Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về một hạt vật lý mới, được gọi là “hạt ma”, đã được phát hiện tại Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (gọi tắt là CERN) ở Thụy Sĩ.
Bằng cách sử dụng bộ phân tích hạt Compact Muon Solenoid (CMS) nhỏ gọn trên máy gia tốc hạt, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã nhìn thấy tín hiệu có thể là của hạt nặng gấp đôi nguyên tử cacbon.
Nhưng hạt này không trùng khớp với những lý thuyết đã biết, nên nếu thật sự có tồn tại, nó có thể gây ra một chút xáo trộn cho ngành vật lý. Phát hiện mới chưa qua bình duyệt này hiện đã được arXiv đưa tin ngày 6/8.
Alexandre Nikitenko – nhà lý luận xử lý phần dữ liệu trong nhóm CMS – nói với tờ The Guardian: “Có thể nói, các lý thuyết gia thì đang hào hứng, còn các nhà thực nghiệm lại rất hoài nghi về phát hiện này”, “là nhà vật lý, tôi hẳn cũng sẽ vô cùng khắt khe, nhưng với tư cách là tác giả của phân tích này, tôi cũng nên lạc quan một chút”.
Nhóm nghiên cứu đã thảo luận về những phát hiện của họ trong cuộc họp tại CERN. Những phát hiện này cho thấy sự tích tụ của hạt ‘muon’ – một loại electron nặng – trong máy dò CMS. Điều này tương ứng với một hạt có khối lượng 28GeV, tức khoảng 1/4 khối lượng của hạt Higgs (125 GeV).
Có thể mất một năm nữa mới có thể xác định xem hạt này có thật hay không, nhưng theo Science Alert, ngay cả khi nó là thật, thì đó cũng không phải một phát hiện gây chấn động giới vật lý. Họ cho biết: “Nhưng nó cũng là phát hiện lạ – một khối đã hình thành ở nơi đáng lẽ sẽ không có bất kỳ khối lượng nào được phát hiện”.
Đây không phải là tin tức duy nhất trong năm nay mà chúng tôi được biết về hạt vật lý. Thực tế, đây cũng không phải là tin tức duy nhất chúng tôi có về “hạt ma”, bởi vì vào tháng 7, các nhà thiên văn cũng có một khám phá tuy hơi khác, nhưng họ đã công bố phát hiện hạt neutrino đến từ một thiên hà đang hoạt động cách Trái Đất 4 tỷ năm ánh sáng.
Có lẽ một phát hiện khác trong tháng 9 sẽ được quan tâm hơn, thời điểm đó các nhà khoa học cho rằng họ đã “phá vỡ mô hình chuẩn” khi phát hiện ra hạt neutrino vũ trụ mang năng lượng cực cao bằng cách sử dụng ăng-ten Nam Cực xung động nhất thời (ANITA).
Trong tháng 3 cũng có tin tức về một cái tên khá dị là “skyrimon” – một hạt có đặc tính giống như bóng sét. Và cũng trong tháng 9, các kết quả tại CERN đã ám chỉ một hạt có vẻ thách thức Mô hình Chuẩn.
Giới vật lý liên tục phát hiện ra những loại hạt lạ này, liệu có đủ nổi bật để được nghiên cứu sâu hơn không? Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi này. Nhưng chắc chắn vào thời điểm này, giới vật lý đang cảm thấy rất lý thú với những phát hiện mới mẻ.
Xuân Nhạn, theo AU