Vào triều đại Nam Tống, gian thần Tần Cối sát hại anh hùng Nhạc Phi, con của Tần Cối là Tần Hỉ cũng theo cha làm nhiều việc ác. Thế nhưng, tội ác của cha con Tần Cối không thể dối trời lừa dân, từng có một bài thơ không biết tác giả, đã dự đoán cái chết bi thảm của cha con Tần Cối.
Trong văn hóa 5000 năm của Trung Quốc, có vô số điển cố về chuyện thiện ác hữu báo. Vào thời Nam Tống, đại gian thần Tần Cối cùng vợ là Vương thị, từng âm mưu sát hại Nhạc Phi. Sau khi Nhạc Phi chết thảm tại đình Phong Ba, Tần Cối tự biết nghiệp chướng nặng nề, từng giây từng phút sợ hãi bị thanh toán, vì thế ông ta cực lực đề bạt đứa con không học vấn cũng không biết võ nghệ là Tần Hỉ, muốn cho Tần Hỉ kế thừa quyền lực của mình, cũng để che giấu tội ác mà bản thân đã gây ra.
Tần Hỉ vốn được nuông chiều từ bé, suốt ngày ham chơi, không học vấn không võ nghệ, lại được Tần Cối thiên vị mà đề bạt. Sau khi quyền hành về tay, Tần Hỉ lại cùng cha cấu kết với nhau làm ra rất nhiều chuyện xấu. Tuy nhiên, từ trong vô minh đã có định số, từng có người viết một bài thơ mỉa mai Tần Hỉ, đồng thời báo trước kết cục bi thảm của anh ta.
Trong “Di kiên chí” ghi lại, năm Thiệu Hưng thứ 25 (1155), Tần Hỉ tới Kiến Khang, cũng chính là Nam Kinh ngày nay, để tế tự, đồng thời tiện đường du ngoạn Mao Sơn. Ở Hoa Dương Quan tại Mao Sơn, anh ta đã đề một bài thơ:
Gia sơn phúc địa cổ vân khôi, nhất nhật tam phong tú khí hồi,
Hội tán bảo châu hà xử khứ, bích nham nam động bạch vân đôi.
Lúc ấy Tần Cối có quyền thế mạnh mẽ, cho nên một số quan viên địa phương vì muốn nịnh nọt Tần Hỉ nên đã hạ lệnh khắc bài thơ này lên bảng hiệu, rồi treo cao trên xà nhà của Hoa Dương Quan.
Bảng hiệu vừa chế tác và treo lên xong, ngay đêm hôm đó, các quan viên và Tần Hỉ đã đến tham quan trước. Tần Hỉ đứng ở phía dưới nhìn lên đang rất vui vẻ, đột nhiên phát hiện trên bảng hiệu còn đề mấy hàng chữ màu trắng, lúc ấy anh ta bèn ra lệnh đem thang đến trèo lên xem rốt cuộc thế nào. Thì ra mấy hàng chữ trắng cũng là một bài thơ, hơn nữa lại họa theo bài thơ của anh ta, thơ viết:
Phú quý nhi kiêu thị tội khôi, chu nhan lục tấn kỷ thì hồi;
Vinh hoa phú quý tam xuân mộng, nhan sắc hinh hương nhất thổ đôi.
Tạm dịch:
Phú quý mà kiêu ngạo là tội của kẻ cầm đầu, mặt đỏ tóc xanh mấy phen nữa;
Vinh hoa phú quý mộng ba mùa xuân, nhan sắc thanh hương một đống đất.
Tần Hỉ xem xong biết rõ đây là mỉa mai mình nên rất tức giận. Mấy viên quan địa phương kia cũng sợ khiếp, bảng hiệu này lúc treo lên rõ ràng chỉ có thơ của Tần Hỉ, dưới xà nhà thường xuyên có người, lại treo cao đến như thế, ai lại có thể bay lên đó để đề thơ kia chứ, hơn nữa lại không bị phát hiện. Bọn họ điều tra một hồi, vẫn chưa tìm ra ai là thủ phạm. Mọi người đều ở sau lưng nói, bài thơ này là do Thần tiên viết đấy, chính là đang muốn cảnh cáo Tần Hỉ.
Mùa đông năm đó, Tần Cối bệnh nặng, hoàng đế nhân cơ hội tốt này đã bãi miễn chức quan của cha con Tần Cối. Tần Cối sau khi biết chuyện thì nói không thành tiếng, ngay hôm đó đã qua đời. Nhóm phe cánh của Tần Cối lập tức tan rã. Tần Hỉ sau khi mất đi quyền lực ngày đêm sống trong lo sợ, vào năm Thiệu Hưng thứ 31 (1161) cũng qua đời.
Về sau có người phát giác bài thơ này không chỉ trách cứ việc hành ác của Tần Hỉ là “phú quý mà kiêu ngạo”, mà còn âm thầm dự báo trước thời điểm chết của Tần Hỉ. Trải qua “vinh hoa” và “phú quý” hai cái đều là “mộng 3 mùa xuân”, cũng chính là 6 năm sau, kết cục của Tần Hỉ chính là “Nhan sắc thanh hương một đống đất”, chính là chết rồi nằm trong nấm mộ. Tất cả những gì lúc còn sống mà Tần Hỉ theo đuổi như “mặt đỏ tóc xanh” tất cả đều chẳng còn gì. (bài thơ viết vào năm Thiệu Hưng 25, Tần Hỉ chết vào năm Thiệu Hưng 31, vừa đúng cách nhau 6 năm).
Đáng tiếc cho cha con Tần Cối, dù tính toán tường tận, lại không biết ngày tàn của họ đã sớm được định rồi, cũng chính là báo ứng do họ làm điều ác mà ra.
Căn cứ theo ghi chép của Điền Nhữ Thành đời Minh trong “Tây hồ du lãm chí dư”: Tần Cối từng ở dưới cửa sổ Đông trong nhà đã cùng vợ mưu đồ bí mật sát hại Nhạc Phi. Sau khi Tần Cối chết, vợ ông ta mời phương sĩ về làm pháp sự, phương sĩ nói mình đã trông thấy Tần Cối đang thụ hình tại âm phủ.
Tần Cối lại nhờ phương sĩ chuyển lời cho người vợ rằng: ‘Đông song sự phát’, ý nói sự việc ở cửa Đông. Chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “Đông song sự phát”, với ý nghĩa để chỉ ‘sự việc đã bại lộ’, nhằm cảnh cáo người đời rằng cho dù sử dụng âm mưu quỷ kế dưới hình thức nào đi nữa, đều không thoát khỏi tầm mắt của Thần, đều sẽ có báo ứng xứng đáng.
>>> Nhạc Phi tinh trung báo quốc, vì sao cuối cùng lại nhận phải kết cục bi thảm?
>>> Dâng đất nghị hòa bán nước cầu vinh, giết hại trung thần để nhục ngàn thu
Natalie, theo NTDTV