Tinh Hoa

Kết cục bi thảm của những nhân viên Phòng 610 vì bức hại người tu luyện

Kể từ khi ra đời vào ngày 10/6, hệ thống 610 hay còn gọi là “Phòng 610” của Trung Quốc đã tiến hành đàn áp tàn khốc đối với những người tu luyện Pháp Luân Công. Thế nhưng, đạo trời là công bằng, những người hành ác đều phải nhận kết cục bi thảm.

Bức hại người tu luyện, rất nhiều nhân viên Phòng 610 đã phải nhận kết cục bi thảm. (Ảnh: NTDTV)

Vào ngày 10/6/1999, tập đoàn Giang Trạch Dân vì muốn tập trung đàn áp Pháp Luân Công nên đã cho thành lập Tổ 610 Trung ương, việc thiết kế ra văn phòng này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, do Ủy ban Chính trị Pháp luật và ông Giang Trạch Dân trực tiếp điều hành.

Tổ chức này tương tự như tổ chức Gestapo của Đức Quốc xã và Tổ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nó đứng trên cả hệ thống pháp luật, có nhiệm vụ đàn áp trên quy mô rộng các học viên Pháp Luân Công.

Phòng 610 của ông Giang Trạch Dân ngoài quản lý chung cả về công an, kiểm sát, pháp luật, còn can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác nhau như đặc vụ, ngoại giao, tài chính, quân đội, y tế, thư tín, vậy là nó có thể điều động hầu như các cơ quan quyền lực trên toàn quốc.

Trong dân gian Trung Quốc có câu châm ngôn “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, có thể thấy rõ qua những người đứng đầu Phòng 610 như Lý Đông Sinh, thái tử Đảng Bạc Hy Lai, nguyên Cục trưởng Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chu Vĩnh Khang… đều đã vào nhà lao; hiện nay những người khác như ông Giang Trạch Dân, Lý Lam Thanh, La Cán, Vương Mậu Lâm, Lưu Kinh, đều bị Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công truy hỏi, bị kiện lên Tòa án Quốc tế.

Những cái chết bất thường hay sự ngã ngựa của nhiều quan chức Phòng 610 được xem như là quả báo mà họ phải trả cho những việc làm sai trái của mình. Tín ngưỡng truyền thống Trung Quốc cho rằng những quả báo như vậy thậm chí có thể xảy đến trực tiếp với những thành viên trong gia đình họ ngay lập tức.

Từng được coi là những vị trí đáng ao ước, đảm bảo mang lại những khoản thu nhập đặc biệt, các vị trí tại Phòng 610 dần dần được coi như cái bẫy chết người và không còn được trông đợi nữa.

Dưới đây là thu thập từ mạng Minh Huệ về những thành viên Phòng 610 bị chết bởi nhiều lý do khác nhau, người ta đều tin rằng đây là bị quả báo, bởi vì người chết đều là người đứng đầu phòng 610 ở các địa phương.

Các nhân viên Phòng 610 dùng mọi cách để tra tấn những người tu luyện Pháp Luân Công. (Ảnh: Falunart)

Năm quan chức Phòng 610 ở chính quyền trung ương chịu quả báo

Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công An (giai đoạn năm 2002-2007) là Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật nhiệm kỳ năm 2007-2012. Năm 2007, ông lên thay La Cán và đứng đầu Nhóm lãnh đạo Phòng 610. Đến cuối năm 2013, ông bị điều tra và bị kết án vào tháng 6/2015 với án tù chung thân.

Lưu Kinh, giám đốc Phòng 610 từ năm 2001 đến năm 2009, đóng vai trò là công cụ thi hành chính sách bức hại của Giang Trạch Dân. Sau đó ông ta được chuẩn đoán bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối.

Sau 7 năm giữ chức phó trưởng Ban Tuyên truyền trung ương, Lý Đông Sinh được bổ nhiệm chức giám đốc Phòng 610 từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2013. Ông cũng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công An trong cùng giai đoạn đó. Sau khi đã tận lực đàn áp Pháp Luân Công thông qua công tác tuyên truyền vào bạo lực, năm 2013 ông đã bị điều tra về tham nhũng và bị kết án 15 năm tù vào năm 2016.

