Một nghiên cứu của chính phủ Mỹ về ảnh hưởng của bức xạ điện thoại di động lên chuột cống và chuột nhắt thấy rằng có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy tần số vô tuyến được sử dụng cho điện thoại di động 2G và 3G gây ra các khối u ở tim chuột cống đực.
Người ta đặt 180 con chuột cống và 180 con chuột nhắt vào môi trường bức xạ tần số vô tuyến không điện hóa, thường được sử dụng trong mạng GSM và CDMA khoảng 9 giờ mỗi ngày, luân phiên 10 phút bật – tắt, 7 ngày 1 tuần trong 10 năm. Ngoài các khối u tim, nghiên cứu cũng tìm thấy các khối u não ác tính, cũng như các khối u lành tính và ác tính trong tuyến thượng thận của chuột cống đực.
Chương trình Độc học Quốc gia – một chương trình liên ngành của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng với cơ quan giám sát nghiên cứu ở Mỹ – đã phân loại các kết quả nghiên cứu để tìm bằng chứng cho nguyên nhân gây các khối u trên.
Điều khó hiểu về nghiên cứu này là kết quả “không chính xác” ở chuột cống cái và chuột nhắt cái. Chúng có tỷ lệ ung thư không tương quan với phơi nhiễm bức xạ. Và nghiên cứu cũng ghi nhận, chuột cống tiếp xúc sống thọ hơn nhóm không tiếp xúc.
Nghiên cứu tiết lộ: “Điều này có thể do sự suy giảm các vấn đề về thận mãn tính thường là nguyên nhân gây tử vong ở chuột cống già”. Tuy nhiên, Chương trình Độc học Quốc gia không thể chứng minh liệu bức xạ có ảnh hưởng đến thận của chuột hay không.
Nghiên cứu tương tự của Viện phi lợi nhuận Ramazzini ở Italia cũng phát hiện rằng, sau khi đặt 2.448 con chuột cống trong môi trường có tần số sóng mạng điện thoại di động GSM trong hơn 20 năm, thì u sợi thần kinh tim – khối u trong các mô thần kinh thường lành tính- có tỷ lệ cao. GSM là tần số điện thoại di động phổ biến ở châu Âu.
Trong nghiên cứu của Italia, các tần số bức xạ có cường độ thấp hơn so với nghiên cứu của Chương trình Độc học Quốc gia, bởi vì họ muốn đo lường các tác động môi trường của điện thoại di động so với phơi nhiễm gần (như áp điện thoại vào đầu).
Sau khi kết quả ban đầu của nghiên cứu Chương trình Độc học Quốc gia được công bố đầu năm nay, đặc biệt là trước khi chúng được bình duyệt, Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không điện hóa (ICNIRP) đã sử dụng sự khác biệt trong hai nghiên cứu để cảnh báo rằng, khi nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới con người, “những hạn chế tiềm năng cần được xem xét cẩn thận”.
Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không điện hóa tuyên bố: “ICNIRP cho rằng nghiên cứu của Chương trình Độc học Quốc gia (2018a, b) và Falcioni (2018) không cung cấp bằng chứng nhất quán, đáng tin cậy và chưa thể suy ra được bằng chứng để sử dụng làm cơ sở để thuyết phục về sự thay đổi của con người tiếp xúc với bức xạ”.
Nhà nghiên cứu Ronald Melnick – người thiết kế nghiên cứu Chương trình Độc học Quốc gia – đã bác bỏ ý kiến của các nhà phê bình. Ông cho rằng nhiều nghiên cứu có thể và nên được thực hiện về chủ đề này, vì những phát hiện này rất quan trọng đối với con người.
Ông viết: “Kết quả từ các nghiên cứu bài bản trên động vật vẫn đang và sẽ tiếp tục được sử dụng để định lượng các rủi ro về sức khỏe, bao gồm các nguy cơ ung thư, trong các điều kiện phơi nhiễm của con người. Vì lợi ích của y tế cộng đồng, các cơ quan chính phủ phải sử dụng kết quả từ những nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe này và đưa ra các khuyến nghị rõ ràng cho công chúng về việc giảm tiếp xúc với các tác nhân gây hại cho sức khỏe của chúng ta”.
Nghiên cứu Chương trình Độc học Quốc gia đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa vào năm 1999 để nghiên cứu tác động của việc phát triển sử dụng điện thoại di động tại Mỹ.
FDA đã viết trong một lá thư tới Chương trình Độc học Quốc gia về nghiên cứu: “Hơn 80 triệu người Mỹ hiện đang sử dụng các thiết bị liên lạc không dây (ví dụ: điện thoại di động) và có khoảng 25 nghìn người dùng mới mỗi ngày. Hiện tại chưa có đủ cơ sở khoa học để kết luận rằng các công nghệ giao tiếp không dây an toàn hay là gây rủi ro cho hàng triệu người dùng”.
Tại Anh, Pháp, Bỉ, Nga và các nước khác, người sử dụng thiết bị không dây – đặc biệt là trẻ em – được khuyến cáo giảm thiểu sự tiếp xúc với bức xạ vi sóng. Nhưng tại Mỹ, các quan chức y tế cộng đồng vẫn do dự về cảnh báo này. Vào năm 2014, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh đã đưa ra tuyên bố công khai kêu gọi thận trọng khi dùng điện thoại di động, nhưng sau đó vài tuần, tuyên bố được rút lại.
Năm 2018, Bộ Y tế Công cộng California (CDPH) đã hướng dẫn về cách giảm tiếp xúc với bức xạ không dây, đặc biệt là đối với trẻ em. Họ cũng chỉ ra mối liên hệ với các tình trạng sức khỏe có hại như ung thư và lượng tinh trùng thấp. Tuy CDPH đã ra khuyến cáo này từ vài năm trước nhưng chưa công bố cho công chúng, cho đến khi có một vụ kiện xảy ra.
Một nhóm quốc tế gồm hơn 240 nhà khoa học đã đệ trình lời kêu gọi lên Liên Hiệp Quốc để các trường điện từ, bao gồm tần số điện thoại di động, được thay đổi cách phân loại từ “có thể gây ung thư” thành “có nguy cơ gây ung thư”.
Khiếu nại ban đầu được đệ trình vào tháng 5/2015, bao gồm một phần về phát hiện của Chương trình Độc học Quốc gia rằng có “bằng chứng rõ ràng” giữa các bức xạ tần số vô tuyến và các khối u ung thư ở chuột.
Xuân Nhạn, theo Epoch Times