Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây đã cam kết sẽ cho phép gần 3 triệu người dân Hồng Kông đến sống và làm việc ở Anh nếu Trung Quốc kiên quyết áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên thuộc địa cũ của Anh, theo New York Times.
Lời đề nghị của Thủ tướng Anh được công bố trong một bài viết đăng trên tờ The Times của London. Đề nghị này mở ra cơ hội cho một lượng người đáng kể di tản khỏi Hồng Kông nếu tình hình ở đặc khu này trở nên xấu đi.
Ông Johnson mô tả đây là một trong những thay đổi lớn nhất về quy định thị thực trong lịch sử nước Anh. Theo đó, khoảng 350.000 người Hồng Kông đã có hộ chiếu Anh ở nước ngoài (BNO) và khoảng 2,5 triệu người đủ điều điều kiện nộp đơn xin cấp hộ chiếu này sẽ có thể di chuyển đến Anh sinh sống, làm việc và học tập trong 12 tháng (có thể gia hạn). Từ đó, mở đường cho họ trở thành công dân Anh.
“Nhiều người Hồng Kong lo sợ rằng cách sống của họ – mà Trung Quốc từng cam kết duy trì – đang bị đe dọa. Nếu Trung Quốc biến nỗi sợ đó thành sự thật, chúng tôi không thể ngoảnh mặt bỏ đi, chúng tôi sẽ thực thi nghĩa vụ của mình và cung cấp một giải pháp thay thế”, ông Johnson viết.
Lời đề nghị của ông Johnson chỉ áp dụng cho cư dân Hồng Kông có hộ chiếu mang phù hiệu của chính phủ Anh và không trao quyền công dân đối với hộ chiếu Anh thông thường. Nhiều người Hồng Kông sinh trước thời Anh trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh năm 1997 được cấp hộ chiếu này.
Ông Johnson cho biết kế hoạch này sẽ được thực hiện khi Bắc Kinh chính thức áp dụng luật an ninh quốc gia.
Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc đã giận dữ bác bỏ và tuyên bố Anh không có quyền đưa ra đề nghị như vậy đối với cư dân Hồng Kông là công dân Trung Quốc. Không rõ liệu chính quyền Trung Quốc có cho phép những người mang hộ chiếu này rời đi hay không.
Trước đó, vào ngày 28/5, Đại hội Đại biểu toàn quốc Trung Quốc đã biểu quyết thông qua dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Trong đó, cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc âm mưu với các thế lực bên ngoài can thiệp vào Hồng Kông.
Điều này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, cho rằng luật này sẽ đe dọa tự do dân chủ của người Hồng Kông và làm suy yếu quyền tự trị của thành phố. Các chính trị gia ở Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác đã lên án hành động của chính quyền Trung Quốc.
Vào ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn nặng nề, ra lệnh bãi bỏ vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông, đồng thời áp dụng các biện pháp chế tài đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông.
Hôm 2/6, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết Anh đang thảo luận vấn đề “chia sẻ gánh nặng” với Mỹ, Úc, Canada và New Zealand để xử lý một cuộc di tản người dân Hồng Kông.
Thùy Linh(t/h)