Lụa biển là một loại vải cực kỳ quý hiếm, nhất là khi hiện tại chỉ có một người phụ nữ duy nhất trên Trái Đất nắm được bí quyết sản xuất.
Nếu như tơ tằm là loại vải nổi tiếng được sản xuất từ kén của tằm, thì lụa biển được tạo ra từ loại sò pen shell Địa Trung Hải.
Tương tự như lụa tơ tằm, lụa biển được xem là sản phẩm sang trọng, và rất ít người có cơ hội nhìn thấy hay chạm vào loại vải quý hiếm này.
Hiện nay, phương pháp sản xuất lụa biến gần như là một môn nghệ thuật dân gian sắp biến mất, bởi chỉ còn cô Chiara Virgo biết cách dệt loại vải này. Có nghĩa là nếu người thợ dệt này qua đời, thì ngành nghề truyền thống sản xuất lụa biển cổ xưa cũng sẽ bị thất truyền.
Việc sản xuất lụa biển được xem là truyền thống được lưu truyền từ thời cổ đại đến nay.
Và để sản xuất ra loại vải xa xỉ này, đầu tiên người ta phải dùng nhíp để thu hoạch từng sợi tơ mỏng (Byssus) được tạo nên từ nước bọn của những con sò biển khổng lồ pen shell (đặc biệt là loài Pinna nobilis thường được gọi là “pen shell cao quý”).
Sau đó, các Byssus cần phải được xử lý và phân loại trước khi được sử dụng để dệt hoặc thêu.
Kết quả thu được là một loại vật liệu lấp lánh trong ánh sáng Mặt Trời tựa như vàng. Đây chính là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự ưa chuộng và phổ biến của lụa biển trong giới nhà giàu và những người có quyền lực cao trong thế giới cổ đại.
Ngoài ra, vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát của loại vải này cũng là thứ tạo nên giá trị biến nó thành mặt hàng xa xỉ.
Thời xưa, lụa biển là sản phẩm được đánh giá cao trong nhiều nền văn hóa. Vua chúa của Lưỡng Hà đã dùng lụa biển để may những bộ hoàng phục.
Nhiều thông tin được ghi chép cho thấy rằng: Lụa biển cũng được biết đến trong đời sống của người Ai Cập cổ đại, người La Mã và cả người Hy Lạp.
Vật liệu làm nên lụa biển có thể được nhắc đến trong nhiều văn bản cổ xưa. Ví dụ như trong Kinh Cựu Ước, từ Byssus xuất hiện đến 45 lần. Nhưng trong một số trường hợp từ “Byssus” được biết đến như là một loại vật liệu có liên quan đến các loại vải khác như: Vải bông, vải lanh hoặc vải lụa.
Ngoài ra, một số vật dụng có trong thần thoại cổ xưa có thể được tạo ra từ lụa biển. Ví dụ như Golden Fleece (Bộ lông Cừu vàng) trong thần thoại Hy Lạp của Jason và Argonauts.
Quay trở lại thời hiện đại, nghề sản xuất lụa biển gần như đang bị thất truyền. Tính đến thời điểm này chỉ có duy nhất một người phụ nữ tên Chiara Vigo đang sinh sống trên đảo Sardinia biết cách tạo ra sản phẩm này. Mặc dù vẫn còn một số phụ nữ ở vùng Apulia có kiến thức về cách dệt lụa biển, nhưng không một ai trong số họ có thể tự thu hoạch được nguyên liệu thô cũng như sản xuất ra loại vải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như các sản phẩm của bà Vigo.
Theo bà Vigo, cách sản xuất lụa biển được Berenice of Cilicia (một thành viên thuộc triều đại Herodian) mang đến đảo Sardinia. Bà chính là cháu gái của người sáng lập ra vương quốc Herodian – Vua Herod đại đế.
Thông thường kỹ năng dệt lụa biển truyền thống được người phụ nữ trong gia đình truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điển hình như trường hợp của bà Vigo, bà đã được chính bà ngoại của mình dạy cho nghề dệt lụa biển.
Và nếu như trong thời kỳ xa xưa sản phẩm này được tạo ra để phục vụ cho những người giàu có và quyền lực, thì ngày nay bà Vigo làm ra nó để dành cho những người bị ruồng bỏ, nghèo khổ hoặc bần cùng.
Hơn nữa, loại lụa biển do Vigo sản xuất ra không phải được dùng để bán. Điều này hoàn toàn khác với những gì được biết trong quá khứ, khi mà một số thợ dệt lụa biển tạo ra sản phẩm để bán cho các thương gia.
Họ cũng cố gắng truyền lại kỹ thuật dệt lụa biển cho các cơ sở kinh doanh, nhằm công nghiệp hóa loại vải quý giá này. Tuy nhiên những nỗ lực này chưa bao giờ thành công.
Hiện tại, khi ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bà Vigo đã và đang cố gắng giữ gìn nó bằng cách truyền nghề dệt lụa biển cho những người thợ khác. Bà cũng hy vọng rằng con gái mình sẽ tiếp tục nối gót để giữ gìn truyền thống cổ xưa này cho thế hệ mai sau.
>>> Phát hành đồng xu in hình thai nhi – Cách người dân Croatia trân quý sinh mệnh
>>> “Tháng cô hồn” tràn đầy từ bi hỉ xả
Tú Văn, theo AO