Có lẽ xưa nay chúng ta thường hay nghe về thuật bói chỉ tay, xem tử vi, tử bình, hoặc bốc quẻ… để biết được hung cát của một người. Nhưng lạ thay, thời xưa có một kỳ nhân có thể đoán chính xác về vận mệnh của một người thông qua cách người đó chơi nhạc.
Vào đời vua Đường Đức Tông ở triều đại nhà Đường, có một người tên là Tùng Nham dâng lên vua hai quyển nhạc phổ. Hoàng đế Đường Đức Tông xem hai quyển nhạc phổ này xong cảm thấy rất ấn tượng và đã cho mời Tùng Nham vào cung.
Nhà vua cho Tùng Nham ngồi đối diện để bàn luận về âm nhạc. Các nhạc công trong triều và từ phủ Tuyên Uy cũng được mời đàm đạo.
Vài ngày sau, vua cho tổ chức một buổi tấu nhạc. Khi các nhạc công trong triều biểu diễn xong, nhà vua hỏi Tùng Nham: “Khanh thấy màn biểu diễn hôm nay hay và dở ở chỗ nào?”. Tùng Nham chỉ im lặng không nói gì. Có vài nhạc công thấy vậy đã cười nhạo, giễu cợt ông.
Những lời đó khiến ông tức giận. Bằng giọng điệu quả quyết, ông bẩm với hoàng đế rằng: “Thần nghe các nhạc công chơi nhạc rất hay, nhưng thần đoán ra được có vài người lần sau không còn có cơ hội biểu diễn thêm nữa”.
Nghe vậy, Đường Đức Tông không khỏi tò mò và hỏi ông: “Đó là những nhạc công nào vậy?”. Tùng Nham liền chỉ tay vào một người nhạc công chơi đàn tỳ bà và nói: “Người này đã phạm tội đại nghịch bất đạo, khó có thể dung thứ. Ông ta sẽ sớm bị hình pháp trừng trị, do vậy, ông ta không còn có thể biểu diễn trước mặt vua nữa”.
Tiếp đó, Tùng Nham chỉ ra một nhạc công chơi sáo: “Hồn của người này đã rời khỏi xác và đang quanh quẩn trong một nghĩa trang. Người như vậy sao có thể phục vụ nhà vua?”. Hoàng đế Đường Đức Tông nghe vậy thì mặt mày biến sắc và ra lệnh theo dõi hai nhạc công này.
Không lâu sau, quả nhiên có người đâm đơn kiện người nhạc công chơi đàn tỳ bà lên quan phủ. Theo như cáo trạng, sáu bảy năm về trước, cha của người nhạc công vô duyên vô cớ treo cổ tự tử. Người kiện cáo cho rằng người cha chết đi là do bị con trai của mình giết hại. Qua điều tra, người nhạc công đã nhận tội giết cha và bị quan phủ kết án tử hình.
Còn người nhạc công chơi sáo thì chán ăn và lo lắng không yên, hơn 10 ngày sau ông mất.
Hoàng đế Đường Đức Tông thấy những tiên tri của Tùng Nham ứng nghiệm, nên càng trọng dụng và phong chức cho ông, còn nhiều lần mời ông vào cung. Sợ Tùng Nham bói ra những chuyện không may nên hễ khi nào ông nghe tấu nhạc cùng vua, các nhạc công đều tỏ ra bất an, lầm lì và không dám nhìn thẳng vào mắt ông. Thấy vậy, Tùng Nham e rằng họa sát thân sẽ ập đến với mình, không lâu sau ông cáo bệnh về quê.
Bảo San biên dịch
Xem thêm: