Từ đầu tháng 5, núi lửa ở Đảo Lớn của Hawaii đột nhiên phun trào mãnh liệt, mang lại một số bất an cho người dân trên đảo, nhưng đồng thời đó cũng là một kỳ quan với những điều thú vị.
Nguy hiểm thật nhưng núi lửa mang lại lợi ích cho Hawaii xét trên nhiều phương diện
Ngọn núi Kilauea tại Đảo Lớn của quần đảo Hawaii đã phun trào từ kể từ ngày 3/5/2018, đến nay vẫn chưa dứt. Ngọn núi lửa này bắt đầu hoạt động từ năm 1924, nhưng đây là đợt phun trào dữ dội nhất, phá hủy nhiều nhà cửa, buộc hơn 2.000 người di tản.
Hôm 17/5, núi lửa hoạt động “tích cực” hơn khiến đảo Hawaii Lớn chìm dưới đám mây tro bụi cao hơn 9.000 m. Dung nham hiện tiếp tục phun trào từ núi lửa Kilauea, tấn công và phá hủy nhiều khu dân cư.
Theo hãng tin Reuters, nhiều căn nhà đã bị thiêu rụi trong ngày 25/5 khi dòng dung nham nóng rực đốt cháy cả đất đá trên đường đi ra biển của nó.
Chưa kể đây cũng là một mối nguy khác bởi nhà chức trách đã cảnh báo rằng các dòng nham thạch tràn xuống Thái Bình Dương có thể sản sinh các luồng khí axit và nhiều hạt nhỏ độc hại trong không khí.
Tuy nhiên, ngoài những vùng bị dòng dung nham chảy qua gây thiệt hại, dân cư và khách du lịch ở phần còn lại của Đảo Lớn vẫn sinh hoạt bình thường. Khi Kilauea tiếp tục phun cột tro cao tới 9.000m và chính quyền đặt mức báo động đỏ, Ủy ban du lịch Hawaii vẫn khẳng định: “Chắc chắn không có lý do gì để du khách thay đổi lịch trình nghỉ dưỡng hoặc công tác của mình tại Hawaii vào thời điểm này”. Cơ quan này khẳng định mọi sân bay trên các hòn đảo đều hoạt động bình thường, ngọn núi lửa hoạt động nằm cách bờ tây Kohala và Kona, nơi tập trung phần lớn resort của Hawaii, 160 km.
“Không hòn đảo nào tại quần đảo Hawaii chịu ảnh hưởng từ núi lửa, trừ đỉnh Kilauae và một khu vực hẻo lánh phía đông đảo Hawaii, gồm khu tập trung dân cư Leilani Estates và phân khu Lanipuna Gardens ở quận Puna”. Để đề phòng, ban quản lý vườn quốc gia núi lửa Hawaii cách đó hơn 64 km phải đóng cửa và chính quyền đảo hạn chế du khách nghỉ lại phía Hạ Puna.
Kilauea là núi lửa hoạt động tích cực nhất trên thế giới, nó luôn khoác lên mình vẻ ngoài hung tợn và nóng nảy nhưng lại vô cùng thu hút đối với những ai muốn tận mắt chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên vốn rất nguy hiểm.
Với cấu tạo hình khiên đặc biệt, núi lửa Kilauea khi trào ra sẽ không bắn vụt lên cao mà chảy theo dòng và đổ ra biển rồi được nước biển làm nguội nhanh chóng, hình thành lớp địa chất mới cho đảo. Đây là điều giúp Kilauea trở thành điểm tham quan chứ không phải là nơi cần phải tránh xa như phần lớn các núi lửa đang hoạt động khác trên thế giới.
Theo Wikipedia, quần đảo Hawaii được hình thành hoàn toàn từ lớp mắc ma nóng chảy phun ra từ núi lửa, nhóm đảo Tây Bắc Hawaii già hơn rất nhiều so với quần đảo Đông Nam Hawaii mà điển hình là Đảo Lớn (Big Island of Hawaii) – đảo xa nhất, trẻ nhất khu vực và lớn nhất nước Mỹ.
