Tự thuật của Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” cho chúng ta thấy được cổ nhân kính trời, tín Thần như thế nào. Trên đầu ba thước có thần linh, tin tưởng thiện ác có báo, những điều này đã ăn sâu vào mỗi con người thời đó.
“Duyệt vi thảo đường bút ký” được Kỷ Hiểu Lam ghi lại lúc tuổi già. Ghi chép lại đều là những điều bản thân ông mắt thấy tai nghe, những câu chuyện chân thật, sinh động. Một số trong đó còn là do người nhà của ông hoặc chính ông trải qua. Vì thế có độ tin cậy rất cao.
Dưới đây là hai câu chuyện trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam:
Giết hổ
Trung Hàm là anh con bác của tôi, lúc đang làm tri huyện ở Tinh Đức, ở trong huyện bị hổ quấy phá, cắn bị thương vài người thợ săn, không làm sao bắt được. Người dân bẩm báo với tri huyện, nói: “Trừ khi thuê Đường gia ở Huy Châu chuyên môn săn hổ, nếu không thì không thể tiêu trừ con hổ này được”.
Đới Đông Nguyên ở huyện Hưu Ninh nói: “Triều đại nhà Minh có một người họ Đường, vừa kết hôn đã bị hổ ăn thịt. Về sau vợ của anh ta sinh được một bé trai, người vợ mới ngẩng đầu lên trời cầu nguyện: ‘Con nếu không thể giết được hổ thì không phải là con của ta. Con cháu sau này nếu như không thể giết được hổ thì cũng không phải con cháu của ta’. Cho nên Đường gia qua các thế hệ đều tinh thông săn bắt hổ”.
Vì vậy Trung Hàm phái thuộc hạ mang theo tiền bạc đến thăm hỏi. Thuộc hạ trở về báo cáo, Đường gia chọn đi hai người võ nghệ cao cường nhất, cũng vừa mới đến.
Đợi đến khi hai người của Đường gia đi vào, hóa ra là một ông lão, râu tóc bạc trắng, còn ho khan liên tục; người còn lại là một thiếu niên tầm mười sáu mười bảy tuổi. Trung Hàm cảm thấy rất thất vọng, miễn cưỡng lệnh cho thủ hạ chuẩn bị rượu thịt để thiết đãi.
Ông lão cảm thấy Trung Hàm không hài lòng, liền quỳ một chân xuống bẩm báo: “Nghe nói con hổ chỉ cách thành không đến năm dặm, chi bằng đi bắt giết trước, rồi trở về ăn uống cũng chưa muộn“.
Trung Hàm liền phái thuộc hạ dẫn hai người kia đi. Sai dịch dẫn đến trước khe núi thì không dám đi vào.
Ông lão cười nói: “Có ta ở đây, anh còn sợ hãi sao?”
Lúc đi vào khe núi, ông lão quay đầu nói với thiếu niên đi cùng: “Súc sinh này hình như còn đang ngủ, con tới đánh thức nó đi”.
Thiếu niên liền bắt chước tiếng kêu gào của hổ. Quả nhiên con hổ từ trong rừng lao ra, nhắm ông lão mà lao tới. Ông lão tay cầm một cái búa ngắn, dài khoảng tám chín thốn (khoảng 27cm), rộng chỉ có bốn năm thốn (khoảng 15cm), ông lão giơ cánh tay lên, đứng thẳng nguyên tại chỗ.
Con hổ nhào tới phía trước, ông lão chỉ nghiêng đầu qua một cái, để cho con hổ lướt qua. Chỉ thấy con vừa hổ nhảy vọt qua đầu của ông lão thì đổ máu lăn ra đất chết tươi.
Nhìn kỹ con hổ từ đầu đến cuối đều kín vết búa, toàn thân rạn nứt hết. Vì vậy, Trung Hàm liền trọng thưởng cho hai người thợ săn, phái người tiễn đưa bọn họ trở về.
Ông lão nói, ông luyện cánh tay mất mười năm, luyện mắt mất mười năm. Ánh mắt của ông, luyện đến mức dùng cọng lông hay cái chổi quét qua cũng không nháy mắt; cánh tay của ông, dù cho thanh niên trai tráng đu lên cũng sẽ không nhúc nhích.
Trong “Trang Tử” có nói: “Tập luyện có thể sinh thần kỳ, người thủ đoạn sẽ không biết được, chỉ người tập luyện mới có thể hiểu được”.
Chuyện này có thể tin được. Tôi đã thấy một người ngay trong đêm có thể vẽ tranh và viết chữ, tranh vẽ hoặc chữ viết, dù có làm dưới ánh đèn cũng giống y như vậy. Lại nghe nói có Lịch Văn Khác Công ở Tịnh Hải, cắt một trăm tờ giấy hình vuông cạnh 3cm, trên mỗi tờ đều ghi một chữ giống nhau, đem những tờ giấy này xếp chồng lên nhau, hướng lên phía mặt trời quan sát, chữ trên mỗi tờ giấy không khác nhau một chút nào. Những điều này đều là nhờ luyện tập chăm chỉ mà có được, cũng không phải là thủ thuật gì đặc biệt cả.
Yêu quái không dám đến gần quân tử, điều tốt lành không đến với tiểu nhân
Ở Bá Châu có một lão nho sinh, là một bậc quân tử chân chính, ở quê nhà mọi người tôn ông là bậc trưởng lão đức cao vọng trọng. Một ngày, trong nhà ông bỗng nhiên có hồ tinh tác quái, lúc lão nho sinh ở nhà thì vô cùng yên tĩnh, chỉ cần ông vừa ra khỏi cửa, hồ tinh liền lay động cửa sổ, đập phá đồ đạc, ném đủ thứ dơ bẩn khắp nơi. Làm lão nho sinh không dám ra khỏi nhà, chỉ đóng cửa ở trong nhà hướng nội tu, không biết mình đã làm sai ở đâu, lúc nào cũng tìm lỗi lầm của bản thân.
Lúc ấy, các tú tài ở Bá Châu bởi vì sự việc tu sửa sông ngòi nên muốn tố cáo những quan lớn của Bá Châu, hẹn nhau tập hợp trong trường học, chuẩn bị lấy tên của Lão nho sinh vào vị trí đầu tiên trong danh sách tố cáo.
Lão nho sinh bởi vì trong nhà có hồ tinh tác quái, không thể ra ngoài được, cho nên đành phải đề cử một vị Vương tú tài dẫn đầu. Về sau, Vương tú tài vì vậy mà bị phán tội chết, mà Lão nho sinh lại có thể được miễn đi tai họa này.
Lúc bản án này được phán quyết xong thì hồ tinh cũng rời khỏi nhà của Lão nho sinh. Mọi người giờ mới hiểu được, thực ra hồ ly tinh chính là muốn cản trở Lão nho sinh đi ra ngoài tham dự chuyện đó.
Cho nên, tiểu nhân không gặp được việc gì tốt lành, nếu như một khi tiểu nhân có được điều gì may mắn, thì thực ra là ông trời dùng cách đó để trị tội họ. Quân tử không thể bị yêu quái quấy phá; nếu như quân tử bị yêu quái quấy phá, thì thực ra là ông trời dùng cách này để cảnh báo cho họ một chuyện gì đó.
Chân Chân (Theo SOH)
Xem thêm: