Tinh Hoa

Những khám phá thú vị ở Ai Cập trong năm 2014

Là một trong những vùng đất ra đời các nền văn minh sớm nhất thế giới, Ai Cập là kho tàng tri thức bất tận, bí ẩn mà con người vẫn chưa thể khám phá hết.

Dưới đây là 5 khám phá thú vị ở Ai Cập trong năm 2014.

1. Người Ai Cập đã thử nghiệm phương pháp ướp xác từ 6.500 năm trước.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE cho biết, theo các phát hiện liên quan đến những vỏ bọc thi thể người chết có tẩm nguyên liệu ướp xác tại một ngôi mộ thời kỳ đồ đá mới ở Thượng Ai Cập, người Ai Cập cổ đại đã thử nghiệm hoặc sử dụng phương pháp ướp xác sớm hơn ít nhất 1.500 năm so với giả thuyết đặt ra trước đây.

 

Các tấm vải liệm đã được đặt tại Bảo tàng Bolton ở Anh trong gần 1 thế kỷ kể sau khi được đào lên từ các nghĩa trang thời tiền sử tại Badari và Mostagedda ở Thung lũng sông Nile.

2. Ngôi mộ tiền triều đại 5.600 năm tuổi

Một ngôi mộ vô cùng quý hiếm có chứa một xác ướp còn bảo quản tốt và nhiều hiện vật được xây dựng trước thời kỳ Vương triều đầu tiên.

Ngôi mộ 5.600 năm tuổi được tìm thấy tại khu khai quật Nekhen. Chủ nhân ngôi mộ đã chết ở độ tuổi thanh thiếu niên, các hiện vật bao gồm một bức tượng người đàn ông bằng ngà voi, 10 chiếc lược ngà cùng các công cụ, lưỡi mác và mũi tên, đây là một trong những ngôi mộ tiền triều đại giàu nhất đã được phát hiện.

3. Phát hiện vị Pharaoh mới của Ai Cập – Vua Seneb Kay

Tháng Giêng năm 2014, nơi chôn cất và hài cốt của một vị Pharaoh chưa từng được biết đến, từng cai trị cách đây hơn 3.600 năm trước đã được tìm thấy. Hài cốt của vua Seneb Kay được phát hiện tại Nam Abydos ở tỉnh Sohag, cách Cairo khoảng 500 km về phía nam.

Tên của vua Seneb Kay được tìm thấy trên một biểu tượng hình bầu dục khắc tên và tước hiệu của Pharaoh. Vua Saneb Kay được đặt vào một quan tài gỗ trong một ngôi mộ bằng đá không có mái và bị hư hỏng nặng. Ban đầu Saneb Kay đã được ướp xác nhưng cơ thể của ông đã bị những kẻ trộm mộ phá hủy và chỉ còn lại phần hài cốt. Không có đồ tùy táng trong ngôi mộ, rất có khả năng chúng đã bị đánh cắp trong thời cổ đại.

4. Vua Tutankhamun qua đời do giao phối cận huyết

Tháng 11/2013, các nhà khoa học thông báo đã lý giải được nguyên nhân bí ẩn dẫn đến cái chết của vua Tutankhamun. Vị vua trẻ được cho là đã thiệt mạng do tai nạn gây ra bởi một chiếc xe ngựa chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, kết quả ‘khám nghiệm tử thi ảo’ xác ướp của Tutankhamun lại cho thấy vị vua thứ 11 của Vương triều 18 đã qua đời vì khiếm khuyết di truyền bởi cha mẹ là anh em ruột.

5. Hơn 50 xác ướp Ai Cập hoàng gia được khai quật ở Thung lũng các vị Vua

Một ngôi mộ lớn ở Bờ Tây sông Nile chứa hơn 50 thành viên Ai Cập hoàng gia, gồm 4 hoàng tử, 8 công chúa và một số trẻ sơ sinh.

Ngôi mộ 3.300 năm tuổi được phát hiện khi các nhà nghiên cứu thăm dò mặt đất và đi qua một hầm dài 5m, một hành lang, 4 căn phòng đã bị cướp bóc và bỏ hoang trong thời cổ đại.

Nhóm khảo cổ thuộc ĐH Basel ở Thụy Sỹ đã khai quật khu vực này từ năm 2009, họ tìm thấy vải dệt, băng cuốn xác ướp, vải lanh, xương và các đồ tùy táng khác nằm rải rác trong mộ. Những hiện vật giá trị có khả năng đã bị đánh cắp từ những thế kỷ trước.

Hồ Duyên – Theo Ancient Origins