Nói về các nhà tiên tri, người ta thường nghĩ ngay tới Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang, Lưu Bá Ôn, v.v… ít ai ngờ rằng, Khổng Tử cũng có được khả năng đặc biệt này.
Khổng Tử từng bái Lão Tử làm thầy, lại từng dốc lòng chuyên tâm nghiên cứu Kinh Dịch. Cho nên, đối với Khổng Tử mà nói, ông không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà biên khảo nổi tiếng mà còn là nhà dự ngôn của Trung Hoa cổ đại mà nhiều người chưa biết đến.
Cho dù người đời sau đã quen thuộc với tài liệu ghi chép “Luận ngữ”, nhưng các “nhà Nho” sau này tuy đã nêu ra chuyện “Tri thiên mệnh” của Khổng Tử nhưng lại nêu chưa rõ ràng. “Nghi cổ phái” thời cận đại thậm chí còn tránh không nhắc đến chuyện này, mà chỉ nhấn mạnh một cách phiến diện rằng: “Quân tử không nói chuyện ma quỷ”, “Phụng sự cho người còn chưa thể, thì nói gì đến phụng sự cho ma quỷ”, “Chưa biết sống ra sao, thì làm sao biết chết thế nào”. Điều này thật là có một khoảng cách tương đối lớn so với trí tuệ thật sự của Khổng Tử.
Cả đời Khổng Tử chuyên tâm vào việc chỉnh lý, truyền thừa, phát dương nền văn hóa truyền thống văn minh cổ đại của Trung Hoa, dưới đây là bài viết nhằm chia sẻ với người đọc về các tài liệu chính sử, tạp sử và các ghi chép của nhiều nhà nghiên cứu cách thời Khổng Tử không xa về ông, hy vọng rằng qua đó có thể thể hiện một chút lòng thành kính với khả năng “tri thiên mệnh” của Khổng Tử, và cũng xem như là không hổ thẹn với tấm lòng khổ tâm của vị tiên sư chí thánh như ngài.
Câu chuyện của Chung Ly Ý và Đổng Trọng Thư
Đầu những năm Vĩnh Bình thời Đông Hán, Chung Ly Ý người ở quận Hội Kê, tự là Tử A, nhậm chức Thừa tướng nước Lỗ. Sau khi nhậm chức, ông đã lấy ra 1 vạn 3 ngàn văn (đơn vị tiền bấy giờ) bổng lộc của mình để giao cho Hộ tào (quan cai quản về hộ tịch, cúng tế, ruộng vườn) Khổng Hân, để người này tu sửa xe đi lại của Khổng Tử, và làm lễ bái Miếu Khổng Tử, rồi còn đích thân đi lau chùi bàn ghế, đao kiếm và giày của ngài nữa.
Trong vùng có một chàng trai tên Trương Bá, lúc anh này đang nhổ cỏ dưới sân, đã nhặt được bảy miếng ngọc bích dưới đất. Trương Bá đã giấu 1 miếng trong người, cầm sáu miếng còn lại giao nộp cho Chung Ly Ý.
Trong phòng dạy của Khổng Tử, trên đầu giường có treo một chiếc vò gốm lớn. Chung Ly Ý sai chủ bạ (quan trông coi chuyện sổ sách) mang miếng ngọc đặt lên trên giấy tờ, rồi cho gọi Khổng Hân đến hỏi chuyện: “Đây là vò gốm gì vậy?”
Khổng Hân trả lời: “Thưa ngài! Đây là cái vò gốm của Khổng Phu Tử, bên trong đựng sách, đến giờ vẫn chưa có ai dám mở ra xem”.
Chung Ly Ý nói: “Khổng Phu Tử là một vị Thánh nhân. Ông để lại chiếc vò gốm này, ắt là vì muốn để lại bài học hiền lương cho người đời sau”.
Sau đó, Chung Ly Ý đã mở cái vò gốm đó ra và thấy bên trong có một cuốn sách lụa, trên cuốn sách có viết: “Người đời sau nghiên cứu trước tác của ta, có Đổng Trọng Thư. Giữ gìn xe của ta, lau chùi giày của ta, mở cuốn sách này của ta là Chung Ly Ý, người đất Hội Kê. Ngọc bích có bảy miếng, Trương Bá giấu riêng một miếng cho mình”.
