Có một lý do tại sao người ta nói “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Những con đường ở La Mã là trung tâm của đế chế cổ xưa vĩ đại, chúng đã liên tục được xây dựng từ khoảng năm 300 TCN xuyên suốt công cuộc mở rộng và củng cố của đế chế La Mã trong nhiều thế kỷ.
Giống như các tĩnh mạch bơm máu đến tim để giữ cho bộ máy cơ thể người được sống, những con đường ở La Mã giúp cho đế chế tồn tại vững mạnh. Mạng lưới đường xá của La Mã được mở rộng dường như vô tận tới các vùng lãnh thổ mà đế chế này nắm giữ, và toàn bộ mạng lưới đó đều bắt đầu từ Rome.
Nhờ cơ sở hạ tầng phát triển này, quân đội, quan chức và thường dân ở La Mã có thể dễ dàng đi lại hoặc giao thương với nhau. Từ các con đường nhỏ đến lớn hay các trục đường chính của thời La Mã cổ đại đa số đều được lát đá. Chúng kết nối các thành phố lớn, căn cứ quân sự hoặc các địa điểm chiến lược quan trọng với nhau. Các tuyến đường cũng được xây lối đi bộ ở hai bên lề, giúp cho người cưỡi ngựa có thể dễ dàng đi lại, và còn có cả mương rãnh thoát nước.
Hành trình Antonine (Hành trình của hoàng đế Antoninus) là một tài liệu mô tả hệ thống đường xá La Mã trong suốt triều đại của hoàng đế Augustus. Trong đó có viết: “Hầu như không một huyện nào mà các quan chức La Mã được cử đi phục vụ dân sự hoặc quân sự, mà không tìm thấy các con đường“. Ngoài một số ngoại lệ như lãnh thổ phía bắc Hadrian’s Wall ở Anh và một vài tỉnh phía đông của sông Euphrates, còn lại toàn bộ đế quốc đều có rất nhiều đường xá.
Đã bao giờ bạn tưởng tượng mạng lưới đường xá cổ xưa này được trình bày như một bản đồ tàu điện ngầm hiện đại, mà chúng ta hay thấy ở các ga tàu điện ngày nay chưa?
Sasha Turbetskoy, nổi tiếng với cái tên “mọt sách địa lý và dữ liệu”, đã nhận lấy thử thách này và tạo ra bản đồ thông minh mô tả những con đường La Mã như các tuyến tàu điện ngầm.
Turbetskoy, 21 tuổi, hiện là sinh viên chuyên ngành thống kê tại Đại học Chicago. Anh nói: “Có một sự hấp dẫn ở Rome về khả năng tạo ra một đế chế khổng lồ và hiện đại như vậy, cả một di sản của họ vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay”.
Các dữ liệu Trubetskoy cần để tạo ra các bản đồ có nguồn gốc từ mô hình ORBIS của Stanford, dự án Pelagios, và Hành trình Antonine được nhắc đến ở trên. Trubetskoy giải thích rằng bản đồ này chỉ mô tả các con đường chính, vì không thể bao quát hết các mạng lưới đường xá của La Mã được. Đương nhiên, khu vực ở trung tâm và các thành thị được ưu tiên trước, và tác giả cũng đã tự đặt tên một vài con đường mà đến giờ chưa có tên. Một số tuyến đường vốn chồng chéo nhau cũng được kết hợp thành một.
Trong thời hoàng kim của đế quốc La Mã, mạng lưới đường bộ được ghi lại là hơn 250.000 dặm. Trong đó khoảng 50.000 dặm được lát đá. Chỉ riêng ở Gaul, khoảng 13.000 dặm đường đã được nâng cấp, và tại Anh ít nhất là 2.500 dặm. Những con số được tính toán ra ở đây rất khổng lồ, nhưng Turbetskoy đã thành công trong việc gói ghém mạng lưới rối rắm này vào bản đồ tàu điện ngầm gọn gàng và dễ hiểu.
Nhiều con đường đã tồn tại hàng thế kỷ, và ngày nay chúng đang bị những con đường hiện đại che khuất dần. Rome là một đế chế rất tài giỏi, xây dựng và sản xuất là một trong những thế mạnh của họ. Hầu hết các nhà sử học đều đồng tình rằng, Rome có chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các sáng tạo công nghệ để hỗ trợ cho quân đội cũng như những tham vọng trong việc tạo ra và duy trì một đế chế rộng lớn.
Bạn có thể xem các bản đồ dưới đây:
Bản đồ của Turbetskoy đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về Đế quốc La Mã trong khoảng năm 125 SCN.
Thật khó mà tưởng tượng được có bao nhiêu nhân lực và vật lực đã được huy động, cũng như phải mất thời gian bao lâu để làm nên hệ thống mạng lưới đường xá rộng lớn đến vậy. Một số con đường đó vẫn còn tồn tại ở điều kiện khá tốt cho tới tận ngày nay.
Hồng Liên, theo TVN