Tinh Hoa

Câu chuyện luân hồi: Tìm được người mẹ kiếp trước nhờ một giấc mơ trưa

Sinh ra của một đại văn hào không phải chỉ là chuyện trong một đời một kiếp, những tác phẩm văn học truyền tụng thiên cổ thường phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp thai nghén mà thành. Câu chuyện luân hồi chuyển thế của Hoàng Đình Kiên – thi gia trứ danh đời Tống dưới đây là một ví dụ chân thực.

Hoàng Đình Kiên là thư hoạ gia và thi gia trứ danh đời Bắc Tống. (Ảnh: Internet)

Hoàng Đình Kiên (1045-1105), tự Lỗ Trực, hiệu là Sơn Cốc đạo nhân, người Phân Ninh, Hồng Châu (thuộc Giang Tây, Trung Quốc ngày nay). Ông là thư hoạ gia và thi gia trứ danh đời Bắc Tống, một trong “tứ đại gia nhà Tống”, ngang danh với Tô Đông Pha, Mễ Phất, Thái Tương. Tuy nhiên rất ít người biết được câu chuyện luân hồi sinh tử mà bản thân ông đích thân trải nghiệm.

Những năm cuối đời Hoàng Đình Kiên đã ăn chay tham thiền, và đã từng viết ra một bài thơ cấm sát sinh: “Ngã nhục chúng sinh nhục, danh thù thể bất thù; nguyên đồng nhất chủng tính, chích thị biệt hình khu. Khổ não tòng tha thụ, phì cam vi ngã tu; mạc giáo diêm lão đoạn, tự sủy khán hà như?”. Tạm dịch: “Thịt ta thịt chúng sinh, tên khác thân chẳng khác; nguyên là cùng một loại, chỉ thân hình khác nhau. Nỗi đau nó phải chịu, béo ngon bởi ta cần; đừng để Diêm Vương phán, tự ta rõ thế nào?“.

Trong rất nhiều bút ký đều có ghi chép lại câu chuyện luân hồi chuyển sinh của Hoàng Đình Kiên. Sau khi ông thi đậu tiến sĩ, được triều đình bổ nhiệm làm quan tri châu ở Vu Hồ, Hoàng Châu, lúc nhậm chức ông mới 26 tuổi. Một ngày kia ông đang ngủ trưa trong phủ nha, mơ thấy mình bước ra khỏi nha môn, đi đến một thôn làng. Từ xa đã nhìn thấy một bà lão đầu tóc bạc trắng, đứng cầu nguyện trước bàn cúng ở ngoài cửa, trong miệng không ngớt kêu lên: “Con gái à! Hãy về đây ăn mì nào!”.

Nhìn thấy trên bàn có cúng một tô mì rau cần. Sơn Cốc đi lên phía trước, nhìn thấy tô mì đó vẫn còn nóng hổi, dường như rất thơm ngon, bèn không cầm lòng được mà bưng lên ăn, ăn xong trở về nha phủ. Sau khi tỉnh dậy, từng cảnh trong mơ vẫn còn rất rõ ràng, hơn nữa trong miệng vẫn còn mùi vị của rau cần. Nhưng ông cũng không để ý, cho rằng chỉ là nằm mộng mà thôi.

Ngày hôm sau, trong lúc ngủ trưa, lại mơ thấy giấc mơ đó, mùi đồ ăn vẫn còn đọng lại trong miệng, cảnh mơ rõ mồn một. Hoàng Đình Kiên cảm thấy không thể tin được, liền bật ngay dậy đi ra khỏi châu nha, men theo con đường trong giấc mơ, muốn tìm hiểu ngọn nguồn.

Đi đến một thôn làng, cảnh vật bỗng trở nên mơ hồ, giống như đã về đến quê nhà vậy. Ông đi thẳng đến một ngôi nhà, đưa tay gõ cửa, người ra mở cửa lại chính là bà lão trong giấc mơ, bèn kể lại chuyện bà đứng trước cửa gọi người trở về ăn mì mà ông mơ thấy, hỏi rằng có chuyện đó hay không. Bà lão trả lời: “Hôm qua là ngày giỗ của con gái lão. Bởi vì lúc còn sống nó rất thích ăn mì rau cần, vậy nên lão đứng trước cửa gọi nó về ăn mì, mỗi năm lão đều làm như vậy cả”.

