Công ty E-Dina đã phát triển một loại đèn không dây có thể biến nước mặn thành điện, trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho các loại đèn sử dụng năng lượng mặt trời tại các cộng đồng không có lưới điện.
E-Dina là một công ty khởi nghiệp năng lượng tái tạo ở Colombia. Thiết bị cầm tay của công ty này có tên là WaterLight. Với 500ml nước biển, hoặc nước tiểu trong các tình huống khẩn cấp, thiết bị này có thể cho khả năng phát sáng lên tới 45 ngày.
Hoạt động như một máy phát điện mini, thiết bị cũng có thể được sử dụng để sạc điện thoại di động hoặc một thiết bị nhỏ khác thông qua cổng USB được tích hợp trên thân.
WaterLight được phát minh thông qua sự cộng tác với cơ quan sáng tạo Wunderman Thompson bộ phận ở Colombia. Dự án được thiết kế như giải pháp thay thế cho năng lượng mặt trời, một loại năng lượng thường được sử dụng tại các khu vực ở vùng xa, tuy nhiên lại bị phụ thuộc vào yếu tố thời tiết.
Pipe Ruiz Pineda, giám đốc điều hành sáng tạo của Wunderman Thompson Colombia cho biết: “WaterLight hiệu quả hơn đèn năng lượng mặt trời vì nó có thể tái tạo năng lượng ngay lập tức”.
“Sau khi được đổ đầy nước, năng lượng sẽ được sản xuất ngay lập tức, trong khi đèn năng lượng mặt trời cần chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng tái tạo để sạc pin và chỉ hoạt động khi có mặt trời”.
WaterLight hoạt động 24 giờ một ngày thông qua quá trình ion hóa, trong đó các chất điện phân trong dung dịch muối phản ứng với magie và các tấm đồng bên trong đèn để tạo điện.
Tuy quá trình này đã được sáng tạo từ lâu, nhưng công ty E-Dina đã tìm ra cách mới để duy trì phản ứng hóa học trong thời gian dài nhằm tạo nguồn cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng.
“Họ đã được cấp bằng sáng chế cho một phương pháp ion hóa lâu hơn bất kỳ công nghệ nào trước đây”, Pineda phát biểu với tờ Dezeen.
Trong suốt vòng đời của mình, một chiếc đèn WaterLight có thể cung cấp khoảng 5.600 giờ năng lượng, tương đương với hai đến ba năm sử dụng tùy thuộc vào tần suất dùng.
Chiếc đèn có vỏ hình trụ, làm bằng gỗ Urapán, dưới đế được tích hợp một mạch điện, phía trên có một nắp đục lỗ cho phép nước chảy vào thiết bị mà vẫn giúp khí hydro được tạo ra trong quá trình ion hóa có thể thoát ra ngoài.
Sau khi các hạt muối bay hơi, đèn có thể được làm sạch và bổ sung nước mới, còn phần nước đã sử dụng có thể dùng để giặt giũ hoặc rửa ráy.
Chiếc đèn này được thiết kế dành riêng cho người Wayuu, một bộ tộc bản địa sống tại vùng cực bắc Nam Mỹ, nơi giao nhau giữa Colombia và Venezuela.
Pineda giải thích: “E-Dina là một công ty Colombia và chúng tôi muốn bắt đầu với một cộng đồng địa phương không được tiếp cận điện”.
“Chúng tôi chọn cộng đồng người Wayúu vì họ là một cộng đồng đã bị chính phủ ngó lơ”.
Trong nhiều thế kỷ, người Wayúu đã sinh sống tại vùng sa mạc xa xôi của bán đảo Guajira. Tuy tách biệt với phần còn lại của xã hội, nhưng khu vực này 4 phía đều tiếp giáp với biển Caribe, cung cấp một nguồn tài nguyên dồi dào để làm năng lượng cho đèn WaterLight.
Wunderman Thompson đã nghiên cứu để tích hợp di sản văn hóa phong phú của bộ tộc vào thiết kế của đèn, với các biểu tượng và hoa văn truyền thống được chạm khắc trên vỏ gỗ của đèn và các dây đeo đầy màu sắc do các phụ nữ địa phương dệt bằng kỹ thuật có từ thời tiền thuộc địa.
Pineda cho biết: “Đèn WaterLight thế hệ mới được lấy cảm hứng từ những truyền thống này, và các nghệ nhân Wayuu đã làm dây đai bằng chính bàn tay của họ”.
Wunderman Thompson khẳng định khi hết tuổi thọ, chiếc đèn có thể được tái chế hoàn toàn.
Mục tiêu cuối cùng của công ty là tung ra một phiên bản WaterLight được sản xuất hàng loạt trên khắp thế giới để phục vụ cho 840 triệu người hiện đang sống không có điện. Pineda hy vọng sản phẩm này sẽ đặc biệt hữu dụng tại những nơi như Syria, Sierra Leone và Somalia. Đây là những khu vực không có lưới điện toàn diện nhưng có lối đi trực tiếp đến đường bờ biển.
Thùy Linh (Theo Dezeen)