Đảo Lớn được hình thành từ 5 ngọn núi lửa: Kohala, Mauna Kea, Hualalai, Mauna Loa và ngọn núi lửa trẻ nhất đến nay vẫn đang phun trào là Kilauea. Nét đặc biệt của Đảo Lớn còn được thể hiện ở sự tương phản vận động địa chất giữa vùng phía Tây Bắc và miền Đông Nam. Trong khi phía Tây Bắc già nua đã xuất hiện hiện tượng sạc lở, và đang chìm dần vào đại dương; thì miền Đông Nam có núi lửa Kilauea vẫn tích cực hoạt động, phun ra một lượng mắc ma đáng kể “có công” mở rộng diện tích cho đảo.
Người ta ví von Đảo Lớn như là nơi thiên đường và địa ngục đồng thời tồn tại. Thiên đường với những hẻm núi xanh mướt, bờ biển ngọc ngà cát dài trắng xóa. Địa ngục là nơi núi lửa chực phun trào với dòng dung nham nóng chảy lên đến 1.100 độ C quét sạch mọi thứ trên đường đi rồi đổ ra biển tạo nên những luồng khí độc chết người. Tuy nhiên, thú vị thay, cả hai phần “thiên đường” và “địa ngục” của đảo ngọc đều là điểm thu hút những du khách muốn trải nghiệm, khám phá.
Núi lửa và văn hóa tín thần của dân đảo
Ngày 14/5/2018, Facebook của The Science Academy đã đăng một đoạn video cận cảnh dung nham núi lửa. Video hiện đã thu hút hơn 5 triệu lượt xem và nhận được nhiều bình luận của công dân xứ cờ hoa.
Nhiều người cầu nguyện cho những người bị mất nhà cửa và các nạn nhân, cầu mong Chúa Trời thương xót và phù hộ cho người dân trên đảo. Một số nhận xét đây là quá trình tự nhiên, sẽ giúp Đảo Lớn mở rộng diện tích. Nhưng bất ngờ là có nhiều người liên tưởng đợt phun trào mãnh liệt này là sự nổi giận của Mẹ Đảo Tafiti, và mong Maui trả lại trái tim cho bà. Người ta có cảm tưởng như quỷ Teka đang sống dậy và bao trùm lên rìa Đông Nam đảo ngọc một màu đỏ nóng bỏng và khói bụi.
Trong phim hoạt hình “Hành trình của Moana” của Walt Disney xuất hiện quỷ lửa Te Ka, là hóa thân ma quái của Mẹ Đảo, hung bạo và ghê rợn khi bị đánh cắp trái tim. Mẹ Đảo đau đớn và giận giữ khi có những con người với uy quyền được Thần giao phó để mang đến sự phồn vinh cho dân đảo lại cố tình làm những việc ngu ngốc vì sự ích kỷ của bản thân.
Điều này làm ta dễ liên tưởng đến xã hội ngày nay, con người ngày càng vì lợi nhuận và vật chất trước mắt mà làm tổn hại sự sống, quay lưng với thiên nhiên. Trong “Hành trình của Mona” có một thứ bóng tối khủng khiếp lan tràn dần ra các đảo, và hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải về môi trường.
Một điều thú vị nữa về quần đảo Hawaii, đó là tên của đảo Maui ở trung tâm quần đảo Hawaii được đặt tên theo vị Á Thần Maui trong truyền thuyết.
>>> Maui – Á Thần của Gió và Biển cả trong thần thoại Hawaii
Các truyền thuyết về Á Thần Maui – vốn là người thường nhưng được các vị Thần ban cho quyền năng – và Mẹ Đào Tafiti – người mang lại sự sống – không chỉ là một nét độc đáo trong văn hóa đảo Hawaii mà còn được lưu truyền khắp các đảo Thái Bình Dương, bao gồm quần đảo Hawaii, Mangareva, Tahiti, Tonga, Samoa, New Zealand…
Video núi lửa Kilauea phun trào và đổ xuống biển:
>>> Hành trình của Moana – Sự thức tỉnh của những tâm hồn bị quên lãng
>>> “Hành trình của Moana” của Disney phải chăng muốn truyền tải ý chỉ của Thần?
Dương Xuân Nhạn (t/h)