Lý Lam Thanh, giám đốc đầu tiên của nhóm lãnh đạo Phòng 610 và là cựu Phó Thủ tướng, là người chỉ đạo cuộc bức hại Pháp Luân Công trong những ngày đầu. Sau khi cháu họ của ông ta bị cảnh sát đánh đập đến chết vào năm 2001 và chứng kiến hậu quả mà các quan chức khác gặp phải do bức hại những người vô tội, ông đã từ chức khỏi vị trí này.

Chu Bản Thuận, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, thư ký của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đồng thời cũng là thành viên của nhóm lãnh đạo Phòng 610, đã bị bắt giữ vào tháng 7/2015 để điều tra và bị tuyên án 15 năm tù giam do nhận hối lộ.

Các trường hợp gặp quả báo khác ở các cấp chính quyền thấp hơn

Tỉnh Cam Túc

Lưu Ngũ Khánh, Bí thư Đảng ủy của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Khánh Dương và Trưởng Phòng 610 thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, đã chết vào tháng 08/2006 sau khi bị ung thư trong một thời gian dài.

Trưởng Phòng 610 huyện Khánh Dương là Môn Ý Kính, và nhân viên của ông ta là Bạch Duy Quyền, cả hai đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi khi đang trên đường đến cưỡng bức các học viên “chuyển hóa”. Chiếc xe đã bị lật.

Vào 11 giờ chiều ngày 23/12/2011, Chủ nhiệm Phòng 610 huyện Ninh tỉnh Cam Túc là Mạnh Triệu Khánh chạy xe trên đường cao tốc đâm vào đuôi một chiếc xe phía trước khiến thùng dầu bén lửa, xe bị cháy làm Mạnh Triệu Khánh tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn của ông Mạnh Triệu Khánh. (Ảnh: Paoshouji)

Tỉnh Cát Lâm

Vương Phúc Niên, Giám đốc Phòng 610 thành phố Mai Hà Cửa và đồng nghiệp của ông ta là Chu và Lưu Bằng đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi trong khi đang trên đường đến bắt các học viên Pháp Luân Công vào ngày 08/11/2004. Xe hơi của họ bị rơi khỏi cầu.

Tỉnh Thiểm Tây

Lô Hạc Minh, Giám đốc Phòng 610 thành phố Hán Trung và Phó Bí thư Văn phòng Ủy ban thành phố Hán Trung đã chết trong một vụ đâm xe, khi ông ta đang đi cùng với con gái, con rể, cháu ngoại cùng với hai thư ký đi ra ngoài vào ngày 23/03/2013. Chiếc xe jeep hiệu Mitsubishi đã bị kẹp vào giữa hai chiếc xe tải khi họ lái xe vào một đường hầm ở huyện Phật Bình. Lô Hạc Minh cùng với con gái và hai thư ký đã chết ngay lập tức.

Tỉnh Hà Bắc

Tôn Bảo Nguyên, 44 tuổi, là Trưởng Phòng 610 huyện Diêm Sơn, thành phố Thương Châu. Ông ta đã bị chết ngay lập tức khi chiếc xe hơi của ông đâm phải một chiếc xe tải vào ngày 30/05/2010.

Tỉnh Hồ Bắc

Trương Thạch Minh, Giám đốc Phòng 610 đầu tiên của thành phố Hoàng Cương, đã chết vì bị đau tim vào ngày 13/02/2005 khi mới 48 tuổi. Vương Khắc Vũ, lãnh đạo Phòng 610 thành phố Hoàng Cương cũng đã bị ung thư gan khi làm việc tại vị trí này ở năm thứ hai, và đã chết vào tháng 04/2005.

Tỉnh Giang Tây

Đinh Hâm Phát, Phó Giám đốc Công an tỉnh Giang Tây chịu trách nhiệm bức hại các học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù chung thân vào năm 2007.

Từ Tiểu Cương, Giám đốc Phòng 610 thành phố Cửu Giang đã bị kết án 17 năm.

