“Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm”, lịch sử đằng đẵng ai là bậc tri âm? Từ “tri âm”, ngày nay thường để nói về tình bạn, nhưng thời cổ đại thì có ý tứ là sự tinh thông về âm luật. Bởi vậy, câu chuyện nổi tiếng “Du Bá Nha đập đàn tạ tri âm” là bao gồm hai tầng hàm nghĩa. Và trong lịch sử thời cổ đại đã xuất hiện không ít những bậc “tri âm” siêu phàm như vậy.
Nhiều người tưởng rằng, Du Bá Nha, Tử Kỳ “nghe thấy dây cung ca biết nhã ý” như vậy là hiếm có, thậm chí là tuyệt không thể có. Tuy nhiên nếu xem “Thái Bình Quảng ký” mới biết được, trong lịch sử “tri âm” còn có rất nhiều. Cái này người Tống biên soạn thành nhiều sách, “nhạc” phân thành hơn 80 cuốn, liên quan đến hơn 60 vị từ trước thời Tống.
Ngạn ngữ có câu “Tri âm thuyết dữ tri âm thính, bất thị tri âm mạc dữ đàm” (Tri âm chuyện với tri âm, chẳng tri âm gảy đàn cầm làm chi). Trong bài này, xin được nói đến những “tri âm” nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa thời cổ đại.
Khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy và câu chuyện “Du Bá Nha đập đàn tạ tri âm”
Câu chuyện Bá Nha gặp Tử Kỳ bắt đầu khi ông đang trên thuyền ở cửa sông Hán Dương, sau khi phụng chỉ vua Tấn đi sứ nước Sở trở về. Nhân lúc đêm Trung thu trăng sáng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha đặt hết tâm hồn đàn một khúc nhạc trầm bổng réo rắt. Tuy nhiên, khúc nhạc chưa dứt thì bỗng đàn đứt dây. Bá Nha giật mình tự nghĩ, hẳn là có người nào đang nghe lén tiếng đàn, bèn chuẩn bị cho quân lính lên bờ tìm hiểu.
Lúc này, trên bờ mới vọng lên tiếng nói của một gã tiều phu trấn an và ngợi ca tiếng đàn của người trên thuyền. Đó chính là Tử Kỳ. Đôi bên đối đáp không lâu thì Bá Nha nhận ra, Tử Kỳ tuy thân phận thấp kém, nhưng lại có thể hiểu thấu tiếng đàn của ông. Bá Nha sinh lòng kính phục, mời Tử Kỳ lên thuyền đàm đạo.
Trên thuyền, Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, người tiều phu rung cảm sâu sắc, cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực. Sung sướng vì tìm được tri âm, Bá Nha sai người bày tiệc đối ẩm, rồi sau đó lại kết nghĩa anh em với Tử Kỳ. Cả hai hẹn ước vào ngày Trung thu năm sau sẽ lại gặp nhau ở ghềnh đá chân núi Mã Yên…
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, Tử Kỳ qua đời trước dịp hẹn ước, ấy vậy nhưng ông chưa bao giờ quên lời hứa với người anh em kết nghĩa của mình. Tử Kỳ di ngôn lại rằng xin được mai táng ở chân núi Mã Yên để hoàn thành lời hẹn ước với Bá Nha.
Ngày hẹn ước, Bá Nha tìm đến nơi thì nghe được tin dữ. Ông đau lòng đến viếng Tử Kỳ, và sau đó sai người mang cây Dao cầm tới, dốc hết tâm lực đàn khúc “Thiên thu trường hận“. Tấu xong khúc nhạc, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, đoạn tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ. Dao cầm vỡ tan, trục ngọc phím đồng rơi lả tả.
Video: Khúc “Cao sơn lưu thủy”.
Bậc “tri âm” siêu phàm có thể nghe âm thanh mà biết điều lành dữ
Cũng bởi âm nhạc gia cảm thụ âm nhạc rất lợi hại, thời cổ đại những người có “tri âm” cao siêu kia càng lợi hại hơn. Một triều đại hưng vong kéo dài ra sao, từ trong tiếng nhạc có thể hiển lộ ra. Thời kỳ Xuân Thu, nhạc sư nước Tấn là Sư Khoáng mặc dù hai mắt bị mù, nhưng năng lực cảm thụ âm luật lại vô cùng cao siêu, có thể nghe âm thanh mà biết điều lành dữ.
Tấn Bình Công sau khi đúc chuông lớn ở kinh thành, thử đánh xem âm thanh ra sao, đám quần thần đều vui cười cho rằng “vang lắm”, duy chỉ có Sư Khoáng nói “không vang”. Bình Công không vừa ý, cho mời Sư Khoáng đến kiểm chứng, âm điệu của chuông lớn này quả nhiên không đạt.
