Tinh Hoa

Một Đài Loan rất lạ trong mắt người phương Tây (P2): Coi trọng những giá trị tinh thần

Michelle Greenwald, một giáo sư kinh tế người Mỹ gần đây đã đến thăm Đài Loan, với tư cách là người đi học hỏi cách thức họ đổi mới và phát triển đất nước. Cô đã rất ấn tượng trước tầm nhìn và phương pháp tiến hành của quốc gia này. Dưới đây là bài chia sẻ của giáo sư Greenwald.

Những hình ảnh ngộ nghĩnh, hài hước có mặt ở khắp mọi nơi. (Ảnh: Internet)

(Tiếp theo P1)

Hệ thống giáo dục của Đài Loan đang chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp để chuyển giao những mục tiêu dài hạn

Hệ thống giáo dục Đài Loan đã phát triển các khóa học và các chương trình dành cho học sinh tất cả các lứa tuổi, với mục đích nâng cao mức độ đổi mới, tư duy sáng tạo và ý nghĩa của kinh doanh, cũng như mở rộng tầm nhìn ra quốc tế và liên kết đào tạo với các trường đại học đẳng cấp thế giới như Đại học New York và Đại học Columbia.

Một nỗ lực đa chiều nhằm tạo thêm cảm hứng sáng tạo cho trẻ em và người lớn

Có không ít những sáng kiến ​​gây ấn tượng cho tôi trong quá trình tìm hiểu để thấm nhuần một nền văn hóa đổi mới với quy mô toàn quốc, bắt đầu từ trẻ nhỏ và mở rộng tới người trưởng thành:

1. Công viên Khoa học Tân Trúc, như đã đề cập trước đó, trong công viên có một “Bảo tàng khám phá” và các trường học có thể đưa học sinh của họ đến. Nơi đây giới thiệu những thay đổi công nghệ mới nhất và thắp sáng trí tưởng tượng của những người trẻ tuổi, lứa tuổi dễ để lại các ấn tượng sâu sắc.

2. Trung tâm Thiết kế Đài Loan: Thường tổ chức một cuộc thi sáng tạo dành cho trẻ em với những ý tưởng cho những thiết kế mới.

3. Trung tâm Đổi mới của Hoa Kỳ: Tọa lạc ngay trong Trung tâm Thiết kế Đài Loan, nơi đây giúp khuyến khích học hỏi và đào tạo kỹ thuật số hiện đại, cùng xu hướng sáng tạo kiểu Mỹ, bao gồm cả kinh doanh, văn hóa và thiết kế. Các khóa học thường dành cho cả người lớn và trẻ em, với mục đích truyền cảm hứng kích thích tư duy sáng tạo, và rộng hơn là giúp người dân dễ dàng tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển không ngừng hiện nay.

Óc hài hước to lớn

Máy bay của hãng hàng không quốc gia EVA Air, tàu điện ngầm,… được trang trí bằng những hình ảnh vui nhộn. (Ảnh: Internet)

Những hình ảnh hoạt hình vui nhộn có mặt khắp nơi, từ ga tàu điện ngầm cho đến các móc dây đeo, hãng hàng không quốc gia EVA Air cũng đưa hình ảnh cô mèo Hello Kitty lên các video hướng dẫn an toàn của họ, và thậm chí trong cả những quảng cáo của Microsoft: Lần đầu tiên tôi thấy các hình ảnh họa hình  đầy màu sắc và vui nhộn như thế.

EVA Airlines đã công bố kế hoạch sử dụng Robot “Hạt tiêu” cho các thủ tục đăng ký hành khách trước khi lên máy bay và trở thành hãng hàng không đầu tiên sử dụng hình thức này!

Thiết kế đa dạng nhiều cảm xúc, lấy cảm hứng từ nền văn hóa cổ Trung Hoa

Tôi đã có những cách nhìn mới về Đài Loan. Trước đó, tôi đã khá ngạc nhiên khi thấy nhiều thiết kế tinh xảo và đẳng cấp ở đây. Nó dường như là kết quả của một sự hòa trộn phong phú giữa truyền thống và hiện đại. Bảo tàng quốc gia Đài Loan sở hữu bộ sưu tập được xem là chất lượng và đa dạng nhất thế giới về nghệ thuật Trung Hoa cổ.

Trung tâm Thiết kế Đài Loan chính thức hoạt động từ năm 2004 sau 24 năm xuất bản Tạp chí Thiết kế bởi Trung tâm Thúc đẩy Thiết kế. Trung tâm này tập trung vào nâng cao sự sáng tạo của các nhà thiết kế Đài Loan, thúc đẩy sự trao đổi về các thiết kế quốc tế, tăng cường tính cạnh tranh thị trường của các ngành công nghiệp tại Đài Loan, giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao giá trị thặng dư của thương hiệu và quảng bá kỉ nguyên “Thiết kế tại Đài Loan”.

Tiền thân là nơi tiên phong trong ngành công nghiệp hiện đại hóa Đài Loan với tên gọi “Xưởng thuốc lá độc quyền Phủ tổng đốc Đài Loan”. Sau nhiều lần cải cách, đến năm 2010, nơi đây chính thức chuyển đổi thành Công viên Sáng tạo văn hóa Tùng Sơn, với phong cách kiến trúc thuộc “Chủ nghĩa hiện đại Nhật Bản thời kỳ đầu”, hình thức đơn giản và trang nhã, kết hợp các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, sáng tạo văn hóa, thiết kế,… Công viên là một trong những địa danh quan trọng của ngành sáng tạo văn hóa và thiết kế Đài Loan hiện nay.

Một lớp học thiết kế ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Đài Bắc đã được Tổ chức Thiết kế Thế giới lựa chọn là Thủ đô Thiết kế Thế giới 2016. Và họ đã giới thiệu tài năng thiết kế của mình trên các sản phẩm trong lĩnh vực như thời trang, thiết kế đồ nội thất, và nghệ thuật.

Những chính sách chủ yếu đối với các công ty và quốc gia 

Chính phủ Đài Loan đã rất thông minh trong việc truyền đạt văn hóa ngày càng nhanh nhẹn của họ đến người dân và cả thế giới. Từ một nền kinh tế sản xuất chi phí thấp và thâm dụng vốn, hiện đã chuyển thành nền kinh tế chuyên sâu, sáng tạo và ít phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư thật không phải là điều dễ dàng.

Để làm được điều đó họ đã nâng cao trình độ dân trí cùng những kỹ năng liên quan đến đổi mới và hướng đất nước đến các mục tiêu dài hạn, bên cạnh đó họ cũng không quên giữ gìn các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc. Và cuối cùng là Đài Loan đã quảng bá rất tốt những thành tựu công nghệ của họ tới hầu hết các quốc gia trên toàn cầu.

Theo Forbes