Càng phàn nàn, chúng ta càng buộc trí óc tập trung vào những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống. May mắn thay, chúng ta có thể loại bỏ thói quen xấu này và bắt đầu với tư duy và quan điểm tích cực hơn.
Chúng ta đều biết có những người luôn tìm điều gì đó để phàn nàn, có lẽ chúng ta cũng là một trong số đó. Một nghiên cứu mới đây cho thấy việc than phiền mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến bộ não của chúng ta. Tuy nhiên vì bộ não là một cơ quan kỳ diệu có khả năng phản hồi, nên chúng ta có thể đảo ngược những tác động này. Nhưng bước đầu tiên là chúng ta cần nhận thức được vấn đề.
Bạn thường nghĩ gì đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng? Bạn lo sợ về một ngày phía trước? Trời âm u mà bạn phải ra khỏi giường, bạn thấy mình có tâm trạng cáu gắt? Vâng, nếu bạn thấy vậy thì hãy thay đổi, bây giờ vẫn chưa phải là quá muộn. Hay than phiền có thể trở thành thói quen, và làm vậy càng khiến chúng ta tiếp tục than phiền. Chỉ cần một chút nỗ lực, chúng ta có thể phá bỏ thói quen không tốt này và bắt đầu nhìn thế giới với quan điểm tích cực hơn.
Tính khả biến thần kinh
Trong vài thập kỷ qua, nhờ sự phát triển về nghiên cứu não bộ và khoa học thần kinh, giờ đây chúng ta có thể thấy rằng bộ não thực sự có khả năng tự hồi phục. Tuy nhiên, việc thực hiện những điều chỉnh cần thiết ra sao để thay đổi thái độ với cuộc sống là tùy thuộc vào chúng ta. Tính khả biến thần kinh có nghĩa là bộ não có khả năng thay đổi và hình thành các kết nối thần kinh, cho phép chúng ta phá vỡ thói quen cũ, hình thành những thói quen mới, học các kỹ năng mới, phát triển, thay đổi và về cơ bản là tiến bộ.
Vì bộ não có tính khả biến thần kinh nên chúng ta có khả năng:
- Gia tăng trí thông minh
- Học các kỹ năng mới.
- Phục hồi một số loại tổn thương não nhất định.
- Thông minh cảm xúc hơn.
- Loại bỏ những niềm tin, thói quen và hành vi có hại.
Tốt hơn hoặc tệ hơn
“Các nơ-ron thần kinh có thể đấu với nhau, hoặc liên kết với nhau”.
Cần nhớ rằng, giống như con dao hai lưỡi, nếu chúng ta tích lũy các thói quen và hành vi gây bất lợi cho cuộc đời mình như than phiền thì quả thực chúng ta đang làm các kết nối của não bộ xấu đi.
Theo Tiến sĩ Alex Korb, tác giả của quyển sách “The Upward Spiral: Using Neuroscience to Reverse the Course of Depression, One Small Change At A Time” (Tạm dịch: Đường xoắn ốc hướng lên: Sử dụng thần kinh học để đảo ngược chiều hướng phiền muộn từng chút một):
“Khi tâm trạng chán nản, về cơ bản không có gì sai với não bộ. Lúc đó đơn giản là các mạch thần kinh tạo ra tình trạng suy sụp đang được điều chỉnh. Nó phải hành động theo cách não bộ đối phó với căng thẳng, lập kế hoạch, thói quen, ra quyết định và hàng loạt các việc khác – sự tương tác năng động của tất cả các mạch đó. Và một khi mô hình thần kinh bắt đầu hình thành, nó gây ra nhiều thay đổi tinh vi xuyên suốt não bộ để tạo ra một vòng xoắn hướng xuống”.
Hay than phiền ảnh hưởng thế nào đến não bộ?
Khi chúng ta bị cuốn vào thói quen phàn nàn liên tục, dù dưới hình thức suy nghĩ trong đầu hay to tiếng với người mà mình tiếp xúc, thì sẽ ngay lập tức thay đổi tiến trình suy nghĩ của chúng ta. Suy nghĩ bị thay đổi dẫn đến niềm tin thay đổi, và chắc chắn sẽ dẫn đến hành vi thay đổi theo.
Thực ra, bộ não của chúng ta sở hữu một dạng được gọi là thiên hướng tiêu cực, có nghĩa là bộ não có khuynh hướng tập trung nhiều hơn vào những gì sai chứ không phải vào những việc đúng đắn hay sự kiện tích cực trong cuộc sống. Dần dần, những suy nghĩ tiêu cực này thực sự có thể lấn át những trải nghiệm tích cực, thậm chí bạn sẽ không thể nhận thấy những sự kiện tích cực đang diễn ra trong cuộc sống của mình.
Nhà thần kinh học, Tiến sĩ Rick Hanson tổng kết về thiên hướng tiêu cực khá độc đáo như sau: “Kích thích tiêu cực tạo ra nhiều hoạt động thần kinh hơn so với những kích thích tích cực ngang bằng. Chúng cũng dễ dàng và nhanh chóng được lĩnh hội hơn”.
Vì vậy, bằng cách liên tục cho phép bản thân than phiền, chúng ta đang gia cường cho hành vi này và như đã đề cập ở trên, bước đầu tiên hướng tới việc thay đổi là trở nên nhận thức về vấn đề. Chưa kể, bạn nên xem xét vấn đề và cân nhắc những suy nghĩ tiêu cực của bạn.
>>> Sự khác biệt đáng ngạc nhiên giữa não bộ của người thiền định và không thiền định
>>> Y học: Thiền định giúp khai mở trí tuệ, tăng kích thước não bộ
Làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi não bộ?
Ở đây không nói rằng lúc nào chúng ta cũng cần phải “suy nghĩ tích cực”, đây là một quan niệm sai lầm phổ biến trong thời đại mới, nhưng chúng ta nên thực hiện các hành động cần thiết để chống lại những tác động của suy nghĩ tiêu cực mọi lúc mọi nơi.
Một kỹ thuật đơn giản và hiệu quả là đeo vòng tay phàn nàn. Bạn chỉ cần đeo một chiếc vòng tay bất kỳ, miễn là có thể dễ dàng tháo ra, và mỗi khi bạn thấy mình có suy nghĩ phàn nàn hoặc to tiếng với người khác, bạn hãy chuyển nó sang cổ tay kia. Mục đích là để xem bạn có thể giữ được bao lâu mà không phải chuyển vòng tay. Kỹ thuật này cũng rất hiệu quả vì cho bạn biết bạn đã thực sự phàn nàn nhiều như thế nào lúc đầu.
Các bài thiền định và sự tỉnh táo
Nhà nghiên cứu tâm lý học tích cực Barbara Fredrickson và đồng nghiệp của cô ở Đại học Bắc Carolina đã chỉ ra những người tập thiền hàng ngày có những cảm xúc tích cực hơn những người không tập như thế nào.
Sau thí nghiệm kéo dài 3 tháng, nhóm nghiên cứu của Fredrickson phát hiện rằng: “Những người thiền định hàng ngày thường tỏ ra tỉnh táo hơn, sống có mục đích, [hay] giúp đỡ cộng đồng và giảm được các triệu chứng bệnh tật”.
Nếu bạn là người mới đến với thiền định, có rất nhiều phương pháp rất tốt để giúp bạn bắt đầu. Chỉ cần 15 đến 20 phút mỗi ngày là đủ để thay đổi trí óc và toàn bộ cuộc sống của bạn tốt hơn!
Bảo Long, theo CE