Ngưu Cao tính tình chính trực, có cốt khí của một vị anh hùng là một vị “Phúc tinh phúc tướng” giàu lòng can đảm và phúc khí, dưới trướng của Nhạc Phi, là một trợ thủ đắc lực giúp Nhạc Phi dành được nhiều công lớn.
>>> Hán sơ tam đại danh tướng: Giúp vua giành thiên hạ, không cùng vua hưởng thái bình
Những ai đã đọc qua “Thuyết Nhạc toàn truyện”, chắc chắn sẽ không quên được người anh hùng Ngưu Cao khoáng đạt trực tính, tay cầm cặp xiềng xích dưới trướng của Nhạc Phi đâu nhỉ?. Mặc dù võ thuật của ông không phải là mạnh nhất, nhưng ông luôn cố gắng để trở thành một “người tiên phong” của đội quân, và luôn có thể hóa giải mọi nguy hiểm, có thể nói rằng người anh hùng này chính là một vị “Phúc tinh phúc tướng” giàu lòng can đảm và phúc khí!.
Tất nhiên, trong ghi chép lịch sử, thì trong Nhạc gia, tướng Ngưu Cao thiếu một chút tính hài hước, nhưng được tăng thêm vài phần khí phách anh hùng, không hổ danh là một trợ thủ đắc lực bên cạnh của Nhạc Phi. Vào những năm đầu thời Nam Tống, Ngưu Cao lúc ấy 41 tuổi được gia nhập vào quân đội, và trở thành một cung thủ. Khi đội quân nhà Kim xâm lược về phía Nam, Ngưu Cao đã nhiều lần dẫn binh sĩ đi ứng chiến. Bởi vì ông dũng cảm và thiện chiến, nên liên tiếp giành được chiến thắng, lập được nhiều công lớn.
Ví dụ, trong cuộc chiến chống lại lực lượng thảo khấu ở Lỗ Sơn, Ngưu Cao đã giành chiến thắng ba trận liên tiếp, khiến chúng phải tan rã lực lượng mà chạy trốn; trong trận Kinh Tây chống lại quân Kim, ông đã chiến đấu hơn 10 trận đánh lớn và đều giành thắng lợi; lúc ở Giang Tây, Ngưu Cao cũng sử dụng “lối đánh phục kích” khiến quân Kim trở tay không kịp, sau đó ông đã bắt sống được chủ tướng của quân địch. “Tống sử” ghi chép rằng ông luôn có thể giành chiến thắng trong những trận chiến chống lại kẻ thù, thì ra Ngưu Cao không những dũng mãnh mà còn hiểu biết về binh pháp, là một vị tướng có mưu trí!.
Đương nhiên, những chiến tích này của Ngưu Cao chẳng qua chỉ là “những lưỡi dao thử nghiệm nhỏ”, thật ra ông bắt đầu nổi danh từ lúc bắt đầu đi theo Nguyên soái Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi còn ở tại khu vực Giang Tây và Hồ Bắc, đang lên kế hoạch khôi phục Trung Nguyên chống lại nhà Kim, Ngưu Cao lúc ấy may mắn được chuyển đến đội quân dưới trướng Nhạc Phi, và trở thành một vị thủ lĩnh của “Đội quân Thần Vũ” trong đội quân Nhạc gia. Khi Ngưu Cao gia nhập vào Nhạc gia quân, sử sách có đề cập cụ thể đến tích “Phi thậm hỉ” (Nhạc Phi thật vui). Có vẻ như Nhạc Phi đánh giá rất cao khả năng của Ngưu Cao, và có lẽ đã chờ đợi ông trong một thời gian dài rồi!.
Biểu hiện của Ngưu Cao quả thật đã không làm Nhạc Phi thất vọng. Một lần nọ, khi ông được lệnh đi chinh phục tướng địch Vương Tung, Nhạc Phi chỉ ban cho ông số quân lương đủ dùng trong 3 ngày. Kết quả là, đội quân nhà Tống “quân lương chưa hết, mà thành đã được khai phá”, Ngưu Cao đã bắt sống được Vương Tung, và thu phục được năm ngàn quân địch, thu hồi lại đất đai, thực sự giống như một cơn lốc tốc chiến tốc thắng!.
>>> Bốn mãnh tướng thời cổ đại, người thứ 4 trúng hàng trăm mũi tên mới nhắm mắt
Trương Phi trong “Tam quốc diễn nghĩa”, đã từng hét lên tại Trường Bản dọa chết kẻ thù, Ngưu Cao cũng có một trải nghiệm tương tự và thực sự có thể kiểm chứng được. Khi ông ở Lư Châu, đã gặp phải năm ngàn quân Kim đến tấn công. Ngưu Cao đã hét lớn tiếng từ xa với quân Kim rằng: “Ngưu Cao ở đây, mà các ngươi dám đến xâm chiếm sao?”. Tiếng hét này đã làm cho toàn đội quân Kim cả thở cũng không dám thở mạnh, và đã tháo giáp gỡ mũ rút lui khi trận chiến còn chưa bắt đầu.
Nhạc Phi đã kịp thời nhắc nhở ông: “Nhất định phải giành chiến thắng, nếu như chúng quay lại, sẽ có hại cho chúng ta”. Ngưu Cao lập tức tuân lệnh lên đường truy đuổi quân địch hơn 30 dặm đường. Kết quả là, quân Kim đã bị thất bại thảm hại, hơn nửa quân địch dẫm đạp lên nhau và bị chém chết, ngoài ra có hàng chục quan quân đã bị giết. Sau trận chiến này, uy lực của Ngưu Cao càng lẫy lừng hơn nữa.
Sau khi bình định được Lữ Châu, Ngưu Cao đi theo Nhạc Phi dẹp yên được loạn tặc Dương Ma xưng bá xưng vương tại Động Đình Hồ. Trước đó, các đội quân nhà Tống khác đã mất 4 năm liền nhưng đều không thể tiêu diệt được chúng, đến phiên đội quân giỏi đánh bộ của Nhạc Gia xuất chinh thì chỉ mất có mười ngày, đã phá vỡ được quân thủy của Dương Ma. Sau khi thất bại, Dương Ma đã định nhảy xuống nước để chạy trốn, nhưng Ngưu Cao vốn thông thạo nước đã không để điều đó được thực hiện, mà nhảy ngay xuống nước để bắt sống. “Bắt sống Dương Ma” cũng đã trở thành chiến công nổi tiếng nhất trong sự nghiệp tòng quân của Ngưu Cao.
Sau đó, Ngưu Cao đã tham gia vào một số trận đánh lớn trong cuộc chiến chinh phạt phía Bắc của Nhạc gia quân, và tiếp tục tiến đánh đến bờ sông Hoàng Hà. Sau chiến tranh, đến phần luận công ban thưởng, thì Ngưu Cao được đánh giá là một vị Đại công thần, và ông cũng giành được vị trí Chủ soái quan trọng trong Nhạc gia quân!.
Câu chuyện tiếp sau đó như chúng ta đều biết, do gian thần Tần Cối mưu đồ bán nước muốn giải hòa, khiến việc kháng chiến chống quân Kim bị đưa về phía Đông, và Nguyên soái Nhạc Phi cũng bị hãm hại giết chết. Ngưu Cao chính trực dám lên tiếng, đã bày tỏ sự phẫn nộ và bất mãn với sự giải hòa giữa Tống và Kim, và cũng vì điều này mà ông bị tên gian thần này giết hại. Khi Ngưu Cao đã được 61 tuổi, vào ngày Thượng Ất (một ngày lễ cổ xưa, mùng 3 tháng 3, là ngày sinh của Hoàng Đế), ông tham gia một bữa tiệc tại nhà Võ quan Điền Sư Trung, rồi bỗng phát hiện ra mình đã bị trúng độc, nên vội vã trở về nhà.
Ngưu Cao biết rằng mình sắp phải rời khỏi cuộc đời, nên đã để lại lời nhắn gửi cuối cùng cho gia đình: “Năm nay ta sáu mươi mốt tuổi, làm quan đã phục vụ hết mình, không còn gì phải hối tiếc nữa. Chỉ là ta còn thấy rất tiếc về việc Nam Bắc giảng hòa, thật khiến ta không thể được chết bọc trong da ngựa, chết trên chiến trường, mà phải chết trên giường!”. Ngày hôm sau, Ngưu Cao qua đời. Sử sách đặc biệt kể lại rằng, khi đó đã có người bàn tán, nói rằng Tần Cối đã chỉ thị cho Điền Sư Trung đầu độc Ngưu Cao.
Vào lúc lâm chung, lòng của Ngưu Cao vẫn một tâm niệm đến sự nghiệp chưa được hoàn thành của Nhạc Phi, đây chẳng phải là tâm nguyện của mọi binh lính trong Nhạc gia quân sao? Những vị anh hùng trong Nhạc gia quân đã để lại nhiều câu chuyện đầy xúc động trong lịch sử, khiến cho người đời không thể không rơi nước mắt vì họ!
(Tài liệu tham khảo: “Tống Sử”, “Những ghi chép nhiều năm từ Kiến Viêm”, “Tống hội yếu tập thảo”).
Tuệ Tâm, theo Epoch Times