Tinh Hoa

Ấn Độ: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tin giả hoành hành

Theo một nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ấn Độ đang gia tăng và là nguyên nhân khiến cho người dân nước này lan truyền tin đồn giả.

Chủ nghĩa cực đoan là nguyên nhân dẫn đến tin đồn giả ở Ấn Độ. (Ảnh qua BBC)

Theo một nghiên cứu của BBC cho thấy các dữ liệu thực tế không được coi trọng bằng những tin cảm tính nhưng có liên quan tới tinh thần dân tộc.

Các phân tích về mạng xã hội nói rằng các mạng lưới hữu khuynh được tổ chức quy củ hơn so với phe tả khuynh, khiến các chuyện giả về lòng tự tôn dân tộc càng được đẩy đi xa hơn.

Cũng có sự chồng chéo giữa các nguồn tin giả trên Twitter và các mạng lưới ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi.

Kết quả nghiên cứu trên được rút ra từ quá trình tìm hiểu sâu rộng tại Ấn Độ, Kenya và Nigeria về cách thức dân thường tham gia vào và làm lan truyền tin giả.

Những người tham dự vào quá trình nghiên cứu đã để BBC tiếp cận điện thoại của họ trong thời gian bảy ngày, qua đó các nhà nghiên cứu có thể xem xét xem họ chia sẻ các loại tư liệu, thông tin gì, với ai, ở mức độ chia sẻ thế nào.

Việc nghiên cứu do BBC Thế giới vụ đặt hàng thực hiện và được công bố hôm nay 12/11/2018, là một phần trong “Beyond Fake News” – là loạt chương trình được phát trên các kênh truyền hình, kênh phát thanh và trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm điều tra về việc những tin sai và tin giả tác động ra sao tới mọi người trên toàn thế giới.

Ở cả ba quốc gia, tâm lý không tin tưởng vào các hãng tin chính thống khiến mọi người truyền nhau tin tức từ các nguồn khác mà không buồn kiểm chứng, và họ tin rằng làm vậy là họ đang giúp truyền đi những câu chuyện thật. Mọi người cũng thường quá tự tin rằng mình có khả năng phát hiện ra tin giả.

Các thông tin ở dạng kỹ thuật số được chia sẻ tràn ngập trong 2018 càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Những người tham dự quá trình nghiên cứu của BBC không mấy nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc đưa ra các tin nhắn có chứa nội dung giả mà thường chỉ nhìn vào các dấu hiệu khác để xem đó có phải là nội dung đáng tin cậy không.

Những nguồn này bao gồm các bình luận trên một tin đăng trên Facebook, các hình ảnh có trong các post, hoặc người gửi là ai, trong đó mọi người thường coi các tin nhắn trên WhatsApp từ người thân hay bạn bè gửi tới là đáng tin, và họ thường gửi các tin đó đi khi chưa kiểm chứng.

Tình trạng chia sẻ rộng rãi các lời đồn đoán sai trên ứng dụng WhatsApp đã dẫn tới một làn sóng bạo lực tại Ấn Độ, với việc mọi người chuyển tiếp các thông điệp giả về những kẻ bức hại trẻ em cho bạn bè và gia đình mà không nghĩ tới trách nhiệm phải bảo vệ người thân, cộng đồng.

Theo một phân tích riêng rẽ của BBC thì ít nhất 32 người đã bị giết chết trong năm ngoái trong các vụ có liên quan tới những đồn đại lan truyền trên mạng xã hội hoặc trên các app nhắn tin.

Chúng tôi đã xem xét chi tiết về cái chết của Nilotpal và Abhishek tại Assam, và một phóng viên khác đã tới Mexico để tìm hiểu xem những đồn đại được gửi đi trên WhatsApp làm thổi bùng lên tình trạng bạo lực chết người tại nước đó ra sao.

Việc nghiên cứu tại châu Phi cho thấy tinh thần dân tộc không đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền tin giả.

Tại Kenya, các trò lừa đảo liên quan tới tiền bạc và công nghệ là động lực mạnh hơn, chiếm khoảng một phần ba các câu chuyện được chia sẻ trên WhatsApp, trong khi các tin giả liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và quân đội được chia sẻ rộng rãi tại Nigeria.

Ở cả hai quốc gia, nỗi lo sợ về vấn đề y tế nằm trong số các câu chuyện tin tức giả được chia sẻ rộng rãi, và nhiều người đọc tin từ cả các nguồn đáng tin lẫn các nguồn giả nhưng không phân biệt được thực hư thế nào.

Các nhà nghiên cứu đã dành hàng trăm giờ đồng hồ với 80 người tham gia quá trình điều tra ở cả ba quốc gia, phỏng vấn họ tại nhà về cách thức đọc tin của họ cũng như xem xét cách họ chia sẻ thông tin qua WhatsApp và Facebook trong thời gian bảy ngày.

Họ cũng tiến hành phân tích rộng rãi về việc tin giả được lan truyền ra sao trên Twitter và Facebook tại Ấn Độ, để hiểu được cách liệu việc lan truyền tin giả có bị phân cực theo khuynh hướng chính trị hay không.

Chừng 160 ngàn tài khoản Twitter và 3.000 trang Facebook đã được phân tích. Kết quả cho thấy có sự cổ súy mạnh mẽ và mạch lạc trong các thông điệp của phe hữu khuynh, trong lúc các mạng lưới tin giả tả khuynh được tổ chức kém chặt chẽ và ít hiệu quả hơn.

>>> Trẻ em Trung Quốc sẽ không còn được thừa hưởng tín ngưỡng từ thế hệ đi trước

>>> Chuyên gia TQ bị hủy tư cách tham dự hội nghị quốc tế vì liên quan đến mổ cướp tạng

Theo bbc.com