Trong Cố Cung ở Bắc Kinh có một nơi âm khí nặng nề, không người sinh sống, khiến người ta phải dừng bước khi đến đó. Người ta nói rằng căn nhà đó còn khiến cho những du khách cũng cảm thấy vô cùng sợ hãi.
Khi nói đến Cố Cung ở Bắc Kinh, mọi người thường nghĩ tới Tử Cấm Thành xưa, nơi mà các hoàng đế của triều Minh và triều Thanh từng sống, và là một nơi quan trọng tượng trưng cho nền văn hóa truyền thống phong phú. Những người hiểu biết về Cố Cung, có thể đếm được rõ các cung điện trong đó như điện Thái Hòa, điện Giao Thái, Khôn Ninh cung, Vĩnh Hòa cung…
Hoàng cung của triều đại Minh – Thanh
Cố Cung là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, tổng cộng có 24 vị hoàng đế từng sống ở đây. Chiều dài của Cố Cung là 960 mét từ Bắc xuống Nam, rộng 760 mét từ Đông sang Tây, và có diện tích khoảng 720.000 mét vuông.
Trong kiến trúc hoàng gia này, có một trục Bắc-Nam chạy dọc cung điện, những người thợ xây thời nhà Minh đã dựa vào đặc điểm kiến trúc cổ – 1 trục chạy dọc trung tâm, phía trước để lo việc triều chính, phía sau là nơi ngủ nghỉ. Ba đại điện là điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, và 3 cung điện của hậu cung gồm có Càn Thanh cung, Giao Thái cung, Khôn Ninh cung cho vua và các phi tần ngủ nghỉ.
Mọi người thường tò mò, Tử Cấm Thành là một kiến trúc cổ to lớn và hoàn chỉnh nhất còn tồn tại ở Trung Quốc, vậy thì bên trong đó có tất cả bao nhiêu gian phòng?
Số lượng nhà trong Cố Cung theo như người dân bình thường được biết là 9999 hay là 9999,5 căn, đây là do dân chúng lấy số liệu từ bản vẽ thiết kế nơi ở của bậc đế vương mà Thái Tín đưa ra (Thái Tín: cựu Tổng giám đốc trang tin Fenghuang).
Theo sử liệu ghi chép, thì Cố Cung phải có hơn 10000 gian phòng, nhưng do mục nát, hỏa hoạn, sụp đổ và những thảm họa khác nhau, sau các dự án sửa chữa, trùng tu, thì kết luận hiện nay có hơn 9000 gian phòng.
Sau khi một nhóm các chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cổ đã tiến hành khảo sát và thống kê toàn diện Cố Cung theo tiêu chuẩn kiến trúc “4 trục một gian” vào năm 1972, thì phát hiện có tổng cộng 980 cung điện và tòa nhà, và 8707 căn nhà, tổng tất cả là 9687 tòa.
Khôn Ninh cung không người ở
Thế nhưng trong số rất nhiều những ngôi nhà ở Cố Cung, lại có một cung điện không ai sống cả – đó là Khôn Ninh cung. Bắt đầu từ triều đại nhà Minh, thì Khôn Ninh cung luôn được dùng làm tẩm cung cho Hoàng hậu, cũng có nghĩa là, Hàng hậu sau khi được sắc phong sẽ sống tại Khôn Ninh cung cho đến khi qua đời.
Nếu như giữa chừng Hoàng hậu phải chuyển ra khỏi Khôn Ninh cung, thì thường do là “Hoàng đế băng hà”, vì vậy Hoàng hậu phải chuyển đến cung Thái Hậu ở, để cho Khôn Ninh cung được chào đón vị Hoàng hậu của Hoàng đế kế tiếp đăng cơ; tình huống khác là Hoàng hậu bị phế truất vương vị, cho nên bà ấy đương nhiên là phải rời khỏi Khôn Ninh cung.