Bành Kim Sinh, Giám đốc Phòng 610 Cửu Giang đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 2002 khi đang trên đường đến bắt các học viên Pháp Luân Công.

Lý Kiến Hoa, Giám đốc Phòng 610 đầu tiên của huyện Cửu Giang đã chết vì bị một căn bệnh đột ngột vào cuối năm 2007.

Tỉnh Hắc Long Giang

Lý Giai Minh, Trưởng Phòng 610 thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ đã chết vì một cơn đau tim vào ngày 07/07/2012, khi ông ta đang trên đường đi tới siêu thị cùng với vợ, lúc 49 tuổi.

Điền Lập Quân, nguyên Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Mẫu Đơn Giang đã chết vì bệnh ung thư. Một đồng nghiệp của ông là Lý Trường Thanh, Phó Bí thư và là Trưởng Phòng 610 đã chết vì căn bệnh ung thư vào ngày 22/07/2007. Người kế vị là Phan Ảnh cũng đã bị ung thư.

Vương Chí Kiệt, nguyên Chính ủy và nguyên Trưởng Phòng 610 thành phố Tuy Hóa đã chết vì bệnh ung thư vào ngày 14/04/2009.

Thôi Nghĩa Văn, nguyên Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hải Lâm đã ngã xuống nước mà chết.

Vì niêm tin vào chân lý “Chân – Thiện – Nhẫn”, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền bức hại tàn bạo. (Ảnh: Falunart)

Tỉnh Sơn Đông

Tháng 10/2014, Phó Chủ nhiệm Phòng 610 tại Thanh Đảo là Triệu Mẫn bị lập án điều tra vì tội tham ô, và đến tháng 10/2015 bị xử tù 8 năm 6 tháng. Triệu Mẫn đã gây nhiều tội ác vì theo ông Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công.

Vu Dược Tiến, Giám đốc Phòng 610 ở sở cảnh sát thành phố Lai Dương đã chết vì một cơn đột quỵ vào ngày 20/04/2011, ngay sau khi mới nghỉ hưu ở tuổi 54. Vợ ông ta là Khương Lệ Na đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi vào ngày 25/07/2008.

Lưu Duy Đông, Phó Giám đốc Phòng 610 thành phố Tê Hà, tỉnh Sơn Đông đã chết vì bị ung thư ruột kết vào tháng 2/2012, lúc 50 tuổi.

Lý Tăng Quang ở Phòng 610 thành phố Tê Hà đã chết vì bị ung thư tuyến tụy vào năm 2004. Mã Diễn Hội, phó trưởng Phòng 610 thành phố Long Khẩu đã chết vì ung thư trực tràng vào năm 2007. Vợ của Từ Đông Thăng, phó Phòng 610 thành phố Hải Dương đã bị ung thư vú và con trai ông ta đã chết trong một tai nạn xe hơi. Tống Thư Cần, nguyên phó Phòng 610 thành phố Chiêu Viễn đã bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng vào tháng 11/2009.

Nội Mông Cổ

Lý Quần, trưởng Phòng 610 thành phố Nha Khắc Thạch đã chết vì ung thư. Người kế nhiệm ông ta là Lâm Hải Thanh cũng đã bị ung thư giai đoạn cuối.

Tỉnh Vân Nam

Dương Hưng Nguyên, một cán bộ chủ chốt của Phòng 610 tỉnh Vân Nam đã bị ốm nặng và chết vào năm 2008.

Viên Thọ Tường, bí thư đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hồng Hà Châu đã chết vì ung thư gan.

Bành Trung Phát, trưởng Phòng 610 huyện Kiến Thủy, đã chết vì ung thư.

Cha của Giang Dũng Trung, nhân viên Phòng 610 thành phố Hà Nam, bị liệt, và mẹ ông ta bị mù.

Tỉnh Hải Nam

Vương Trung Tuấn, trưởng Phòng 610 huyện Định An một lần đã cao giọng nói: “Học viên Pháp Luân Công các người thường nói về quả báo. Vậy đâu là quả báo? Tôi đã bắt giữ nhiều các học viên Pháp Luân Công, nhưng tôi vẫn có một cuộc sống sung túc, khỏe mạnh. Tôi chưa nhìn thấy quả báo đâu cả”. Trong vòng chưa đầy một tháng sau khi nói những lời này, con trai duy nhất của ông ta đã chết do bị rò rỉ khí ga và vợ ông ta đã nhảy xuống giếng chết vào ngày 08/05/2004.

