Người lòng dạ thâm độc thường cho rằng làm việc xấu mà không ai biết thì bản thân đã thoát tội, nên chẳng việc ác nào không làm. Thế nhưng, “trên đầu 3 thước có Thần linh”, người đang làm, Thần đang nhìn…
Ngạn ngữ có câu: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, lại cũng có câu: “Khi còn nhỏ ăn trộm cây kim sợi chỉ, khi lớn lên tất sẽ lừa gạt người. Lúc còn nhỏ coi trọng trung nghĩa thì lúc lớn lên tất sẽ hiếu thuận”. Có thể thấy, việc “tiểu ác” nếu tích tụ lâu dần sẽ trở thành “đại ác“, nó thường bất tri bất giác mà được nuôi lớn.
Trong công việc người ta thường sử dụng “khí cụ”, ví như công nhân thì dùng công cụ sản xuất, nông dân thì sử dụng cuốc cày, văn nhân thì sử dụng giấy bút các loại… thoạt nhìn chỉ là những vật phẩm nhỏ bé, nhưng lại vô cùng thiết yếu, bởi nó là công cụ quan trọng để người ta duy trì cuộc sống.
Có một câu chuyện xưa, kể về một người họ Thẩm, là người có tâm thuật bất chính, chỉ vì chút tư thù mà âm thầm phá hại khí cụ lao động của đối phương, hại người ta đến nỗi phải tha phương cầu thực, chịu cảnh đói khổ lạnh lẽo. Vậy kết cục của ông ấy ra sao? Ông ta có đắc được điều gì tốt? Đương nhiên là không, trái lại còn phải dùng cả tính mạng của cả nhà để hoàn trả.
Tranh chấp tiền lương, gieo mầm tai hoạ
Tại trấn Sa Khê thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) có người đàn ông tên Thẩm Mỗ, tuy rằng gia tài bạc triệu, nhưng lại không biết đủ mà lại thường hành ác ngang ngược, làm giàu một cách bất chính, đối với hàng xóm cũng không mấy thiện cảm.
Chẳng hạn như, có người hàng xóm cùng chung bờ cõi, Thẩm Mỗ liền tìm mọi cách để lấn qua đường biên, biến đất của người khác thành đất của mình; hoặc thấy ai có xe cày tốt, ông ta liền nghĩ cách mượn dùng, nhưng đối với lợi ích của bản thân thì lại rất lo lắng rằng người khác sẽ xâm hại.
Bên cạnh nhà Thẩm Mỗ có hai cha con họ Lưu, mưu sinh bằng nghề trạm trổ điêu khắc. Bởi vì tài nghệ điêu khắc của hai cha con họ Lưu rất cao siêu, nên khắp vùng ai ai cũng biết đến danh tiếng. Để có thể làm được những tác phẩm hoàn mỹ, hai cha con đã phải tìm mua những dụng cụ chạm trổ từ tận vùng Vân Nam đưa tới, bởi chất lượng chúng rất tốt.
Có một lần, Thẩm Mỗ muốn kiến tạo lại phòng ốc, nên đã đặc biệt thuê hai cha nhà họ Lưu đến điêu khắc cho mình. Hai cha con nhà họ Lưu vốn là người thật thà, không làm việc giả dối, hàng ngày đều chăm chỉ điêu khắc, phải mất đến hơn nửa năm mới hoàn thiện, khắc được những hoa văn tinh mỹ vô cùng.
Thế nhưng, đến lúc trả tiền công, Thẩm Mỗ lại tìm cách trả thiếu tiền. Cha con họ Lưu không cam tâm bị trừ tiền vô lý như vậy, liền cùng ông ta phân rõ phải trái, khiến Thẩm Mỗ ghi hận trong lòng, muốn tìm cơ hội để trả thù.
Có một ngày, chùa Báo Ân ở Nam Kinh muốn tạc tượng 500 vị La Hán, nghe nói cha con nhà họ Lưu chạm trổ tinh xảo có tiếng, liền bàn bạc mời họ về phụ trách công việc này, hơn nữa còn đưa tiền đặt cọc, cũng ấn định kỳ hạn hoàn tất công trình.
Sau khi Thẩm Mỗ biết chuyện liền nghĩ ra một kế, ông ta âm thầm thuê người cải trang thành thương gia, đi cùng cha con nhà họ Lưu. Thương gia giả mạo này đi được nửa đường đã thừa cơ hủy hoại toàn bộ công cụ chạm khắc của cha con họ Lưu rồi bỏ chạy mất dạng.
Cha con họ Lưu thấy vậy vô cùng hoảng sợ, nhưng vì đã nhận tiền đặt cọc, nên vẫn phải đến chùa đúng thời hạn. Lúc này, những thợ thủ công địa phương cũng đã tới chùa muốn tranh thủ giành lấy phần việc này. Cha con họ Lưu bởi vì đã mất đi khí cụ, thân ở nơi xứ người, nên cũng không dám tranh phần việc này, đành phải đem cơ hội giao cho người khác.
Rơi vào đường cùng, cha con nhà họ Lưu phải chấp nhận làm một số việc vụn vặt, chạy đông chạy tây mới hoàn lại được số tiền đặt cọc, xong việc còn phải kiếm lộ phí đi đường, vì vậy lưu lạc đến không còn một đồng nào, tay trắng hồi hương vô cùng bi thảm.
Hai cha con mỗi ngày đều ngửa đầu lên trời thở dài than trách số phận, cũng không hiểu sao lại rơi vào bước đường này, càng không thể tưởng tượng được đằng sau sự phá hoại kia lại là bàn tay của người hàng xóm Thẩm Mỗ.
Con dâu đứng ra khuyên can nên tránh được sự trừng phạt
Thẩm Mỗ làm rất nhiều việc xấu, nhưng lại đắc ý cho rằng “Thần không biết, quỷ không hay”, những người khác cũng không biết được ông ta rốt cuộc là người như thế nào.
Tuy nhiên, con dâu của ông ta đã biết được rất nhiều chuyện, liền thiện ý khuyên nhủ rằng: “Bố tạo nghiệp đã nhiều rồi, nên ngừng tay lại đi. Kẻo đến lúc ông Trời giáng tội trừng phạt, bố có chạy trốn cũng không được”.
Thẩm Mỗ không thể ngờ rằng con dâu lại dám “giáo huấn” mình như vậy, liền giận dữ nói: “Ngươi nói cái gì? Ta phạm tội gì mà bị ông Trời trừng phạt chứ? Ngươi là đồ con dâu bất hiếu, dám nói lời ác nguyền rủa ta, ta giữ ngươi ở nhà này còn có ích gì? Ngươi mau cút đi cho ta!”
Con dâu bất đắc dĩ phải thu thập hành lý, tạm thời về nhà mẹ đẻ để tránh mặt một thời gian. Mới ra khỏi nhà chưa đến một dặm, bỗng nhiên trời giáng mưa rào, một tiếng sấm long trời lở đất, cô vội trốn vào trong rừng cây để tránh mưa. Khi cô nhìn lại phía xa xa, thấy trong mây đen loáng thoáng xuất hiện một con rồng lớn, lao thẳng đến nhà Thẩm Mỗ, trong nháy mắt thổi bay tất cả gia sản không còn thứ gì, người nhà không phân biệt già trẻ tất cả đều bị chết cả, chỉ có cô một thân chạy về nhà mẹ đẻ nên may mắn thoát chết.
Tuệ Tâm