Lên ngôi không được bao lâu, vua Lý Thần Tông mắc bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi trong cả nước được mời đến chữa nhưng bệnh của vua không thuyên giảm.
Truyện kể rằng, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh vốn là bạn thân từ nhỏ. Lớn lên, hai người cùng xuất gia đi tu rồi cùng một thiền sư khác tên là Giác Hải lên đường đi Tây Thiên tầm sư học đạo.
Khi Minh Không và Từ Đạo Hạnh học đạo từ Tây Thiên trở về, giữa đường, Đạo Hạnh muốn thử tài của Minh Không nên vượt trước, hóa thành một con hổ phục trong bụi, rồi chồm ra dọa Minh Không. Minh Không đã biết trước, nên ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à? Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…”.
Từ Đạo Hạnh biết mình còn kém Minh Không nên hiện lại nguyên hình, lạy tạ và khẩn khoản nói: “Ngu đệ không tự biết mình, trót làm điều xúc phạm, xin đạo huynh tha thứ. Quả báo sau này có sa vào nghiệp chướng ấy, xin đạo huynh ra tay cứu giúp”.
Quả báo mà Từ Đạo Hạnh nói đến sau này chính là việc ông phải đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông và mắc phải căn bệnh “hóa hổ” kỳ lạ mà không danh ý nào có thể chữa được.
Chuyện kể rằng, Từ Đạo Hạnh sau khi viên tịch đã đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông, được đặt tên là Dương Hoán. Khi Lý Nhân Tông qua đời, Dương Hoán được chọn làm con người kế vị, tức vua Lý Thần Tông.
Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136, vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi trong cả nước được mời đến chữa nhưng bệnh của vua không thuyên giảm. Triều đình phái sứ giả đi khắp nơi tìm người có thể chữa bệnh cho đức vua.
Khi sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông, có Nguyễn Minh Không chữa được mình rồng thiên tử…”. Sứ giả thấy lạ liền hỏi thăm và tìm được Nguyễn Minh Không, mời ông vào triều chữa bệnh cho vua.
Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái niêu nhỏ đem cho họ cùng ăn và bảo rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”.
Nhưng kỳ lạ thay, khoảng hơn 100 người lính chèo thuyền cùng ăn mà không sao hết được niêu cơm. Khi họ ăn xong, Minh Không lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều lên ta hãy bắt đầu ra đi”. Quân lính đồng ý, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới kinh đô. Lính bơi chèo tỉnh dậy đều lấy làm lạ, phục tài của thiền sư Minh Không.
Khi sư Minh Không đến, thấy nhiều pháp sư khác cũng đang ở trên điện làm phép chữa bệnh cho vua. Thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh thường không thèm chào hỏi. Sư Minh Không thấy vậy, lấy từ trong túi một chiếc đinh lớn, dài hơn 5 tấc rồi đóng sâu vào cột, sau đó lên tiếng hỏi: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì hãy nói chuyện chữa bệnh”.
Minh Không nói thế ba lần nhưng chẳng vị pháp sư nào dám làm. Thấy vậy, Minh Không ung dung bước lại gần, lấy hai ngón tay trái, cầm vào rồi nhẹ nhàng rút ra. Mọi người chứng kiến đều khiếp phục sức mạnh phi thường của Minh Không nên nhường ông vào chữa bệnh cho vua.
Khi được đưa vào gặp vua Lý Thần Tông, Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua nghe thấy vậy, rất run sợ, không dám kêu gầm nữa.
Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần. Minh Không dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, rồi tắm cho vua. Ngay sau đó, bệnh của vua đã thuyên giảm, ít lâu sau thì vua khỏi hẳn.
Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của ông, vua Lý Thần Tông phong cho Minh Không là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của vua, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế má. Vì vậy, sau này người ta mới gọi sư Minh Không là Lý Quốc sư, ý chỉ vị Quốc sư họ Lý.
Không chỉ nổi tiếng vì đã chữa bệnh cho vua, thiền sư Minh Không còn là người có công xây dựng rất nhiều ngôi chùa trên nước Đại Việt. Sử chép rằng, sau khi tu hành đắc đạo, sư Minh Không trở về quê nhà ở Ninh Bình, dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình)… để tu hành. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Ông qua đời vào năm 1141, niên hiệu Thái Bình thứ 22, thọ 76 tuổi.
Trích Đại Việt Sử ký toàn thư
Theo vntinnhanh