Bài học chưa từng biết

Những ai đã tham gia bức hại người tu luyện vô tội, dù là làm theo lệnh, hãy hối cải trước khi quá muộn màng. (Ảnh: Falunart)

Vương Thư Hàn, trưởng Phòng 610 cấp quận tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã ngược đãi các học viên một cách tàn nhẫn. Khi một học viên cố gắng can ngăn thì ông Vương đã phản ứng lại: “Tôi không sợ quả báo. Tôi đã bỏ tù nhiều học viên và tôi chẳng làm sao cả”. Sau đó ông đã qua đời trong một tai nạn xe hơi trong khi lái xe từ Song Dương tới Trường Xuân vào tháng 6/2010.

Lưu Vượng, một nhân viên của Phòng 610 tại Thiên Tân, từng đánh đập nghiêm trọng ba học viên. Lưu không tin rằng làm việc ác sẽ bị trừng phạt và phải đền tội và anh ta đã nói: “Ngay cả khi cuộc sống của tôi có ngắn đi 10 năm thì tôi vẫn sẽ đánh ông”. Lưu đã đổ bệnh sau đó và chết trên đường đến bệnh viện.

Lý Bính Toàn, nhân viên Phòng 610 tại một ngôi làng ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đã nói: “Tu luyện chỉ vô nghĩa thôi. Nếu anh có thể tu luyện thành công, tôi sẽ sẽ chết ngay trước mặt anh”. Vài ngày sau đó, Lý đã đổ bệnh mà chết.

Phùng Cửu Vĩ, nhân viên Phòng 610 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã được chuẩn đoán bị hoại tử mô xương. Cho rằng căn bệnh của mình có thể liên quan tới vị trí của mình trong cuộc bức hại, anh ta đã từ chức khỏi vị trí làm việc của mình.

Anh đã nói với những người khác rằng: “Nếu tôi biết sớm hơn, tôi đã không làm việc tại Phòng 610”. “Tôi vui vì mình đã dừng lại kịp thời, nếu không thì bây giờ tôi đã chết rồi”.

*****

Người ta thường nói: “Trên đầu ba thước có thần linh” hay “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Con người dù là ai cũng đều phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Những bài học trong lịch sử về bức hại tín ngưỡng, bức hại người tu luyện có rất nhiều, và kết cục cuối cũng người ta đều thấy rõ cả, thậm chí cả một đế chế hùng mạnh như La Mã cũng không tránh khỏi diệt vong chỉ vì bức hại tín đồ Cơ Đốc giáo.

Trước những sự việc này, vẫn có nhiều người cho rằng chúng chỉ là sự ngẫu nhiên, không thể nói là có liên quan đến việc tham gia bức hại Pháp Luân Công. Tuy nhiên, nếu trầm tĩnh suy xét, thì thấy mọi việc trên đời này xảy đến đều không hề ngẫu nhiên. Làm việc ác tất sẽ có báo ứng, đó là quy luật bất biến của trời đất. Thần Phật luôn từ bi cảnh báo và cho con người cơ hội, chỉ là con người vẫn trong vô minh không tin mà thôi!

Ghi chú:

Pháp Luân Công là một môn khí công tu Phật, vừa luyện thân thể theo 5 bài khí công, vừa tu tâm tính theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Phật gia được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng từ năm 1992.

Do số lượng người tu tập quá đông (hơn 70 triệu người sau 4 năm theo số liệu công khai của nhà nước Trung Quốc, nhiều hơn số đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc), nên khiến chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ cảm thấy lúng túng, lo sợ và bản thân ông Giang Trạch Dân đã ra quyết định đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7/1999 mặc dù vấp phải sự phản đối của 8 Ủy viên thường trực Bộ Chính trị.

TinhHoa tổng hợp