Năm nay là kỷ niệm tròn 31 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), mặc dù đêm liên hoan “Ánh nến ngày 4/6” tại Công viên Victoria được tổ chức thường niên bị hủy vì tình hình dịch bệnh, nhưng ánh nến 4/6 của Hồng Kông để đột phá virus và cường quyền đã được thắp lên mọi nơi.
Hồng Kông là thành phố duy nhất ở Trung Quốc có thể tổ chức mít tinh tưởng niệm sự kiện Lục Tứ quy mô lớn, điều này được coi là đặc trưng của ‘một quốc gia, hai chế độ’. Không ít người Hồng Kông đã biểu thị: “Tôi không thể im lặng”, kỷ niệm ngày 4/6 là vì Trung Quốc, cũng là vì Hồng Kông.
Ánh nến 4/6 của Hồng Kông bị dập tắt, “hai chế độ” còn đâu?
Trong một năm qua, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Hồng Kông đã đàn áp mạnh mẽ cuộc đấu tranh ở Hồng Kông, việc ĐCSTQ ký kết Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông đã trực tiếp biến “một quốc gia, hai chế độ” thành “một quốc gia, một chế độ”.
Lý Trụ Minh – người sáng lập Đảng Dân chủ Hồng Kông, nói thẳng: “Nếu chính quyền Bắc Kinh có quyền trực tiếp ban hành luật pháp và thực thi luật pháp ở Hồng Kông, thì đó không còn là ‘một quốc gia, hai chế độ’ nữa”.
Mít tinh ngày 4/6 hàng năm tại Hồng Kông được cho là một ký hiệu mềm khác của “một quốc gia, hai chế độ”. Hàng năm vào ngày 4/6, hàng chục ngàn công dân Hồng Kông không ngại gió mưa tiến vào Công viên Victoria, thắp sáng ngọn nến để tưởng nhớ những người đi trước đã cống hiến cho phong trào dân chủ Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, hy vọng ngọn lửa tự do sẽ sớm thắp sáng ở khắp nơi trên Trung Quốc.
Từ quan điểm của người Trung Quốc bên trong và bên ngoài, Công viên Victoria hướng về dân chủ là ngọn hải đăng tự do duy nhất kết nối với Trung Quốc Đại lục.
Tuy nhiên, năm nay chính phủ Hồng Kông đã cấm Công viên Victoria tổ chức liên hoan “Ánh nến ngày 4/6”. Apple Daily bình luận, khi những ánh nến ở Công viên Victoria bị cưỡng ép dập tắt bởi bộ máy nhà nước toàn trị, Hồng Kông cũng sẽ bước vào đêm dài đằng đằng, không thấy ánh sáng giống như Đại lục, sự khác biệt của hai chế độ liệu còn tồn tại?
Người Hồng Kông sẽ không im lặng, ánh nến 4/6 “mọc lên như nấm”
Tuy nhiên, người dân Hồng Kông không có ý định từ bỏ các hoạt động kỷ niệm. Liên hội xin tổ chức mít tinh 4/6 nói, họ sẽ thay đổi liên hoan đêm thành hoạt động trực tuyến, khuyến khích mọi người “Be water” (Hãy như nước), kỷ niệm theo cách riêng của họ tại địa phương sở tại.
Vào tối 4/6, liên hội vẫn sẽ tới thắp nến tại Công viên Victoria, phát trực tiếp hoạt động kỷ niệm ở trên mạng, mọi người cùng nhau mặc niệm 1 phút, thông qua internet để ánh nến 4/6 “mọc lên như nấm” ở Hồng Kông và Ma Cao.
Daisy Lam ở Hồng Kông, 52 tuổi, thường đưa những đứa trẻ đến tham gia lễ kỷ niệm ánh nến 4/6 gần như hàng năm. Bà nói với Reuters: “Tôi không thể im lặng. Nếu có người muốn tôi giữ im lặng, tôi không thể làm điều đó”.