Vậy thì, tại sao vốn là một trong ba cung điện quan trọng nhất hoàng cung, mà Khôn Ninh cung lại không có người sinh sống? Khôn Ninh cung từng là tẩm cung của hoàng hậu thời nhà Minh, làm sao mà nó lại trở thành một nơi ảm đạm như vậy? Chẳng lẽ là bởi vì Châu Hoàng hậu của vua Sùng Trinh từng tự sát ở đây? Thực tế thì mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó.
Chữ “Khôn Ninh” trong Khôn Ninh cung được lấy từ địa thế Khôn của quẻ “Khôn” trong “Chu dịch”, mang ý nghĩa quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật, và trong “Đạo Đức Kinh” có viết: “Trời hợp nhất sẽ thanh trong, đất hợp nhất sẽ an ninh”, vì thế chữ “Khôn Ninh” mang ý nghĩa “Khôn địa ninh định” (mặt đất yên ổn).
Khôn Ninh cung được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (năm 1420) thời nhà Minh, nó đã trải qua hai lần hỏa hoạn vào năm Chính Đức thứ 9 (năm 1514) và năm Vạn Lịch thứ 24 (năm 1596), sau đó được trùng tu vào năm Vạn Lịch thứ 33 (năm 1605) và năm Thuận Trị đầu tiên của triều nhà Thanh (năm 1645).
Khôn Ninh cung nằm ngay phía sau điện Giao Thái, nó là tẩm cung của Hoàng hậu vào thời nhà Minh, nhưng trong thời nhà Thanh, thì chỉ có Hoàng hậu của vua Khang Hy dùng nó làm tẩm cung, còn Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý Thị và Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu Nữu Hổ Lộc Thị của vua Khang Hy đều qua đời tại Khôn Ninh cung này.
Ngoài Hoàng hậu của vua Khang Hy ra, thì các vị Hoàng hậu của vua Đồng Trị, vua Quang Tự cũng từng sống tại Khôn Ninh cung từ sớm. Vua Đồng Trị và vua Quang Tự còn sống tại đây vài ngày sau ngày cưới nữa.
Tuy nhiên, Khôn Ninh cung được sử dụng chủ yếu như là một nơi cúng tế. Vào năm Thuận Trị thứ 12 (năm 1655), sau khi xây dựng lại Khôn Ninh cung giống như Thanh Ninh cung, thì Khôn Ninh cung cũng trở thành nơi cúng tế của Tát Mãn giáo (tên gọi một loại tín ngưỡng dân gian).
Mặc dù Khôn Ninh cung đã trở thành một nơi cúng tế, nhưng bởi vì nó thuộc về hoàng gia, cho nên bất luận là về kiến trúc, vật bày trí hay các thiết bị nội thất đều vô cùng lộng lẫy. Cho dù Hoàng hậu không còn sử dụng Khôn Ninh cung, thì vị trí của nó trong số các cung điện vẫn khó mà lung lay, cũng không vì thế mà bị suy thoái.
Thời vua Ung Chính, ông đã chuyển đến sống ở Dưỡng Tâm điện, là nơi cư trú yêu thích của rất nhiều đời vua. Khôn Ninh cung cũng vì từ lâu đã trở thành nơi cho Tát Mãn giáo thực hiện cúng tế nên đã không còn làm nơi sinh sống của Hoàng hậu nữa. Vì vậy, trong phim “Hoàn Châu cách cách” có đề cập đến Khôn Ninh cung là nơi ở của Hoàng hậu là không đúng sự thật.
Sau khi Khôn Ninh cung trở thành một nơi cúng tế, qua một thời gian lâu, nơi này vì không có người sống đã trở nên âm u tịch mịch kinh người. Vì vậy, có lời đồn rằng khi khách du lịch bước vào Khôn Ninh cung sẽ liền cảm thấy vô cùng sợ hãi.
>>> Tìm được dương trạch và âm trạch phù hợp, cuộc sống sẽ thăng hoa
>>> Hong Kong: Từ người dân đến chính phủ đều tin vào phong thủy
Tuệ Tâm, theo Secret China