Tinh Hoa

LHQ: Đại dịch Vũ Hán có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực toàn cầu

Tính đến sáng 03/4, toàn thế giới đã ghi nhận thêm 79.000 ca nhiễm virus Vũ Hán và gần 6.000 người tử vong. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt 1 triệu. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới có nguy cơ thiếu hụt lương thực nếu đại dịch Vũ Hán tiếp tục kéo dài.

Liên Hợp Quốc cảnh báo thiếu lương thực toàn cầu vì đại dịch Vũ Hán. (Ảnh qua Forbes)

Theo trang worldometers.info, tính đến sáng 3/4, tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán (SARS-CoV-2) trên toàn cầu đã lên tới 1.007.772 trường hợp, trong khi số ca tử vong lên tới 52.610 người. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu nếu dịch bệnh tiếp tục mất kiểm soát và chính phủ các nước không quản lý tốt cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại.

“FAO bày tỏ lo lắng về sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, và cho rằng thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nếu không nhanh tay thực hiện các biện pháp kịp thời bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và giữ vững chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19,” FAO thông báo.

Chuyên gia kinh tế trưởng của FAO – Maximo Torero Cullen phân tích: Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tiến hành các lệnh phong tỏa quốc gia của họ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch nhưng đã kìm hãm nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng lương thực. Sự không chắc chắn trong nguồn cung lương thực sẵn có có thể tạo ra làn sóng hạn chế xuất khẩu, từ đó gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường toàn cầu.

Thực tế trong những tuần gần đây, nhiều hạn chế xuất khẩu đã được áp dụng với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì khi dịch bùng phát rộng khắp thế giới. Một số nước đã đối phó với việc thiếu nguồn cung lương thực bằng cách dự trữ các loại lương thực khác nhau để đảm bảo an ninh lương thực, điều này sẽ dẫn đến tăng giá lúa gạo cũng như các hạt có dầu.

Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, hôm 28/3 cho biết đã lên kế hoạch dự trữ gạo và đình chỉ các hợp đồng xuất khẩu mới tới cuối tháng. Trong khi Thái Lan đã cấm xuất khẩu các lô hàng trứng gà một tuần sau khi nguồn cung nội địa thiếu hụt do nhu cầu tăng đột biến.

Tại Hồng Kông, nơi nhập tới 80% gạo của Thái Lan và Việt Nam, người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng vào cuối tuần để dự trữ nhu yếu phẩm. Các nhà phân tích dự đoán khi việc hạn chế xuất khẩu kéo dài, tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ dễ xảy ra hơn tại các nước chỉ dựa vào một hay hai nguồn nhập khẩu chính.

Ngoài ra, theo phân tích của tờ Wall Street Journal vào hôm 31/3, giá ngũ cốc và gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây, do nhu cầu tích trữ tăng, trong khi nguồn cung bị siết lại.

Cụ thể, giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn giao dịch tại sàn Chicago (CBOT) đã tăng 15% kể từ giữa tháng 3, lên mức 5,72 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2kg, 1 bushel ngô = 25,4kg) vào hôm 30/3. Giá lúa giao dịch trên thị trường châu Âu cũng tăng mạnh do các biện pháp phong tỏa tại Pháp, một trong những nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới nhưng hiện là điểm nóng về lây nhiễm virus Vũ Hán khiến cho việc vận chuyển lúa trở nên khó khăn hơn. Cùng lúc, giá các mặt hàng gạo của Thái Lan đã tăng 17%, lên 490 USD/tấn tính từ đầu năm – theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế. 

FAO cho biết, các vấn đề về hậu cần vận chuyển cộng với sự mất giá đồng tiền nội địa tại nhiều nền kinh tế đang nổi đã khiến lúa gạo trở thành mặt hàng đắt đỏ với các nước nhập khẩu lương thực. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khủng hoảng lương thực tại các nước nghèo và các khu vực chịu tác động mạnh bởi bệnh dịch.

“Chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, trừ phi các biện pháp được tiến hành nhanh chóng để bảo vệ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và giảm ảnh hưởng của dịch cúm đối với hệ thống lương thực”, FAO nhấn mạnh.

Theo thống kê của FAO, có khoảng 820 triệu người (chiếm gần 12% dân số toàn cầu) hiện đang không đủ thực phẩm để dùng hàng ngày. Có khoảng 113 triệu người đang phải sống trong đói nghèo và cần phải trợ cấp lương thực. Và bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người yếu thế trong xã hội, trong đó có tới 300 triệu trẻ em.

Thiện Thành (t/h)