Sư Quyên là nhạc sư Vệ quốc trứ danh, phổ nhạc, soạn, tấu nhạc… mọi thứ đều điêu luyện, còn sáng tác tứ thì tân khúc (tân khúc ca bốn mùa). Bởi lẽ giai điệu diễn tấu của ông sáng tác quá thần kỳ, mê đắm lòng người, Vệ Linh Công nghe xong thì say sưa si mê quên cả triều chính.
Năm 534 TCN, Vệ Linh Công đến Tấn quốc triều kiến Tấn Bình Công, trên đường dừng chân ở sông Bộc, nửa đêm nghe thấy có tiếng cổ cầm văng vẳng truyền đến, tựa như thần hát quỷ ngâm. Hỏi quân sĩ hai bên đều không nghe thấy gì, liền triệu Sư Quyên đến nghe, cũng ghi chép lại bản nhạc. Sư Quyên gảy hồ cầm thử tấu, Linh Công nói đúng là âm điệu này.
Vào đến kinh thành, Tấn Bình Công hạ lễ mở tiệc chiêu đãi khách quý tại ti kỳ cung. Trong bữa tiệc, Vệ Linh Công cho mời Sư Quyên diễn tấu bản nhạc vừa nghe được chỗ sông Bộc. Sư Khoáng nghe xong một hồi liền ngăn lại nói, đây là âm điệu vong quốc, không thể tiếp tục diễn tấu.
Bình Công tra hỏi sự tình. Sư Khoáng nói, đây là Sư Duyên vì Trụ Vương mà soạn nhạc tà âm. Khi Võ Vương phạt Trụ, Sư Duyên chạy trốn, tìm đến sông Bộc tự vẫn. Vì vậy nói, cái khúc nhạc này nhất định là đến từ nước sông Bộc, gảy bản nhạc này, quốc gia tất sẽ vì đó mà suy yếu.
Nhưng Bình Công lại nói: “Ta thấy đây là một bản nhạc hay, ta thích thú muốn nghe xong hết. Hậu quả diễn tấu thật sự nghiêm trọng như vậy sao?”.
Theo “Sử ký – Nhạc thư” ghi lại: Tấu một lần, có mây trắng xuất hiện tại phía chân trời Tây Bắc; lại tấu một lần nữa, mưa to và cuồng phong kéo tới. Chỉ thấy màn che bị xé đứt rồi, đồ dùng cúng tế bị lật úp đổ nát, mái ngói thưa thớt tung bay, tân khách bốn phía chạy tán loạn. Tấn Bình Công sợ hãi, nằm rạp người trốn ở hành lang phòng kế bên. Sau đó, Tấn quốc đại hạn 3 năm, không có lấy một ngọn cỏ.
Khúc “Phượng cầu hoàng” chiếm trọn tâm hồn tài nữ Trác Văn Quân
Tư Mã Tương Như, đại văn hào thời Tây Hán, bằng một khúc “Phượng cầu hoàng” đã chiếm trọn tâm hồn tài nữ Trác Văn Quân. Vì vậy hai người hẹn nhau bỏ trốn, từ Lâm Cung chạy đến Thành Đô, rồi sau đó lại trở về Lâm Cung mở quán rượu mưu sinh.
Hai người họ mặc dù trải qua muôn vàn khó khăn, đều chung một lòng, vợ chồng hòa hợp, chung sống đến bạc đầu. Câu chuyện tình duyên này có lẽ mọi người đều thích, khúc Bắc kịch Nam hát nhiều vô cùng, khắp phố phường đều nói đến, từ xa xưa tới nay đã trở thành giai thoại. Đây cũng là người xưa vì “tri âm” mà chung lòng nguyện ý.
Lý Diên Niên dùng tài nghệ tiến cử em gái vào cung
Lý Diên Niên thời Hán Vũ Đế, là một người gia thế nghèo khổ, địa vị thấp. Nhưng ông “tính tri âm, thiện ca vũ”, có một người em gái sắc đẹp tuyệt trần, thường ra vào hầu hạ Bình Dương công chúa.
Một hôm, nhân dịp múa hát chầu Vũ Đế, Lý Diên Niên bèn biểu diễn tiết mục “Bắc Quốc giai nhân”. Khi âm nhạc vang lên du dương, Lý Diên Niên hát: “Phương Bắc có mỹ nhân, vẻ đẹp tuyệt thế không ai sánh bằng. Một cái nhìn làm ngả nghiêng thành quách, nhìn lại lần nữa làm đất nước suy vong. Thà là không biết cái đẹp khuynh thành khuynh quốc, người đẹp như vậy khó lòng gặp đến hai lần”.
Hán Vũ Đế xem tiết mục ấy và bị thu hút, mới hỏi Lý Diên Niên: “Thế gian có người đẹp đến như thế chăng?”. Vì vậy cho triệu kiến nàng, sau khi xem xét quả nhiên thanh lệ thoát tục, bèn cho nhập vào cung thất, về sau phong làm Lý phu nhân.
