Thời xưa, mỗi khi bùng phát bệnh dịch, người ta thường lập đàn tế lễ, vì cho rằng nguyên nhân là do ma quỷ, cầu xin các đấng bề trên ban phước, để qua khỏi hoạn nạn. Đến thời các vua triều Nguyễn, ngoài việc cầu đảo ra, vua còn cho phát thuốc chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện nhiều biện pháp khác.
Trong các biện pháp đó, ngoài cấp tiền tuất, vải để mai táng cho người thiệt mạng, vua Minh Mạng còn phát bạch đậu khấu cho nhân dân, dạy quân lính thao diễn để tăng cường sức khỏe, khen thưởng những y sinh có thành tích chữa bệnh dịch cho dân, hoặc gợi ý cho nhân dân bỏ lửa cũ lấy lửa mới để mong cho dịch bệnh lui đi.
Phát thuốc, cử y sinh đi chữa bệnh
Bộ chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục, cho biết, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Nhà vua cũng sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ.
Theo đông y, bạch đậu khấu có tính ấm vị cay, có tác dụng làm ấm dạ dày, hành khí… thường dùng để điều trị các bệnh lý như cảm lạnh, đau họng, ợ hơi hoặc co thắt bụng, đau họng…
Trong dịch bệnh, người ốm thì triều đình cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải. Vua Minh Mạng còn lấy thuốc viên chữa dịch mới chế chia cho bầy tôi xung quanh mình.
Thiêm sự bộ Lễ là Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ nói: “Hiện nay quân dân đương có bệnh dịch, xin nghỉ công tác 1, 2 tháng để dưỡng sức cho người và sai các quân ở Kinh và ở ngoài thao diễn để cho khí hăng hái lên. Dương thịnh thì âm suy, người mạnh thì tật yếu, cũng là một thuật để ngăn tai vạ”. Vua khen là phải và cho thi hành.
Năm Minh Mạng thứ hai, ở Gia Định có bệnh dịch lớn, quân dân chết hơn 18.000 người, quan ở thành tâu lên. Từ Bình Thuận ra Bắc đến Quảng Bình cũng có báo nạn dịch, vua hạ lệnh cho các xứ ấy đều đặt đàn trừ tai. Ở kinh đô Phú Xuân cho đặt bàn ở ngoài thành, sai quan đến tế để cầu đảo cho trăm họ. Nhà vua cũng sai thái y các trại quân điều trị những lính bị ốm. Lính có trốn hay chết đều hoãn đòi bắt. Khi bệnh dịch rút lui, vua sai bộ Hộ xét những y sinh nào điều trị giỏi thì khen thưởng.
Dinh thần Quảng Nam lấy cớ rằng trong cõi nhiều người bị bệnh dịch chết, tâu xin từ 9 tuổi trở xuống thì bớt lệ tiền tuất. Vua quở trách rằng: “Hết thảy trên đất nước đều là dân ta, khắp trong bốn biển đều là của ta, trẫm thấy trăm họ bị bệnh dịch, lo thương không xiết, há lấy cớ phải cấp nhiều tiền mà lại bàn giảm bớt đi?”
Khuyên dân bỏ lửa cũ lấy lửa mới
Mùa xuân năm Minh Mạng thứ hai, khi Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt uỷ cho Thiêm sự Trần Nhật Vĩnh về kinh yết kiến nhà vua. Khi Vĩnh về, vua dụ rằng: “Ở Gia Định bệnh dịch lại phát, ngươi về bảo Lê Văn Duyệt hạ lệnh cho nhà dân theo cách bỏ lửa cũ lấy lửa mới, thì bệnh dịch có thể bớt được. Đấy là phương pháp tìm lành tránh dữ ghi trong sách cổ, mà lại là dị ý của người xưa dùi cây đổi lửa vậy”.
Khi có bệnh dịch, triều đình nhà Nguyễn cũng bãi bỏ các công tác xây cất để cho dân và quân lính được nghỉ ngơi. Như tháng 7 năm Gia Long năm thứ 3 (1804), Bình Định có bệnh dịch, vua sai dinh thần bãi công tác không cần gấp.
Vì dịch bệnh, vua Minh Mạng cũng cho bãi công tác dựng kho ở Quảng Trị và hoãn bắt lính thiếu ở trong kinh và ở ngoài.
Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương. Phàm lính là để giữ nước, vẫn không thể thiếu được, mà đạo nuôi dân cũng nên rộng rãi. Vậy thông dụ cho ở Kinh và các thành dinh trấn phàm việc sung điền binh đinh trốn và chết đều hoãn lại, đợi sau khi lệ khí yên rồi sẽ bắt cũng chưa muộn”.
Năm Minh Mạng thứ hai, ở Gia Định lại phát bệnh dịch, vua hạ lệnh hoãn các công dịch để cho dân nghỉ ngơi. Năm đó, vua cho miễn thuế thân cho dân bị dịch ở Gia Định.
Vào thời vua Minh Mạng, tất cả người dân chết vì dịch bệnh đều được cấp tiền tuất, trong đó người nội tịch (có sổ hộ khẩu ở địa phương) được 3 quan tiền, người không phải nội tịch được 2 quan, trẻ em 1 quan.
Khi tỉnh Phú Yên có bệnh dịch, nhân dân bị truyền nhiễm, chết hơn 5.000 người. Quan tỉnh tâu lên, vua Minh Mạng bảo bộ Hộ: “Hạt ấy sau khi thiếu ăn, việc sinh sống vừa mới yên, nay lại gặp tai dịch, thật rất đáng thương! Vậy dụ sai quan tỉnh lập tức lập đàn kỳ yên và chuẩn bị nhiều thuốc thang để điều trị”. Người nào chết thì cấp cho tiền tuất theo mức ở trên.
Vua Thiệu Trị cũng từng thể hiện lòng thương dân khi xảy ra bệnh dịch ở các tỉnh miền Trung và Kinh kỳ trong lời dụ như sau: “Coi lời tâu, thật thấy đau lòng, rơi lệ, cảm thương biết bao! Đã xuống Chỉ dụ chi của kho, tìm nhiều cách phát thuốc đi khắp để cứu chữa. Lại sai các quan địa phương: bất luận trai, gái, già, trẻ, ai ốm chết đều cấp tuất cho, nào có tiếc gì của kho hàng nghìn hàng vạn, chỉ mong cho dân ta sớm được yên lành mà thôi”.
Theo Zing