Tinh Hoa

Chuyện luân hồi: Người vợ chờ chồng tái sinh mãi đến 80 tuổi

2-40-41

Thời nhà Minh, có một lão nho sinh học rộng tài cao, trước lúc chết đã để lại một bài thơ sấm, và nói với vợ rằng ông sẽ chuyển thế đầu thai. Và người vợ đã chờ đợi ngày ấy mãi cho đến năm 80 tuổi…

(Ảnh minh họa: t/h)

Năm Hoằng Trị thời Minh Hiếu Tông (1488 – 1505), ở huyện Hầu Quan, Phúc Kiến có một lão nho sinh, tài hoa uyên bác, nhưng tiếc rằng nhiều lần thi cử đều không đỗ đạt. Lão nho sinh bản tính chất phác, không giỏi kinh doanh, nên gia cảnh càng ngày càng khốn khó. Ông có một người con trai, học không giỏi, nên chỉ có thể làm ruộng để kiếm miếng ăn.

Lão nho sinh sống đến 70 tuổi, trước khi mất, đã lấy ra tác phẩm lúc sinh thời, đề một bài thơ, sau khi lập xong di nguyện thì qua đời. Do gia cảnh nghèo khó, nên không có tiền để chôn cất. Thế là bốn năm người học trò của ông góp một ít tiền để lo tang lễ cho thầy.

Sau khi Minh Thế Tông Chu Hậu Thông lên ngôi, đổi hiệu thành Gia Tĩnh. Ở Giang Nam xuất hiện một vị thiếu niên anh tài, tên là Mỗ Công. Người này đỗ Giải nguyên (thí sinh đỗ cao nhất trong khoa thi Hương) vào năm 15 tuổi, năm 16 tuổi thì đạt được thành tích vượt bậc trong kì thi ở Lễ Bộ.

Lão nho sinh trước khi mất đã để lại bài thơ sấm. (Ảnh minh họa qua Christie’s)

Mỗ Công tư chất thông minh, tài năng nhanh nhạy. Không đến 5 năm sau đã có thể quản lý kỳ cử tuyển khu vực đất Mân để chọn người tài cho đất nước. Những tác phẩm của anh được truyền tụng đi khắp trong giới nho sinh cả vùng Bát Mân (Phúc Kiến ngày nay), nổi tiếng vô cùng.

Sau này do anh là trọng thần trong Viện Hàn Lâm, cai quản các kỳ tuyển cử lớn nhỏ, nên rất được người đời kính trọng. Các văn sĩ quan lại trong thành không ai mà không ngưỡng mộ và khâm phục, một người trẻ tuổi như vậy lại có thể đảm nhận trọng trách như thế quả là hiếm thấy, nên ai nấy đều xem anh như một vị thần tiên vậy.

Ngày 15/9 là sinh nhật của Mỗ Công, rất nhiều quan lại đều đến để chúc mừng. Mỗ Công phải tiếp đãi liên tục cho đến tận trời tối. Ngày hôm ấy, sau khi đã uống say và chào tiễn khách khứa, anh trở về thuyền liền đóng cửa lên giường ngủ.

Sau khi tỉnh rượu thì đã là lúc nửa đêm, nhìn ra ngoài ô cửa thì thấy vầng trăng sáng trong, trăng khuya yên tĩnh đẹp như một bức tranh vậy. Thế là Mỗ Công nhất thời nổi hứng, dẫn theo một tên tùy tùng đi lên bờ, dõi theo ánh trăng cứ cất bước đi.

Thấy ánh trăng đẹp, Mỗ Công dõi theo ánh trăng cứ cất bước đi. (Ảnh minh họa)

Trăng đẹp như tranh, tâm anh cũng vô cùng vui sướng, nên bất giác đã đi được mấy dặm đường. Dọc đường đi, anh đã trông thấy những núi non rừng rậm, những hình ảnh này cứ như anh đã từng thấy qua rồi vậy, nên bỗng trong lòng cảm thấy nghi hoặc vô cùng.

Ngay lúc đó, gần thôn vọng lại một tiếng khóc, nghe rất đau thương. Đêm khuya thanh tĩnh, Mỗ Công nghe thấy tiếng khóc bi thương như vậy cũng đau lòng theo.

Lần theo tiếng khóc, anh đi đến một góc nhỏ trong thôn, thì phát hiện tiếng khóc phát ra từ một ngôi nhà rơm. Anh bảo tùy tùng tiến lên xem thử, thì trông thấy một bà lão 80 tuổi đang thắp chiếc đèn giấy, bày cháo và rau ra để cúng người chồng đã khuất.

