Chuyện luân hồi nhân quả, huyền bí sâu xa, lắm mối nợ duyên khó nói cho tường tận. Đời người chuyển thế bao lần, vận mệnh đều là do ân oán nghiệp quả kiếp trước mà tạo nên. Từ thứ dân đến quốc gia toàn thể đều không thoát khỏi sự định đoạt của ý trời.
Ngô Việt vương trong mộng thề sẽ lấy lại giang sơn
Tống Cao Tông an phận ở vùng phía Nam, không hề nghĩ đến chuyện thu phục lãnh thổ phương Bắc vậy mà lại bị người Kim chiếm lĩnh. Có người cho rằng Cao Tông chỉ thích hưởng lạc, không có năng lực; cũng có người cho rằng sau khi thu hồi giang sơn, bản thân đã hai tay dâng Hoàng vị cho cha anh của mình. Tuy nhiên, dựa theo ghi chép trong “Tây Hồ nhị tập”, lại có một nguyên nhân khác, Tống Cao Tông vốn không phải là người không có chí lớn.
Theo ghi chép trong “Tây Hồ nhị tập”, một ngày kia Huy Tông ở trong cung, cùng với Trịnh phi đi chơi núi Cấn trở về, uống rượu xong liền đi nghỉ. Bỗng cửa cung “két” một tiếng mở ra, có một người xông vào, Huy Tông giật mình nói: “Ông là đế vương của triều đại nào? Đêm khuya đến đây, rốt cuộc là có việc gì?”.
Người kia mở miệng nói: “Ta chính là Ngô Việt vương Tiền Lưu. Lúc sinh thời đã cực khổ chinh chiến giành được 14 vùng giang sơn, tổ tông của ông không tốn một mũi tên, mà dùng kế cướp mất giang sơn của ta. Theo lý mà suy, hôm nay cũng nên trả lại cho ta rồi”.
Huy Tông nói: “Đây là chuyện của tổ tông Trẫm, sao ông ngày trước không nói, hôm nay lại đến đòi nợ Trẫm kia chứ, đây là đạo lý gì?”.
Ngô Việt Vương nói: “Vật tự có chủ, ta đã chờ đợi rất lâu rồi, hôm nay nhất định phải trả lại giang sơn cho ta, nếu không thì sẽ không được yên đâu”.
Huy Tông im lặng không trả lời.
Ngô Việt vương lớn tiếng quát: “Con cháu ta sẽ mau chóng vào triều, sẽ thay ta giành lại giang sơn? Lúc đấy quyết không bỏ qua”. Nói xong, liền bỏ vào hậu cung. Huy Tông quát lên một tiếng, giật mình tỉnh giấc, thì ra chỉ là một giấc mơ, mồ hôi vã khắp người, liền đem chuyện này kể lại cho Trịnh phi nghe.
Trịnh phi nói: “Thiếp cũng mơ thấy như vậy, không biết rốt cuộc là điềm báo gì. Nghĩ rằng bậc anh hùng như Ngô Việt vương, sao tự nhiên lại có chuyện như vậy”. Nói xong, bỗng có người trong cung đến báo rằng Vi phi đã sinh con, chính là Cao Tông sau này. Huy Tông và Trịnh phi không khỏi kinh ngạc, lòng đều thầm biết rằng đó là Ngô Việt vương chuyển thế. Ba ngày tắm gội trai tịnh, Huy Tông đích thân ghé thăm, tay ôm đứa trẻ trên đầu gối, rất lấy làm vui mừng, nhìn kỹ một lượt, rồi nói với Vi phi rằng: “Sao gương mặt đứa trẻ lại rất giống với người Chiết Giang vậy?”. Vi phi cười lớn. Thì ra Vi phi tuy quê quán ở Khai Phong, nhưng nguyên quán vốn là Chiết Giang, vậy nên gương mặt tương đồng cũng không có gì là khó hiểu cả.
Cao Tông ra đời
Cao Tông là đứa con trai thứ 9 của Huy Tông, vốn không thể làm được hoàng đế, sao lại có được giang sơn? Trong thiên hạ quả thật là lắm chuyện li kì cổ quái, vẫn cứ xảo diệu mà thêu dệt nên. Về sau, Huy Tông dần dần trở nên vô đạo, lòng dân ly tán, những chuyện dị thường không ngừng xuất hiện, cáo chạy vào tẩm cung, kinh thành xảy ra lũ lớn, đàn bà mọc râu, đàn ông mang thai, quân nổi dậy khắp nơi. Huy Tông lại không tỉnh ngộ, không nghe những lời khuyên can của các bậc trung thần, cho đến khi quân Kim công phá thành Biện Kinh, Huy Tông bị bắt đi.
