Tinh Hoa

Chiến loạn cách biệt, người vợ sống một mình nơi thôn dã 40 năm

Vào cuối thời Minh, Trương Hiến Trung chiếm cứ Tứ Xuyên, cướp bóc giết người, đốt nhà dân. Dân chúng loạn lạc, người thì bỏ trốn, người mất mạng. Có đôi vợ chồng là Thừa Huân và Liêu Thị đã bị thất lạc nhau đến tận 40 năm, khi người chồng quay về thì phát hiện một người phụ nữ nhem nhuốc, xuề xòa, chính là vợ mình 40 năm trước còn sống.

Chiến loạn cách biệt, người vợ sống một mình nơi thôn dã 40 năm. (Ảnh: t/h)

Cuối thời Minh, Trương Hiến Trung chiếm cứ Tứ Xuyên, tùy tiện cướp của và giết người. Trong cuốn “Lưu tặc Trương Hiến Trung họa thục ký” có miêu tả: “Tứ Xuyên từ khi bị Hiến Trung tàn sát, xương trắng chất thành gò đống, ruộng đồng hoang vu, ngàn dặm như mây khói, hiếm thấy dấu chân người, hổ báo sài lang hoành hành. Xưa kia là cung điện thành quách, nay là đồng cỏ bụi gai; xưa kia giàu có phồn hoa, nay thành hoang vu ma quái”.

Lúc ấy ở huyện Giang Tân, có gia đình Thích Thừa Huân và người vợ Liêu thị sống tại một thôn trang nhỏ trong núi. Khi quân Trương Hiến Trung đến, Thừa Huân và vợ bàn bạc xem nên chạy trốn như thế nào. Người vợ Liêu thị bởi vì thể lực quá yếu, sợ trên đường đi sẽ gây cản trở cho chồng, liền quyết tâm ở lại trong nhà mà không chạy trốn.

Hai người thương lượng còn chưa xong thì phát hiện thôn trang phía trước đã xảy ra hỏa hoạn rồi. Quân giặc Trương đã đến, người chồng liền đứng dậy chạy trốn, người vợ lập tức đóng chặt cửa lại, trong lòng nghĩ có lẽ sẽ không qua khỏi. Quân của Trương tới thôn trang, chỉ liếc qua nhà họ chứ không tiến vào, trong khi nhà hàng xóm đã bị đốt sạch hết.

Liêu thị còn một mình ở trong nhà đã hơn một năm, bốn phía hoang vắng, những người khác thì hoặc là đã chết, hoặc đã chạy trốn, ngay cả người để nói chuyện cũng không có. Lương thực dự trữ cũng ăn hết sạch, may mắn sao ở bên trong cái bình còn lại hạt ngũ cốc, cô liền lấy ra gieo hạt, thu được ngũ cốc cũng đủ cho một người ăn.

Tuy nhiên y phục, giày dép trên thân đã rách hết mà không có vải để vá, gần đó cũng không có chỗ nào có thể mua được vải mà làm, cô đành tìm cọng cỏ, lá cây kết lại để dùng tạm. Thu qua đông đến, cứ vậy mà bốn mươi năm đã thấm thoát trôi qua.

Thích Thừa Huân theo dân Giang Tân chạy trốn, lưu vong đến Vân Nam, rồi kết hôn sinh con. Lúc hơn sáu mươi tuổi, ông cũng có chút tài sản, liền muốn trở lại cố hương. Lúc ấy thiên hạ thái bình, huyện Giang Tân nằm ở trên bến đò Giang Hà, nhân khẩu tập trung nhanh, lại phát triển rầm rộ.

Thích Thừa Huân trở lại huyện Giang Tân, nghe ngóng tin tức ở quê nhà, chiến tranh cách trở, sơn thôn bế tắc, lại không ai biết rõ. Vì vậy ông quyết định khởi hành trở về quê.

Dựa vào trí nhớ, ông đã lần tới bên ngoài sơn thôn, nhìn thấy cây cối mọc um tùm, bịt kín cả con đường nhỏ, có lẽ đã lâu không có dấu vết của con người. Vì vậy ông tìm một số người phát cây để mở đường. Một đoàn người ra sức làm vất vả hai ngày, rốt cuộc cũng đã tới thôn quê của Thích Thừa Huân.

Ông cố gắng phân biệt vị trí nhà của mình, cỏ và trúc hoang che hết mắt, có đại thụ mọc vươn ra từ ngôi nhà. Ông nhận định đó chính là nhà của mình, vì vậy chỉ huy mọi người cầm búa phá cửa.

Chợt nghe đâu trong nhà có người quát hỏi: “Các người là ai, vì sao tự tiện xông vào nhà của ta?”. Đột nhiên nghe được thanh âm này, cả đám người đều thất kinh. Thích cao giọng trả lời: “Ta là chủ nhân của ngôi nhà này, Thích Thừa Huân”.

Liêu thị từ trên lầu nhìn lén hồi lâu, rốt cục khóc lóc nói vọng ra: “Quả nhiên là chồng của ta!”, liền từ trên lầu chạy xuống. Thích Thừa Huân nhìn thấy một người, đầu tóc rối như rơm, khuôn mặt đen đúa, khoác lên mình bộ áo cỏ bù xù hoang dã.

Ông xem kỹ đối phương một hồi lâu, rốt cục hai người ôm lấy nhau khóc rống lên. Sinh tử cách biệt bốn mươi năm, vợ chồng già kể cho nhau từ đầu đến cuối những gian nan đã trải qua, cuối cùng vui đến phát khóc.

Đoàn người cùng đi nghe được câu chuyện của bọn họ cũng cảm thấy rất vui mừng. Thích Thừa Huân liền đưa người vợ già đến huyện Giang Tân để bà tắm rửa sạch sẽ, còn giúp bà thay quần áo. Về sau, Thích Thừa Huân dẫn vợ đến Vân Nam, hai vợ chồng đều sống đến hơn chín mươi tuổi mới qua đời.

Trong chiến loạn đau khổ chia ly, trải qua bốn mươi năm bặt vô âm tín, rốt cục hai vợ chồng gương vỡ lại lành, câu chuyện này vẫn được người Giang Tân lưu truyền mãi.

>>> Chuyện xưa lưu truyền mãi: Nghĩa tào khang trăm năm không phụ

>>> Ly biệt 30 năm, Trình Bằng Cử và Hàn Ngọc Nương gương vỡ lại lành

Chân Chân, theo NTDTV