Mỗ Công hành lễ cúi chào bà lão, lúc nói chuyện thì biết được rằng, người chồng đã mất của bà lão đã qua đời 20 năm rồi, và hôm nay chính là ngày giỗ của ông ấy. Trùng hợp thay, hôm nay cũng chính là sinh thần của Mỗ Công, anh cũng vừa tròn 20 tuổi!

Theo như lời bà lão, thì người chồng của bà sinh thời là một vị đại nho sĩ, cả đời sáng tác rất nhiều. Lúc ông lão qua đời, đã để lại một bài thơ sấm phía sau một quyển sách, và căn dặn bà phải cất giữ thật kỹ.

Ông lão còn nói rằng: “Bài văn của tôi ý nghĩa cao thâm, nếu như tôi không đến nữa, thì ai có thể biết được sự huyền diệu trong đó đây? Lúc còn sống, tôi làm người không hổ thẹn với trời đất, sau khi chết ắt hẳn sẽ được thiện báo. Khi đến kiếp sau, chắc chắn sẽ làm nên chuyện rạng danh tổ tông, khiến cho các nho sĩ nghèo trong thiên hạ được nở mày nở mặt”. Nói xong thì ông cười lớn một tiếng rồi qua đời.

Mỗ Công nghe xong, liền mở xem tác phẩm của nho sinh già kia, thì kinh ngạc phát hiện ra rằng tất cả nội dung mà kiếp này mình thi cử, bất kể là kỳ thi hội, hay tất cả các bài văn bát cốt trong đề thi, sách luận trong kỳ thi đình v..v… trong tác phẩm của lão nho kia đều ghi chép đủ cả.

Trước lúc qua đời lão nho sinh ấy đã viết bài thơ sấm như sau: “Chuyết thủ cùng lư thất thập xuân, trùng lai bất phục lão nho thân. Phiền quân tận triển sinh bình chí, hoàn hướng di biên ngộ túc nhân”. Tạm dịch: Nhún mình ở cảnh nhà nát 70 năm, kiếp sau sẽ không làm lại thân nho già. Mong ước kiếp trước sẽ được thực hiện tiếp vào kiếp sau.

Mỗ Công đọc xong thì bừng tỉnh đại ngộ, nhớ lại được kiếp trước, lại nhìn quanh ngôi nhà, thật sự nhận ra đây chính là ngôi nhà cũ của mình. Mỗ Công nhìn chiếc giường ngày xưa, bất chợt đau tận đáy lòng, tuôn trào nước mắt. Bà lão tưởng rằng Mỗ Công là học trò của chồng mình. Mỗ Công nói: “Không phải. Tôi chính là người chồng quá cố nay được tái sinh của bà”.

Bà lão hết sức kinh ngạc, nhớ lại người chồng của mình trước khi qua đời có nhắn nhủ rằng sẽ đầu thai chuyển thế rồi đến gặp lại bà. Lúc đó bà đã từng dùng răng cắn vào chân ông cho máu chảy để làm dấu ấn.

Mỗ Công vén quần lên, thì phát hiện trên đùi mình quả nhiên có một vết răng đỏ sẫm, nhìn rất rõ ràng. Thế là hai người mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc.

Câu chuyện kỳ lạ về việc đầu thai này đã làm kinh động đến các huyện lệnh, thái thú, các vị quan viên trong triều, người đời ai biết chuyện cũng hết sức kinh ngạc.

Sau đó, Mỗ Công đã mua ruộng mua nhà, nô tì, rồi ban cho mẹ con bà lão tài sản. Khi xưa, hễ ai từng cứu giúp gia đình của lão nho sinh, thì nay Mỗ Công đều đền ơn gấp bội.

Chỉ trong vòng mấy hôm, câu chuyện đầu thai chuyển thế này đã truyền đi khắp vùng đất Bát Mân. Từ phía Nam sông Trường Giang, người dân sôi nổi bàn luận về câu chuyện này, và khiến nó trở thành một câu chuyện được ca tụng lúc bấy giờ.

Mỗ Công làm một người được tái sinh, ông đã dùng tất cả những kinh luận, những kiến thức uyên bác và sự thông minh mà mình tích lũy được từ kiếp trước để tham dự các cuộc thi ở kiếp này, cuối cùng đã khiến cho các nho sinh nghèo trong thiên hạ được nở mày nở mặt, âu cũng là hoàn thành được tâm nguyện của mình ở kiếp trước.

(Dựa theo “Ngu sơ tân chí” quyển 9)  

Tuệ Tâm, theo NTDTV

Xem thêm: