Thời cổ đại có không ít vị quan thanh liêm, họ không vơ vét tiền tài của dân chúng, thường ngày tận trung vì nước, tận tụy mưu cầu phúc lợi cho bá tánh. Sau khi chết, hết thảy tội trạng nơi địa ngục đều được đặc xá.
Triều Đường có vị quan tên Lư Hoài Thận chính là một người như thế. Ông làm quan đến chức Hoàng môn thị lang, là chức quan vô cùng thân cận với Hoàng đế. Tuy làm chức quan có thân phận cao, nhưng đồ đạc trong nhà ông lại bày biện vô cùng đơn sơ. Vợ và con gái ông vẫn không tránh được việc thường xuyên ăn đói mặc rách, nhưng ông đối đãi với bạn bè thân thích lại vô cùng rộng mở.
Lúc Lư Hoài Thận ở Đông Đô phụ trách tuyển chọn quan lại, làm công vụ quan trọng nhưng hành lý mang theo người chỉ vỏn vẹn một chiếc túi vải. Về sau, trong lúc đảm nhiệm chức Hoàng môn giám kiêm Lại bộ Thượng thư, ông đã bị bệnh trong thời gian dài.
Tống Cảnh và Lư Tòng Nguyện có lần đi thăm hỏi, bắt gặp Lư Hoài Thận nằm trên một chiếc ghế tre mỏng, rèm cửa cũng không có, gặp lúc trời mưa gió lạnh, đành phải dùng chiếc chiếu để che chắn.
Lư Hoài Thận trước nay vẫn rất coi trọng Tống Cảnh và Lư Tòng Nguyện, thấy hai người họ đến thì trong tâm ông vô cùng vui sướng, liền giữ bọn họ lại thời gian lâu, cũng sai người trong nhà chuẩn bị đồ ăn, nhưng khi bưng lên chỉ có 2 chậu sành đựng hạt đậu và một ít rau cỏ, ngoài ra không có thứ gì khác.
Lư Hoài Thận nắm tay Tống Cảnh và Lư Tòng Nguyện, nói: “Hai người nhất định sẽ là trụ cột của quốc gia, Hoàng thượng vẫn đang tìm kiếm những nhân tài có thể chung tay gánh vác đất nước. Nhưng quản lý đất nước thời gian dài, các đại thần bên cạnh Hoàng thượng sẽ có lúc buông lỏng, lúc này sẽ có tiểu nhân thừa cơ tiếp cận nịnh nọt Hoàng thượng, hai người nhất định phải nhớ kỹ”.
Qua mấy ngày sau, Lư Hoài Thận liền qua đời. Ông trong lúc bệnh tình nguy kịch, đã từng viết một bản tấu chương, tiến cử 4 nhân tài lên cho Hoàng thượng gồm Tống Cảnh, Lư Tòng Nguyện, Lý Kiệt và Lý Triêu Ẩn. Hoàng thượng đọc tấu chương xong, càng cảm thấy tiếc thương cho Lư Hoài Thận.
Thời điểm an táng Lư Hoài Thận, bởi vì ông ngày thường không có tiền tích cóp, cho nên người trong nhà đành phải kêu một lão bộc nấu một nồi cháo mời những người giúp xử lý tang sự ăn một bữa.
Một lần, Hoàng đế đến thành Nam săn thú, bắt gặp một căn nhà đơn sơ cũ nát, trong sân gia chủ đang cử hành nghi lễ gì đó, liền phái người cưỡi ngựa đi dò hỏi. Người nọ trở về báo cáo: “Ở đó làm giỗ 2 năm ngày mất của đại nhân Lư Hoài Thận, bọn họ đang ăn cơm chay”.
Hoàng đế nhìn thấy cảnh nghèo khó của gia đình Lư Hoài Thận thì vô cùng thương cảm, liền ngừng việc săn thú, phái người mang tặng họ một ít vải vóc.
Đối với cái chết của Lư Hoài Thận còn có chuyện được kể lại như sau: Lư Hoài Thận không bệnh mà đột nhiên qua đời, vợ ông là Thôi thị nói với con gái: “Cha con một đời thanh chính liêm khiết, không tranh danh lợi, khiêm tốn hạ mình, ai đưa tặng đồ vật gì ông ấy một chút cũng không nhận. Cha con cùng với Trương Thuyết đều là Tể tướng đương thời, hiện giờ Trương Thuyết thu tiền nạp vật chồng chất như núi nhưng vẫn còn sống tốt. Lẽ nào báo ứng xa xỉ và tiết kiệm lại chỉ là hư giả?”
Tới đêm hôm đó, Lư Hoài Thận sống lại, mọi người liền đem lời của phu nhân kể lại cho ông nghe. Lư Hoài Thận nói: “Đạo lý không phải như thế đâu. Tại Âm phủ có ba mươi bếp lò, ngày đêm thiêu đốt trừng phạt những người lấy tiền bất nghĩa, nhưng lại không có bếp nào được chuẩn bị cho ta cả, tội lỗi của ta ở Âm phủ đã được tiêu trừ hết rồi”. Nói xong, Lư Hoài Thận liền nhắm mắt xuôi tay.
Mọi người thường nói: “Trên đầu ba tấc có Thần linh”. Hành vi và suy nghĩ hàng ngày của chúng ta đều được Thần linh ghi chép lại. Chúng ta nhất thiết không được tự cho mình thông minh mà không tin nhân quả. Mọi việc trên đời có nhân ắt có quả, việc tốt hay xấu gì đều sẽ có báo ứng tương xứng, xưa nay không bao giờ sai lạc.
Tuệ Tâm (Theo Secret China)