Lúc đó, Cao Tông được phong làm Khang Vương, đang ở Từ Châu, vì cái loạn giặc Kim, đành phải cưỡi ngựa đến Cự Lộc, không ngờ ngựa lại chết mất, đành phải dầm mưa đi bộ một mình, đến ngã ba đường, không biết phải đi đường nào. Bỗng có một con ngựa trắng dẫn đường đi trước, đi đến trước miếu của Thôi Phủ Quân, con ngựa trắng kia không thấy đâu nữa, trong lòng không khỏi lấy làm lạ. Đi vào trong miếu, thấy dưới hành lang có một con ngựa đất màu trắng, mồ hôi như mưa, mới biết là Thôi Phủ Quân hiển linh. Trong lúc nằm ngủ dưới hành lang, bỗng mơ thấy Thôi Phủ Quân dùng trượng dậm mạnh xuống đất, bảo ông hãy đi cho mau. Cao Tông vội vội vàng vàng xoay người đi, lại thấy con ngựa trắng kia dẫn đường đi trước, đến thung lũng Tà Kiều, may thay gặp được thần tử Cảnh Nam Chung dẫn theo một đoàn người ngựa đến đón, con ngựa trắng lúc nãy thoáng cái không thấy đâu nữa. Về sau Khang Vương lên ngôi ở Nam Kinh, chính là phủ Quy Đức ngày nay, lại bị quân Kim đuổi giết đành phải bỏ chạy tán loạn khắp nơi, mãi đến vùng đất Hàng Châu.
Cao Tông lên ngôi, định đô ở Lâm An
Nguyên là Tống Thái Tổ trước đây vào lúc xảy ra bình biến ở thị trấn Trần Kiều, đã từ cửa ải Nhân Hòa tiến vào. Hôm nay Cao Tông từ đường thủy đi qua Hàng Châu, nghe huyện có tên Nhân Hòa, rất lấy làm mừng rỡ, nói: “Kinh sư này thật tốt”, liền đổi Hàng Châu thành phủ Lâm An, và có ý đóng đô ở nơi này. Lại vì Ngô Việt Vương trước đây từng đóng đô tại đây, cũng đã xây dựng cung điện trên núi Phượng Hoàng, bên cạnh sông Thông Hoa, giống như thành Biện Kinh vậy. Ông vốn rất giống với Ngô Việt Vương, chỉ sống an phận ở một nơi, vậy nên không hề nghĩ đến việc thu phục lại Trung Nguyên, những mưu thần dũng tướng như: Tông Trạch, Nhạc Phi, Hàn Thế Tông, Ngô Lân dẫu có khuyên bảo ông thế nào, ông vẫn cứ nhất quyết không chịu, cũng không chịu rước Huy Tông, Khâm Tông trở về, cứ nhất quyết nghe theo lời của Tần Cối, chủ trương nghị hòa. Ông đã tô điểm lại một vùng sông núi như gấm như hoa, suốt ngày vui chơi hưởng lạc.
Từ đây có thế thấy được, cái kế an phận ở miền Nam, quả thật không phải là vô căn cứ. Hơn nữa lại đúng vào lúc chiến tranh nhiễu loạn, vậy mà ông lại một mực dồn hết tâm trí vào việc theo đuổi thư pháp hội họa. Những lúc nhàn rỗi, thì vui say với việc ca múa. Không ít tấu chương từ khắp nơi gửi về, nhưng lại không một chút bận tâm. Ông vốn không hề có chút lo lắng cho vận mệnh của giang sơn, như vậy rốt cuộc là vì sao? Chỉ là Ngô Việt vương an phận, Cao Tông cũng an phận; Ngô Việt Vương dựng đô ở Hàng Châu, Cao Tông cũng dựng đô ở Hàng Châu; Ngô Việt vương sống đến 81 tuổi, Cao Tông cũng sống đến 81 tuổi: từ đây đối chiếu, thật đúng là chuyện lạ. Xem ra Cao Tông chính là Ngô Việt vương chuyển thế, cũng không phải là không có căn cứ.
Triều đại nhà Đường xuất hiện Võ Tắc Thiên làm loạn triều chính, có ghi chép nói rằng đó là hoàng thất nhà Tùy năm xưa đã đệ đơn kiện lên trước mặt Ngọc Đế, có oán mà tạo thành cuộc đảo loạn này. Triều Tống lại xuất hiện triều đại Nam Tống lại cũng liên quan đến việc Triệu Khuông Dẫn năm xưa cướp đoạt giang sơn của con cháu Ngô Việt vương. Nếu như đúng là như vậy thì thật là ứng với câu nói:
“Hết thảy thiện ác đều có báo ứng, không phải không có báo ứng, chỉ là chưa đến lúc mà thôi”.
* Ngô Việt vương Tiền Lưu (10/3/852 – 6/5/932), tự là Cụ Mỹ, gọi theo thụy hiệu là Ngô Việt Vũ Túc vương, miếu hiệu Thái Tổ, là người sáng lập và là vị vua đầu tiên của nước Ngô Việt thời Ngũ Đại Thập Quốc. Ông lập quốc từ việc chinh phục 13 châu huyện, bao gồm toàn bộ tỉnh Chiết Giang, vùng Đông Nam Giang Tô và Đông Bắc Phúc Kiến ngày nay. Ngô Việt quốc tồn tại qua 5 đời vua, kéo dài 71 năm, mất dưới tay triều Tống.
Theo Epochtimes.com