Trần Khánh Hoa (Chan Ching-wah), năm nay 56 tuổi, là một nhân viên công tác xã hội ở Hồng Kông. Ở thời điểm sự kiện Thiên An Môn, ông vẫn còn là một học sinh, ông nhớ lại tình hình thoát khỏi Bắc Kinh năm đó, một cán bộ hải quan đã thả ông đi, còn để ông mang theo một túi có những thước phim, hình ảnh về cuộc đàn áp của quân đội.
“Tôi hy vọng sự phản kháng của Hồng Kông sẽ không dẫn đến sự đàn áp giống như Thiên An Môn”, Trần Khánh Hoa cầm trong tay tấm ảnh chụp ở quảng trường Thiên An Môn năm đó, nói “Tôi cảm thấy mình chưa từng rời đi, vì Hồng Kông đang đối mặt với nguy hiểm. Cuộc đàn áp mà Hồng Kông đang phải đối mặt là không tầm thường”.
Lương Huệ Nhàn (Priscilla Leung) – một công chức về hưu ở Hồng Kông, là một tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ. Bà biểu thị, bà sẽ tiếp tục nói với những thanh niên về cuộc đàn áp Thiên An Môn, bởi chủ đề này là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc Đại lục, chính phủ ĐCSTQ nghiêm cấm mọi người đề cập công khai đến sự kiện Thiên An Môn.
Lương Huệ Nhàn nói: “Tôi đã mua một số nến điện tử, dự định thắp sáng những ngọn nến này trên đường phố”; “Không quan trọng dù là một người hay mấy người, miễn là chúng tôi vẫn còn thiêu đốt ngọn lửa này trong tim là được, chúng tôi có thể truyền thông tin này cho thế hệ tiếp theo”.
Lê Trí Anh – Người sáng lập Next Digital, công khai biểu thị rằng ông sẽ không chịu khuất phục trước sự đe dọa của chính phủ, và sẽ tham gia liên hoan đêm 4/6. Ông nói: “Nếu chúng ta quá bất mãn với Luật An ninh Quốc gia, muốn phản kháng, 4/6 là một cách thức biểu đạt”.
Lê Trí Anh nhấn mạnh, ánh nến được thắp sáng đêm 4/6 có ý nghĩa rất lớn: “Đó là một sự khích lệ đối với người dân Hồng Kông, cho thấy rằng chúng ta sẽ tiếp tục chống lại sự đàn áp của ĐCSTQ, tiếp tục bảo vệ tự do và pháp trị của chúng ta”.
Hoàng Chi Phong, Quảng Tụng Tinh – Đại diện thanh niên của Phong trào Dân chủ Hồng Kông, dù không trải qua những năm tháng “4/6”, nhưng ánh nến ở Công viên Victoria hàng năm đã đi cùng với sự trưởng thành của họ.
Tình hình chính trị nhân kỷ niệm tròn 31 năm sự kiện Thiên An Môn khiến họ lo lắng, Hoàng Chi Phong và Quảng Tụng Tinh đã viết rằng sự kiện Thiên An Môn luôn là một bài học cần phải được truyền thụ: “ĐCSTQ là một chế độ độc tài tàn bạo, để bảo vệ quyền lực, nó sẽ sát hại công dân của nước mình mà không do dự”.
“Vài ngày trước, ĐCSTQ vừa mới tuyên bố sẽ trực tiếp thực hiện Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông; cảnh sát Hồng Kông sau đó lại từ chối phê duyệt hoạt động mít tinh dành cho những người bị giết hại thường niên của chúng ta.
Năm nay không có ánh nến, chúng ta có thể sẽ đối mặt với gậy gộc, bom cay, đạn cao su và bạo lực cảnh sát. Chúng ta lo lắng, nhưng chúng ta vẫn không thể khoanh tay từ bỏ tự do của chúng ta. Một khi ánh nến kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn bị dập tắt, ngọn đuốc lửa tự do của Hồng Kông cũng sẽ bị đe dọa”.
Ngoài Hồng Kông, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định tổ chức một buổi lễ tưởng niệm trực tuyến vào ngày 4/6 để ủng hộ các phong trào phản kháng dân chủ ở Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông.
Video hàng ngàn người Hồng Kông bất chấp lệnh cấm tập hợp để tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn
Gia Hưng (Theo NTDTV)