Lý Diên Niên qua biểu diễn ca múa, đã khéo léo đem em gái mình là một thiếu nữ da trắng như ngọc, mặt đẹp như hoa, kiều diễm hơn người, tiến cử vào cung.
Khúc “Hồ già thập bát phách” lay động lòng người
Thái Ung thời Đông Hán, thông kinh sử, giỏi từ phú, tinh âm luật, tài đánh đàn nổi tiếng khắp kinh đô. Thái Ung trong một đêm đánh đàn bị đứt một dây cung, con gái của ông mới 6 tuổi bên cạnh nghe được, bèn nói dây cung bị đứt là dây cung thứ nhất. Thái Ung cố ý làm đứt dây cung thứ tư, nhưng sau đó lại bị cô bé phát hiện đúng.
Bé gái này chính là Thái Văn Cơ, tài nữ mà mọi người đều biết. Nàng xuất thân từ gia đình âm nhạc, hơn nữa lại có được tố chất nghệ thuật siêu phàm thiên phú, về sau mới viết nên khúc đàn “Hồ già thập bát phách” lay động lòng người.
Thời bấy giờ, có được những “tri âm” như Thái Ung, Thái Văn Cơ e là hiếm thấy.
“Nghê thường vũ y khúc” khúc nhạc do Đường Huyền Tông sáng tác
Thời cổ đại, trong hàng ngũ “tri âm” cũng không thiếu những bậc đế vương yêu thích âm nhạc ca vũ. Hoàng đế Đường Huyền Tông là một minh chứng điển hình.
Tân Đường thư mô tả Đường Huyền Tông “từ nhỏ đã anh minh đa nghệ, hiểu biết âm luật, thiện bát phân thư, dung mạo vĩ lệ, có tư chất phi thường”. Khi lên ngôi, ông tiếp tục chú ý phát triển các hình thức ca võ, thường sai thân tín giỏi âm nhạc đến các phường hát chỉ dạy cho nghệ sĩ. Ông cũng đích thân dạy nhạc trong Lê viên.
“Cựu Đường thư – Huyền Tông bản kỷ” chép: Huyền Tông rảnh việc nước đã dạy con em nhạc công Thái thường diễn tri, sáo đàn đệm theo gọi là Hoàng đế đệ tử, lại gọi là Lê viên đệ tử. Đặt ở trong viện thuộc Lê viên, gần cấm uyển.
“Nghê thường vũ y khúc” vốn là một Đại vũ khúc nổi tiếng vào thời kỳ nhà Đường. Tương truyền, đây là khúc nhạc do Đường Huyền Tông sáng tác.
Huyền Tông là người tôn kính Đạo và thuận lẽ trời. Ông thường mời những vị đạo sĩ nổi tiếng đến cung điện của mình. Và ông đã trở thành bạn với một trong “Bát tiên” là Trương Quả Lão, người nổi tiếng với hình ảnh cưỡi lừa ngược.
Các vị đạo sĩ xưa luôn có đầy đủ công năng và đôi khi họ cũng biểu diễn khả năng của mình cho hoàng đế xem. Vua Huyền Tông đã được chứng kiến điều đó.
Vào năm đầu tiên sau khi lên ngôi, một vị đạo sĩ đã mời Huyền Tông tham quan cung trăng. Vị đạo sĩ già ném chiếc gậy lên cao, lập tức nó biến thành một cây cầu bạc khổng lồ hướng thẳng lên trời. Vị đạo sĩ và hoàng đế bước lên cây cầu, rời khỏi mặt đất.
Đi được một lúc, ánh sáng chói lòa từ Mặt trăng làm họ lóa mắt. Khi đến gần, họ nhìn thấy một chiếc cổng lớn. Đấy là Quảng hàn cung mà vị đạo sĩ nói.
Các tiên nữ xinh đẹp đang nhảy múa ở bên trong cung điện. Một số cưỡi những chú chim trắng bay lượn, trong khi những người khác đang chơi nhạc cụ và nhảy múa.
Vua Huyền Tông hỏi vị đạo sĩ: “Trang phục các tiên nữ đang mặc gọi là gì?”
Vị đạo sĩ trả lời: “Đó là vũ nhung phục, điệu múa họ đang biểu diễn gọi là Nghê thường vũ y khúc”. Huyền Tông nhớ mãi giai điệu ấy.
Chuyến thăm ngắn ngủi phải kết thúc, vị đạo sĩ già và vua Huyền Tông trở lại mặt đất. Họ về đến sân của cung điện tại kinh đô Trường An. Ở đó, ánh trăng sáng vằng vặc và nhà vua dường như vẫn nghe thấy giai điệu ca múa của các tiên nữ. Ông ngay lập tức sáng tác ra lời nhạc và điệu vũ.
“Nghê Thường vũ y khúc” tiếp tục truyền lại cho đến sau này. Người đời cũng đều ca ngợi trình độ “tri âm” của Đường Huyền Tông.
Bảo An biên dịch và tổng hợp