Chung Ly Ý lập tức gọi Trương Bá đến và trách mắng rằng: “Có bảy miếng ngọc bích, tại sao ngươi dám giấu đi một miếng chứ?” Trương Bá dập đầu cầu xin tha thứ và ngay lập tức lấy ra miếng ngọc còn lại trao trả.
Sau Khổng Tử, người có thể truyền thừa đạo của ngài không phải là Mạnh Tử, Tuân Tử, mà là Đổng Trọng Thư của đời nhà Hán. Ông “ngày đêm nghiên cứu, không ra khỏi nhà”, cuối cùng đã phát dương quang đại các truyền thống thượng cổ về âm dương ngũ hành v..v… được kế thừa từ Nho giáo, tạo nên sự ảnh hưởng sâu sắc trong suốt thời Lưỡng Hán, và ông cũng trở thành một nhà Nho, nhà kinh tế làm thay đổi lịch sử Trung Quốc.
Bò đen sinh ra bê trắng, người nước Tống thời Xuân Thu tích đức được thiện báo
Thời Xuân Thu, nước Tống có một gia đình nọ rất hay bố thí làm việc thiện, cả 3 đời gia tộc đều không biếng nhác. Một lần nọ không biết vì lý do gì mà trong gia đình họ đã xảy ra một chuyện lạ: Bò đen sinh ra bê trắng. Thế là họ đã đến tìm gặp Khổng Tử để xin chỉ dẫn.
Khổng Tử không nói ra lý do, chỉ nói rằng: “Đây là một điềm báo cát tường, hãy dùng nó để bái tế cho thần linh”. Thế là họ đã dùng con bê trắng đó để cúng tế cho thần linh. Một năm sau, mắt của người cha vô duyên vô cớ bị mù.
Sau đó, con bò đen lại sinh một con bê trắng nữa, người cha lại sai con trai đi hỏi Khổng Tử. Người con nói: “Lần trước hỏi ngài ấy xong, mắt cha đã mù rồi, lần này lại hỏi nữa làm chi?”
Người cha nói: “Lời nói và việc làm của Thánh nhân có lý lẽ sâu xa, đôi lúc lời nói của họ sẽ ngược trước đúng sau, bây giờ tạm thời chỉ việc đi hỏi lại ngài ấy xem thế nào!”
Khổng Tử cũng vẫn không nói lý do, mà vẫn nói với người con trai: “Đây là điềm báo may mắn, dùng nó để bái tế thần đi”. Thế là họ lại dùng bê trắng để cúng tế. Một năm sau, người con trai cũng vô duyên vô cớ bị mù mắt.
Sau đó nước Sở sang đánh nước Tống, người dân bị xung đi đánh địch, phần lớn đều chết tại chiến trường. Lúc này, nạn đói liên miên, người dân đổi con với nhau mà ăn thịt, róc xương người ra mà nướng.
Duy chỉ có cha con họ vì mắt bị mù, nên không phải ra làm thị vệ bảo vệ thành. Đến khi nước Sở rút quân, giải tỏa khỏi thành Tống, thì mắt của cha con họ cũng đều khôi phục lại. Đây là một minh chứng cho việc tu thiện tích đức sẽ được thiện báo.
Sau chuyện này, cha con họ mới hiểu được sự tiên tri chuẩn xác của Khổng Tử thật danh bất hư truyền. Chỉ là thiên cơ không được hé lộ quá nhiều và quá sớm.
Khổng Tử dự báo những chuyện sẽ xảy ra vào mấy trăm năm sau khi ông mất cũng vô cùng chính xác! Khổng Tử từng bái kiến ông Tổ Đạo gia là Lão Tử, và rất sùng kính học thuyết của Lão Tử. Nếu như Khổng Tử cũng là một người tu Đạo, thì việc có thể đoán trước được tương lai cũng không còn kỳ lạ nữa rồi.
Tuệ Tâm, theo Secret China