lehman, nhà soạn nhạc người Đức Johann Christian Bach xem hoàng hậu Charlotte là bạn và người ủng hộ của ông. Thậm chí bà còn giúp ông có được vị trí nhạc sĩ hoàng gia trong triều đình vua George III, sau khi cố nhạc sĩ George Frideric Handel mất sau quảng thời gian làm nhạc sĩ hoàng gia cho các đời vua George I và George II.
Hoàng hậu cũng có ảnh hưởng đến cuộc đời của Wolfgang Amadeus Mozart. Theo Olwen Hedley, nhà viết tiểu sử của Nữ hoàng Charlotte: “Là một người mẹ trẻ, [hoàng hậu Charlotte] đã thể hiện tính phóng khoáng đối với cậu bé 8 tuổi Wolfgang Amadeus Mozart khi cậu và gia đình đến thăm nước Anh năm 1764”. Sau đó, Mozart viết nên 3 tác phẩm opera trước sự ngạc nhiên của hoàng hậu. Mở đầu lời đề tặng do Mozart viết được dịch sang tiếng Anh như sau:
“Tràn ngập tự hào và vui sướng khi cả gan dâng lên Người một vật phẩm để tỏ lòng tôn kính, thần đã hoàn thành xong những bản sonate này để đặt dưới chân danh hiệu Hoàng hậu cao quý của Người; thần thú nhận rằng thần đã cuồng say với phù hoa và rộn ràng vui sướng về bản thân khi thần nhận thấy những vị thần âm nhạc gần gũi bên cạnh thần”.
4- Bằng chứng cho thấy hoàng hậu Charlotte có thể có huyết thống người da đen trong gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha, nhưng đó chưa phải là kết luận cuối cùng.
De Valdes y Cocom thuật lại với phóng viên Brown của tờ Washington Post rằng, có bằng chứng cho thấy hoàng hậu Charlotte kế thừa huyết thống từ thân quyến người da đen trong gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha. Mặc dù hoàng hậu Charlotte là người Đức, nghiên cứu của De Valdes y Cocom cho thấy hoàng hậu kế thừa huyết thống trực tiếp của một chi hệ gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha, có họ với Margarita de Castro e Souza, một phụ nữ quý tộc Bồ Đào Nha thế kỷ thứ 15 cách biệt 9 đời.
Năm 2009, Stuart Jeffries ở tờ The Guardian đã viết bài về Nữ hoàng Charlotte rằng, dòng họ de Castro e Souza bắt nguồn từ vua Alfonso III ở thế kỷ thứ 13 và người tình Madragana của ông, là một người Moor.
Người Moor ở Tây Ban Nha đến từ Bắc Phi. Tuy nhiên, Ania Loomba, một giáo sư về chủng tộc và chủ nghĩa thực dân tại Đại học Pennsylvania kể trên trang Inquirer rằng, chỉ mỗi điều này không thể chứng minh đặc tính chủng tộc của dòng họ de Castro e Souza. “Từ ‘blackamoor’ (da đen) trong thời đại Shakespeare dùng để chỉ người Hồi giáo, không nhất thiết là da đen”, Loomba nói với tờ Inquirer.
Tuy nhiên, có một lập luận thuyết phục về việc hoàng hậu Charlotte có kế thừa dòng máu lai da đen hay không; như De Valdes y Cocom tranh luận trong “The Blurred Racial Lines of Famous Families” (Ranh giới chủng tộc mập mờ ở những gia đình nổi tiếng) trên trang PBS Frontline: Qua lời kể của người đương thời với hoàng hậu Charlotte, vẻ ngoài của bà “có diện mạo châu Phi không thể nào nhầm lẫn”.
5- Tuy nhiên, người ta đã làm mờ đường nét châu Phi trong những bức chân dung của hoàng hậu Charlotte.
Bài đăng của bà De Valdes y Cocom ở trang PBS Frontline giải thích rằng, các nghệ sĩ vẽ hoàng hậu Charlotte không nhắm đến việc vẽ chân dung chính xác cho bà. Bà De Valdes nhấn mạnh: “Các đặc điểm… [da đen] trong chân dung của hoàng hậu dĩ nhiên có ý nghĩa chính trị vì thế các họa sĩ trong thời kỳ đó đã được mong đợi giảm xuống, làm dịu hoặc thậm chí tẩy đi các đặc điểm không được ưa thích trên khuôn mặt bà”.
>>> Giải chỗ mê về “thân thế” của Mặt Trăng: 7 chứng cứ lớn gây chấn động
>>> Phép lạ tàu Liberty – Câu chuyện có thật đến khó tin
Xuân Nhạn, theo SOM