Trong giấc mơ, từ xa Hoàng Sơn Cốc đã nhìn thấy một bà lão đầu tóc bạc trắng, đứng cầu nguyện trước bàn cúng ở ngoài cửa, trong miệng không ngớt kêu lên: “Con gái à! Hãy về đây ăn mì nào!”. (Ảnh: Internet)

Hoàng Đình Kiên cảm thấy ngạc nhiên, hỏi rằng: “Con gái của bà qua đời đã bao lâu rồi”. Bà lão đáp: “Đã 26 năm rồi”. Hoàng Đình Kiên sực nhớ, bản thân mình năm nay chính là 26 tuổi, ngày hôm qua chính là ngày sinh của mình. Liền hỏi bà lão tình hình của cô con gái lúc còn sống, hoàn cảnh trong nhà thế nào. Bà lão nói: “Lão đây chỉ có một cô con gái, lúc còn sống nó rất thích đọc sách, ăn chay tín Phật, rất là hiếu thuận, nhưng không chịu lấy chồng, đến năm 26 tuổi thì đột nhiên đổ bệnh mất. Trước lúc mất, nó còn nói rằng sẽ trở về đây thăm lão nữa”.

Hoàng Đình Kiên chấn kinh, vội hỏi: “Khuê phòng của cô ấy ở đâu? Tôi có thể xem thử được không?”.

Bà lão chỉ về một căn phòng cũ kỹ, nói: “Chính là căn phòng này, cậu hãy đi vào xem thử đi, lão đi pha trà cho cậu”.

Hoàng Đình Kiên đi vào trong phòng, nhìn quanh tứ phía, giường ngủ bàn ghế, cảm thấy rất là gần gũi. Chỉ thấy ở góc tường có một cái tủ lớn, vẫn khóa như cũ. Sơn Cốc hỏi bà lão: “Bên trong là gì vậy?”. Bà lão đáp: “Toàn bộ đều là những quyển sách mà con gái lão từng đọc qua”. Sơn Cốc hỏi: “Có thể mở ra xem được không?”.

Bà cụ trả lời: “Không rõ là con gái đã cất chìa khóa ở đâu, vậy nên lão trước nay vẫn không sao mở được”.

Hoàng Đình Kiên nghĩ ngợi một hồi, bỗng nhớ ra vị trí cất giữ chìa khóa, liền nói với bà lão. Tìm thấy chìa khóa, mở tủ sách ra, phát hiện trong đó có rất nhiều sách và bản thảo. Sơn Cốc cẩn thận đọc thử, thì ra văn chương trong mỗi lần thi cử của ông, hết thảy đều ở trong đó cả, hơn nữa còn không sai một chữ nào!

Hoàng Đình Kiên lặng im suy nghĩ hồi lâu, bỗng nhiên hiểu ra, biết được bản thân đời trước là thân nữ, nơi đây chính là quê nhà đời trước của ông, bà lão chính là người mẹ của ông đời trước. Hiện nay nhà này chỉ còn lại một mình bà lão. Thế là Sơn Cốc quỳ mọp xuống đất, phủ phục dưới chân bà lão, rưng rưng gọi mẹ, nói rằng mình bản thân chính là con gái của bà chuyển sinh. Sau đó, Hoàng Sơn Cốc trở về dẫn người đến nghênh đón bà lão trở về phủ nha, phụng dưỡng những năm cuối đời.

Về sau bản thân ông cũng đã đi trên con đường ăn chay tập thiền.

Viên Mai, nhà văn triều đại nhà Thanh, sau khi nghe được câu chuyện này đã không khỏi thở dài, nói: “Sách đến đời này đọc đã muộn”. Ý là nói rằng, sự sinh ra của một đại văn hào không phải chỉ là chuyện trong một đời một kiếp thôi đâu, còn những tác phẩm văn học truyền tụng thiên cổ thường là phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp thai nghén mà thành.

Đời trước kiếp này, quanh đi quẩn lại, nhìn như kỳ diệu nhưng không hẳn là mơ hồ. Những cuộc gặp gỡ tình cờ trong đời người, có lẽ trong đó cũng đã ẩn chứa rất nhiều cơ duyên mà người ta không biết.

Tiểu Thiện, dịch từ aboluowang.com