Hồng Kông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp khống chế, đã làm ra đủ chuyện hoang đường khiến thế giới phải mở rộng tầm mắt. 30 năm trước, Bức tường Berlin ngăn Đông Đức tiếp cận thế giới tự do đã hoàn toàn sụp đổ; hôm nay, liệu bức tường máu của ĐCSTQ sẽ còn trụ được bao lâu?
Ngày 9/11 là tròn 30 năm “Bức tường Berlin” sụp đổ, liệu ngọn lửa của phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông có cháy lan sang Trung Quốc? Liệu những việc làm tàn ác của ĐCSTQ có khiến lịch sử tái diễn thêm lần nữa? Mọi người có thể thấy vết nứt của bức tường “đỏ” đang dần nới rộng ra.
Lương Quốc Hùng: Chính quyền ĐCSTQ miệng cọp gan thỏ, không đỡ nổi một đòn
Lương Quốc Hùng – cựu nghị viên Hội đồng lập pháp nói: “Bất cứ một chính quyền độc tài chuyên chế nào cũng sợ hãi sự phản kháng của dân chúng đạt được thành tựu, bởi vì chính quyền độc tài hiểu rất rõ, nguyên nhân để bọn họ có thể sống lay lắt đó chính là quần chúng không biết gì hoặc là bị phong tỏa tất cả thông tin”.
Ông nói rằng: “Vốn dĩ ĐCSTQ miệng cọp gan thỏ, không đỡ nổi một đòn, sự thống trị của nó sẽ bị khiêu chiến nghiêm trọng. Đây cũng là chuyện xảy ra ở Đông Âu, một trong những nguyên nhân tạo ra thay đổi giữa Đông Âu và Liên Xô chính là sự kháng cự của các quốc gia Đông Âu làm ảnh hưởng đến Liên Xô”.
Trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ, người dân Hồng Kông có đưa ra khẩu hiệu: “Trời diệt ĐCSTQ“, nếu như nói câu này ở Đại lục chắc chắn sẽ bị bắt giam. “Cái mà ĐCSTQ sợ hãi không phải là khẩu hiệu đó, mà là có bao nhiêu người đứng ra phản kháng vì khẩu hiệu này”.
Lâm Khuông Chính: ĐCSTQ muốn tranh bá thế giới, dẫn đến thù địch tứ phía
Người dẫn chương trình Lâm Khuông Chính, bình luận viên tình hình chính trị đương thời cho rằng, sự phản kháng của người dân Hồng Kông và “Bức tường Berlin” có thể không liên quan trực tiếp, nhưng “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ có thể dẫn đến sự thù địch đến từ tứ phía, gây ra sự bao vây tấn công của toàn thế giới.
Anh cho rằng, ĐCSTQ trong những năm gần đây tự cảm thấy mình “hùng mạnh”, dường như đã bình an vượt qua cơn sóng tài chính năm 2008, mà hiện nay, khi nền kinh tế Âu Mỹ sắp trượt dốc mạnh trên diện rộng, khiến cho ĐCSTQ rục rịch vọng tưởng xưng bá thế giới.
Trên thực tế, Đặng Tiểu Bình đã từng nhấn mạnh ĐCSTQ muốn “giấu tài, vĩnh viễn không xưng bá”. “Bởi vì ông ta biết rằng, ĐCSTQ là một đảng độc tài, nó sẽ không mang lại cho người dân Đại lục sự dân chủ và tự do thực sự. Chính quyền và đường lối của nó sẽ không được thế giới Âu Mỹ công nhận, cho nên chỉ cần bịt miệng, chỉ cần cố gắng tiếp cận với hệ thống tư bản chủ nghĩa trong kinh tế là được”.
Theo quan điểm của anh, cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc thì cũng giống như chủ nghĩa tư bản, đưa tất cả tiền cho doanh nghiệp của Đảng hoặc Đảng Cộng sản, bởi vì cơ cấu của chủ nghĩa tư bản là nguồn vốn xã hội chủ yếu được độc quyền bởi các tập đoàn lớn, mà ĐCSTQ chỉ hy vọng những tập đoàn lớn đó chính là họ.
Tuy nhiên, liệu ĐCSTQ vĩnh viễn sẽ không xưng bá, giấu tài, không lên tiếng, âm thầm lớn mạnh, không xung đột với xã hội quốc tế và Mỹ hay không? Những năm gần đây, “ĐCSTQ đột nhiên cảm thấy mình có cơ hội xưng bá, sau đó muốn làm người bề trên, muốn nhiều quốc gia khác đi theo khuôn mẫu của mình, muốn thay thế nước Mỹ, tự nhiên sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và thậm chí các đồng minh nước Anh, châu Âu và các nước khác dè chừng đối với ĐCSTQ”.
“Sau đó ĐCSTQ lại đi theo lộ tuyến của thế giới thứ 3 (gồm châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh), tạo ra ‘Một vành đai, Một con đường’, dùng rất nhiều tiền đi mua chuộc huynh đệ châu Phi, huynh đệ châu Mỹ La Tinh, nhưng thật đáng tiếc, trên danh nghĩa là dùng tiền của Trung Quốc đi trợ giúp người khác, nhưng thực tế là dựa vào hối lộ chính quyền độc tài địa phương hoặc đảng cầm quyền, sau đó dùng các khoản cho vay lãi suất cao, thu lại tiền về, trên danh nghĩa là đầu tư, thực tế chính là mua sản lượng thặng dư của Trung Quốc và mua lao động thặng dư ở Trung Quốc”.
Anh nói rằng, vốn dĩ người dân của các quốc gia hợp tác “Một vành đai, một con đường” với Trung Quốc đều không hài lòng với chính quyền ĐCSTQ, ví dụ như, người Kazakhstan và Kyrgyzstan đã từng nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình và các cuộc hội nghị phản đối Trung Quốc. “Trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc không muốn chính quyền các cường quốc khác nhau có giá trị quan giống với phương Tây tranh bá với mình, mà muốn người Đông Âu, Trung Âu, châu Mỹ La Tinh, châu Phi đứng về phía mình”.
Lâm Khuông Chính nói rằng, những người mà bạn muốn lôi kéo, lại phát hiện ra bạn ngu ngốc, thế nên mọi người liền bắt đầu chống đối bạn. “Hiện tại, chính quyền ĐCSTQ đã trở thành kẻ thù của rất nhiều nước về mặt ngoại giao, bởi vì ĐCSTQ muốn xưng bá thế giới, đương nhiên sẽ phải đối mặt với những cửa ải khó khăn như vậy”.
Mông Triệu Đạt: Trong bức tường cao, lực lượng phản kháng của nhân dân từ sớm đã sinh sôi
Mông Triệu Đạt – trợ lý tổng Liên minh công nhân viên chức Hồng Kông nói: “ĐCSTQ không muốn trao cho người dân Hồng Kông quyền bầu cử phổ thông thực sự, nguyên nhân phía sau là một chính phủ độc tài chuyên chế, nó e ngại nếu như Hồng Kông có dân chủ, có thể sẽ tác động đến người dân Đại lục cũng muốn thực hiện quyền dân chủ, khiến cho sự thống trị độc tài không thể tiếp tục được nữa”.
Ông cho rằng, nỗi sợ bị mất quyền thống trị này chắc chắn sẽ xảy ra với kẻ độc tài. Do đó, trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ, người dân Hồng Kông đấu tranh cho dân chủ và tự do, còn ĐCSTQ không ngừng lợi dụng chính sách phân hóa, tấn công phong trào dân chủ của Hồng Kông, cho đó là phong trào “Độc lập Hồng Kông”, phong trào “chia tách quốc gia”, chửi bới bôi nhọ quần chúng.
Thực tế, đối tượng mà ĐCSTQ nhằm vào cũng không phải là người Hồng Kông, mà là sử dụng cách này để lừa gạt những người dân phía trong bức tường cao, khiến bọn họ hiểu lầm đến nỗi có ác cảm.
“ĐCSTQ lo sợ rằng người Hồng Kông do bị kích thích từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ sẽ dẫn đến đòi dân chủ và tự trị, và rồi sẽ ảnh hưởng đến Đại lục. Hiện tại, sau khi Tập Cận Bình nhậm chức, trong những năm gần đây, cho dù là cuộc vận động của giai cấp công nhân, cuộc vận động bảo vệ môi trường, cuộc vận động phụ nữ, hay là cuộc vận động của dân tộc thiểu số đều bị đàn áp, đều không ngừng bị Đại lục đàn áp nghiêm trọng. Cái gọi là ‘dùng luật trị quốc’, trên thực tế là dùng công cụ pháp luật để đàn áp phong trào quần chúng”, ông nói.
Trong hoàn cảnh này, Mông Triệu Đạt cho rằng, chính quyền ĐCSTQ chắc chắn sẽ lo sợ phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông sẽ ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh dân chủ trong nước và đấu tranh cho các quyền dân sự. Nếu hai lực lượng này hợp nhất, nó sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với sự cai trị của chính quyền Tập Cận Bình.
Minh Huy (Theo Secretchina)