Từ xa xưa, người ta đã biết giữ tâm kính sợ, đặc biệt là đối với Thần Phật. Từng có rất nhiều giai thoại huyền bí và thần thánh về những bức tượng Phật, giúp con người vững thêm tín tâm vào đức tin của bản thân.
Tại quận Túc Dự, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc có một ngôi đền tên là Long Vương. Ngôi đền này xây dựng vào những năm đầu triều đại nhà Minh và rất được tôn kính trong suốt triều đại nhà Thanh. Các vị hoàng đế nhà Thanh thường xuyên đến đây để cầu khấn Thần Phật. Do đó, đền Long Vương đã trở thành ngôi đền hoàng gia và được trang trí lộng lẫy với rất nhiều vàng, bạc, ngọc bích cùng các vật liệu quý. Và giai thoại về bức tượng Phật Ngọc cũng bắt đầu từ ngôi đền này.
Vào năm 1929, quân đội Quốc Dân Đảng do tướng Nhạc Quế Quân dẫn đầu đến quận Túc Dự để đánh dẹp khu vực tự trị. Khi đội quân đi qua đền Long Vương, vẻ đẹp từ bức tượng Phật Ngọc đặt trong gian thờ chính đã khiến một tiểu đoàn trưởng chú ý.
Với mong muốn chiếm đoạt bức tượng làm của riêng, vị này đã ra lệnh cho binh lính di dời bức tượng khỏi ngai thờ. Khi đưa ra bên ngoài, binh lính bỗng cảm thấy bức tượng ngày một nặng hơn và cuối cùng không thể di chuyển được nữa. Những người này hết sức sợ hãi và ngay lập tức báo cáo với chỉ huy. Người chỉ huy không tin và ra lệnh thêm binh lính tới hỗ trợ. Cuối cùng bức tượng Phật Ngọc cũng bị mang ra khỏi đền thờ.
Khi họ đến gần đền Hỏa Thần, cách đền Long Vương không xa, bức tượng đột nhiên trở nên nặng đến mức dù có thêm bao nhiêu người đi nữa cũng không thể di chuyển tiếp được. Một số binh lính kinh hãi và nói rằng bức tượng Phật Ngọc này có một sức mạnh huyền bí.
Chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ như vậy, người chỉ huy không dám di chuyển bức tượng thêm nữa. Các vị trưởng lão địa phương nói với người chỉ huy rằng, có thể bức tượng Phật Ngọc không muốn rời khỏi đó. Người chỉ huy tin đây là sự việc rất thần kỳ, cuối cùng ông quyết định nghe theo sự sắp đặt của Thần Phật. Ông cho rằng: “Vì bức tượng Phật Ngọc không muốn rời khỏi nơi này, vậy hãy đưa bức tượng vào đền Hỏa Thần để mọi người thờ cúng!”
Người dân địa phương đồng tình với đề nghị này của người chỉ huy. Họ cố gắng nâng bức tượng lên một lần nữa, kỳ lạ thay, bức tượng trở nên rất nhẹ. Cuối cùng, bức tượng Phật Ngọc được đặt ở đền Hỏa Thần. Sự việc kỳ lạ này nhanh chóng lan truyền trong dân chúng, và kể từ đó đền Hỏa Thần tấp nập người đến hành hương.
Trong thời Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976), một số người dân bị tẩy não bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ không tin vào bất cứ điều gì khác ngoài Đảng. Kết quả là đền Long Vương đã bị phá hủy không còn chút gì. Đền Hỏa Thần cũng không tránh thoát khỏi số phận đó, họ đã đẩy bức tượng Phật Ngọc khỏi ngai thờ. Khi bức tượng bị hạ xuống đất và lăn lóc trên sân đền, một thanh niên đã ngồi trên đó chơi đàn tranh và hát. Một số khác thì dẫm đạp lên tượng Phật. Cuối cùng nhóm người này lật ngược bức tượng Phật Ngọc và ném xuống dưới ao trong ngôi đền.
Kết cục, phần lớn những người tham gia phá huỷ đền, chùa sau đó đều bị quả báo, người thì chết một cách bi thảm, người thì chịu nhận đau đớn không theo cách này thì cách khác.
Thần Phật là từ bi nhưng cũng rất uy nghiêm, con người tuyệt đối không thể khinh nhờn. Quá khứ ở Ấn Độ từng xuất hiện một vị quý tộc Bà La Môn do phỉ báng Phật Pháp mà bị đọa xuống địa ngục chịu trừng phạt thảm khốc không ngừng nghỉ.
Tất nhiên, cũng có không ít câu chuyện Thần Phật hiển linh giáo hóa con người, triển hiện thần tích cứu độ chúng sinh. Vậy nên, sống thuận theo Thiên ý, tôn kính Thần Phật là đạo lý mà con người thế gian luôn cần phải gìn giữ và coi trọng.
Theo zhengjian.org