Tinh Hoa

Bằng chứng gian lận thi cử có tổ chức: Học sinh chủ động không điền trắc nghiệm!

Theo các chuyên gia, việc một số bậc phụ huynh nói là họ không hề biết việc con cái được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là những phát biểu hết sức vô lý vì xác suất được 3 bài thi đều dưới 1 điểm là khoảng 1/10.000.000, một con số không tưởng!

 Học sinh chủ động không điền trắc nghiệm!. (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, người có nhiều năm liền có tên trong danh sách 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới đã đưa ra kết luận trên dựa vào tính toán xác suất con số thống kê như sau: với 40 câu hỏi nếu chúng ta cứ chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm. Thí sinh muốn được dưới 1 điểm không hề dễ chút nào, chúng ta chỉ được phép đúng tối đa 3 câu, và xác suất để xảy ra trường hợp này chỉ có 0.0047.

Xác suất để được điểm 0 thậm chí còn nhỏ hơn nữa, chỉ khoảng 0.00001006.

Giả sử chúng ta xem xét xác suất được dưới 1 điểm thì với tổng số thí sinh là 900 nghìn thì sẽ có 4.230 thí sinh được dưới 1 điểm. Con số này vẫn khá nhiều nên vẫn có thể các thí sinh được nâng điểm thực sự bị dưới 1 điểm.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là một số thí sinh được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm (thậm chí bao gồm cả điểm 0). Được một điểm dưới 1 đã khó, mà được cả 3 điểm dưới 1 là vô cùng hy hữu.

Bởi xác suất được 3 bài thi đều dưới 1 điểm là khoảng /10.000.000. Có thí sinh thậm chí còn được 2 điểm 0 nữa, mà xác suất được 2 điểm 0 là 1/10.000.000.000. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thì trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0.

Chỉ 2 tỉnh với chỉ vài chục nghìn thí sinh mà đã có 3 em tổng điểm 3 môn dưới 1. (Ảnh: H.H/TN)

“Điều này khẳng định là học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng hơn. Như vậy trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể nói cha mẹ không biết được”, TS Cường nhận định.

Nhiều người cũng đồng ý với phân tích và nhận định trên của TS Cường. Một số luật sư cũng cho rằng đây là lập luận quan trọng để cơ quan điều tra xác định những người tham gia gian lận thi cử.

“TS Cường nêu cơ sở đúng. Giả thuyết không những con cái biết mà còn được cha mẹ dặn dò mọi việc để đề phòng, đối phó, là hoàn toàn có thể xảy ra”, tài khoản Facebook Phạm Phan nêu ý kiến.

Tương tự, thạc sĩ luật học Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, cho hay “Tôi nghĩ việc điều tra phụ huynh và thí sinh có liên quan, tham gia vào việc gian lận hay không là điều không hề khó với nghiệp vụ của công an. Dù những suy luận khoa học không thể là bằng chứng, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào những lập luận này để truy tìm sự thật”.

Bạn đọc Tran Viet Anh cũng nhận định đó là hành vi phạm tội có tổ chức, cần truy tố hình sự cả người sửa điểm và người mua điểm.

Trước khi bị phanh phui gian lận, lãnh đạo ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có những phát ngôn trái ngược thực tế. (Ảnh: Phượng Nguyễn/zing).

Hiện tại mặc dù mọi chuyện đã được phơi bày, và đưa ra ánh sáng, những kẻ thế chỗ ấy cũng đã trả về vị trí ban đầu.

Thế nhưng có em nào vì gia cảnh quá nghèo (quyết tâm học để thi an ninh, quân đội để tiếp tục vào giảng đường) mà nay bị thế chỗ đã phải từ bỏ giảng đường đại học vì gia đình không thể có tiền đóng học phí?

Có em nào phải lăn lộn ngoài đời mưu sinh, đã có ai buộc phải học cái nghề mình không yêu thích để rồi chán nản buông xuôi?

Hàng chục con người bị đánh cắp ước mơ đó đến nay vẫn không được trả lại cái vị trí vốn là của họ, vị trí mà họ xứng đáng được nhận. Tại sao không ai lên tiếng để trả công bằng cho chính những em học sinh giỏi ấy?

Trừng phạt kẻ gian dối nhưng phải trả lại vị trí cho những ước mơ bị đánh cắp mới là điều nên làm, cần phải làm mới là sự công bằng.

Có những em chỉ vì thiếu 0.5đ để đàng hoàng bước chân vào cổng trường đại học, nay đã phải từ bỏ ước mơ và con đường mình đã chọn, nước nhà bỗng mất đi một nhân tài trong lĩnh vực đó và thay vào là những con người yếu kém hơn.

Người tài thật sự thì không có cơ hội phát triển. Người thế chân thì không thể làm tốt công việc vì không có năng lực.

Người đánh cắp ước mơ và cả những người bị đánh cắp đều thất bại trong công việc của chính mình.

Làm rõ sai phạm mua bán điểm, trả học sinh gian lận về địa phương là việc nên làm. Nhưng những học sinh vô tội bị cướp ước mơ, ai sẽ trả lại công bằng cho các em?

Anh Thư (t/h)

Xem thêm: