Trong thời cổ đại, trừ các phạm nhân phạm tội ác tày trời như mưu phản, ác nghịch giết hại cha mẹ phải xử tử ngay, thì việc tử hình đều chờ đến mùa thu mới được tiến hành. Tại sao vậy?
Tôi từ nhỏ đã nghe các vị tiền bối nhắc đến bộ phim “Thu quyết” (Mùa thu xử tử), sau đó vẫn luôn một mực ghi lòng tạc dạ tại nơi sâu thẳm tâm hồn. Bộ phim này do đạo diễn Lý Hành dàn dựng, công chiếu vào năm 1972. Từ đó về sau, chỉ cần nghe đến “Thu quyết” hay xử trảm sau mùa thu, tôi lại bất giác nghĩ đến bộ phim này. Tuy nhiên, bộ phim mà tôi chưa được xem này không phải là điều tôi muốn nói ở đây.
Có lẽ bạn cũng từng thắc mắc, tại sao tù tử hình thời cổ đại Trung Quốc lại là “trảm sau mùa thu” chứ không phải là “trảm sau mùa xuân”? Lẽ nào mùa xuân quá đẹp, các quan viên không muốn bỏ lỡ việc thưởng thức cảnh xuân?
Vậy thì, ít nhất cũng nên chọn “trảm sau mùa đông” chứ? Dù sao, chọn một ngày tuyết trắng phau phau hay tuyết bay mù mịt để xử trảm, thì cũng thích hợp biết bao, lại có tác dụng cảnh tỉnh, phải cho thế gian này thấy một phen xương lạnh buốt, mới tỉnh táo mà nhận thức được để từ bỏ cái ác.
Thu đông hành hình
Hoàng đế triều Hán đã tuyên bố quy định “Thu đông hành hình”, sau khi lập xuân là không được tử hình. Pháp luật hai triều Đường, Tống cũng tuyên bố rõ ràng: Trong khoảng thời gian từ lập xuân đến thu phân, trừ các phạm nhân phạm phải tội ác tày trời như mưu phản, ác nghịch (giết hại đánh đập ông bà cha mẹ) hoặc nô tỳ giết hại chủ nhân thì phải lập tức tử hình, những phạm nhân phạm các tội khác thì không thể “Xuân quyết” (mùa xuân xử tử), những tội tù tử hình này có thể để đợi đến sau khi tiết sương giáng mùa thu, trước mùa đông tử hình vẫn chưa muộn.
Thời gian hành hình thời Tây Hán lại được định vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 Hoàng lịch, đời Đường thì việc thực hiện tử hình rơi vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, quy định này từ đời Đường vẫn được hậu thế áp dụng, tiếp tục sử dụng cho đến cuối đời Thanh.
Còn đời nhà Thanh cũng định rõ, những phạm nhân thông qua sự thẩm tra của triều đình phải chịu xử phạt, cũng phải đợi đến mùa thu mới xử tử.
Thế nên việc tử hình trong thời cổ đại đều được tiến hành vào mùa thu, vì vậy trong sách cổ hoặc các bộ phim về lịch sử ngày nay thường thấy xuất hiện cụm từ “Thu hậu vấn trảm”(xử trảm sau mùa thu). Chỉ là, rốt cuộc tại sao giai cấp thống trị cổ đại lại chọn mùa thu lá vàng rơi hiu hắt hay mùa đông trời rét căm căm, mà không phải chọn mùa xuân khí hậu ấm áp hay mùa hè trời nóng bừng bừng để xử trảm phạm nhân? Như vậy quả thực càng tăng thêm khung cảnh xơ xác tiêu điều.
Thực ra, sự lựa chọn của cổ nhân có liên quan đến sự biến đổi của thời tiết và ý nghĩa tượng trưng. Cổ nhân cho rằng hai mùa xuân, hạ cây cỏ xum xuê, chính là mùa động thực vật hoạt động tích cực, vô cùng phồn thịnh, đó là mùa tuyệt vời nhất cho van vật sinh sôi nảy nở. Do đó, trong thời kì tràn ngập sinh khí như vậy, không thể tuỳ tiện nảy sinh sát tâm.
Giải thích như vậy, các bạn có thể từ đó mà suy luận ra rồi chứ! Đúng thế, vốn dĩ đó là một bức tranh tươi mới sinh động, nhưng sau khi mùa thu và mùa đông đến, lập tức biến thành một khung cảnh ảm đạm tan hoang. Vì để thuận theo cảnh sắc lạnh lẽo buồn tẻ của mùa thu đông, tất nhiên cổ nhân sẽ chọn thời gian này để thực hiện hành hình phạm nhân.
Nếu như bạn có hứng thú với chủ đề này, tôi sẽ đưa ra một ý kiến nhỏ, bạn có thể tìm bản đồ phương vị đông tây nam bắc trong cuốn “Hoàng đế nội kinh” để quan sát, sẽ thấy rằng, cổ nhân đã nói rõ, mùa xuân là mùa sinh sôi; mùa thu là mùa thu hoạch, vì vậy mùa xuân không thể xuất hiện việc sát sinh, đến mùa thu có thể tiến hành việc chém giết.
Sau thu tính nợ
Vậy thì, “sau thu tính nợ” có liên quan gì đến việc trên không? Kỳ thực, cây nông nghiệp ở phương bắc, mỗi năm chỉ canh tác được một lần, nông dân phải đợi qua mùa thu khi kết thúc mùa thu hoạch, thì mới có thu nhập kinh tế. Tất nhiên là khi có tiền rồi, sẽ tự động đi trả các khoản nợ trước đó.
Điều này là vì có một số nông dân phương bắc, sẽ mua nhu yếu phẩm hàng ngày ở một số cửa hàng nhỏ, bọn họ phải đợi đến lúc thu hoạch mùa vụ rồi bán được giá tốt, mới đến các cửa hàng nhỏ đó tính toán hết các chi phí đã nợ trong một năm. Vì vậy, mọi người thường gọi việc kết toán, hay thanh toán các khoản nợ một lần vào cuối mùa thu, là “Thu hậu toán trướng”.
Hơn nữa, mùa thu thuộc về tây phương trong ngũ hành, tây có nghĩa là thu liễm, vì vậy cũng có thể hiểu rằng thời điểm thu tiền đã đến.
Tác giả: Yi-hsin Lu
Tuệ Tâm, theo Secret China